28/08/2013 11:03 GMT+7

Ông trưởng ấp chống khai thác cát lậu

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TT - 12 năm làm trưởng ấp trên cồn Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, ông Phạm Thành Thảo không nhớ nổi mình đã xua đuổi và bắt bao nhiêu vụ khai thác cát lậu.

Chỉ nhớ mấy tháng đầu năm 2013 ông đã bắt tới 50 vụ. Nhờ ông, tốc độ sạt lở của cồn Tiên Lợi giảm nhiều.

GcsIpvsU.jpgPhóng to
Ông Phạm Thành Thảo với những chuyến đi “đơn thương độc mã” chống hút cát lậu trên sông - Ảnh: Ngọc Tài

Trên con đò tròng trành sang cồn Tiên Lợi cuối tháng 8-2013, nhiều người tặc lưỡi hít hà xót xa khi thấy những chiếc sà lan hút cát ầm ầm.

Một người đàn ông trung niên trên chuyến phà góp chuyện: “Nếu không nhờ ông trưởng ấp ở cồn này canh giữ hằng đêm thì có lẽ cái cồn đã đi đứt rồi. Ổng là trùm bắt “cát tặc” ở đây vì thường ông chỉ đi rình bắt một thân một mình chẳng sợ ai”.

Mất ngủ vì dân chưa yên

Chúng tôi đến nhà ông Thảo gặp lúc ông đang cặm cụi làm hồ sơ cho những hộ nghèo trong xã. Ông Thảo đã gần 60 tuổi, mái tóc đã hoa râm nhưng nhìn tướng tá cao ráo, khỏe mạnh của ông thì tin chắc mấy tay thanh niên nhỏ con sẽ phải... đứng xa cả thước.

Khi nghe chúng tôi bảo muốn tìm hiểu về khai thác cát gây sạt lở cồn Tiên Long, mắt ông sáng lên rồi đưa tay gạt xấp hồ sơ sang một bên. Ông nói: “Sạt lở dữ lắm. Ít hôm nữa lại phải di dời nhà cho bà con ở đầu cồn. Đã ba lần di dời rồi mà họ vẫn chưa thể yên ổn vì tốc độ sạt lở đất nhanh chóng mặt. Tui thấy bà con khổ mà sốt ruột, ngủ không được”.

Nói rồi, ông đứng phắt dậy đến tủ hồ sơ lục lọi tìm bản đồ khai thác cát trên sông Hàm Luông đoạn qua cồn Tiên Lợi mà ông làm trưởng ấp.

Bản đồ này được ông cất cẩn thận trong một túi nilông vì phải lên xuống Phòng tài nguyên - môi trường huyện Châu Thành năm lần bảy lượt mới xin được.

Ông giải thích: “Sà lan khai thác cát ầm ầm, sạt lở kinh hoàng mà mấy người khai thác nói được phép. Tui bực mình lên huyện xin cho được bản đồ khai thác của họ để đối chiếu. Nếu phát hiện họ vi phạm thì tui mới đấu tranh được”.

Ông Thảo kể khoảng bảy năm trước mấy tay khai thác cát lậu phát hiện xung quanh cồn Tiên Lợi có mỏ cát khổng lồ nên đưa ghe, tàu tới hút ầm ầm tối ngày sáng đêm.

Hậu quả là đất đai cồn cứ sạt xuống sông mất dần. Nhiều vườn cây ăn trái, nhà cửa, đường đi bị cuốn xuống sông vì nạn khai thác cát. Vì quá bức xúc nên ông báo UBND xã và đề nghị thành lập đội chuyên canh giữ và bắt hút cát lậu.

Tuy nhiên mỗi lần phát hiện ghe cát lậu tiến sát bờ cồn, ông huy động lực lượng ngay nhưng khi tập hợp xong thì ghe đi mất vì đã hút đầy rồi. “Thậm chí có mấy lần tui nghi bị lộ nên khi hội quân chưa xong thì ghe cát chạy mất. Sau đó tui thử đi một mình luôn. Không liều với bọn này thì cồn sẽ sạt xuống sông hết” - ông Thảo nói.

Một mình với chiếc ghe, ông bơi ra sông Hàm Luông “chiến đấu” với ghe khai thác cát lậu. Sau khi giữ được phương tiện khai thác trái phép, ông gọi điện cho lực lượng chức năng đến lập biên bản xử phạt. Người dân địa phương nói: “Ổng bắt nhiều lắm, có ai đếm đâu mà nhớ nổi”.

Năm 2012 Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bến Tre cấp phép khai thác một nửa sông Hàm Luông phía bờ huyện Chợ Lách. Tuy nhiên sà lan thường lợi dụng đêm tối chạy qua bờ cồn Tiên Long lén lút cạp, hút. Thế là ông Thảo phải thức đêm ra canh, xua đuổi hoặc xông ra bắt quả tang. Để có cơ sở phản ảnh với huyện, tỉnh về tình trạng khai thác cát không đúng giấy phép, ông Thảo lập sổ ghi chép cẩn thận những lần vi phạm của sà lan. “Từ tháng 4-2013 đến nay tui phát hiện, bắt quả tang 50 sà lan khai thác cát trái phép trong 19 lần xuất quân” - ông Thảo nói.

Có lần ông Thảo bị bệnh nằm liệt giường suốt mấy tuần. Thời gian này sà lan “tấn công” vào sát bờ cồn để hút cát. Đất đai sạt xuống sông ầm ầm. Người dân lo sợ chạy đi tìm mới biết ông bị bệnh. Mọi người xúm lại lo cho ông mau khỏi bệnh để tiếp tục ra sông xua đuổi tàu khai thác cát lậu. Vì người dân đặt niềm tin vào ông quá lớn, ông Thảo cố gượng dậy dò dẫm ra sông. Thấy ông xuất hiện, sà lan nổ máy chạy ngược ra giữa sông chứ không còn dám bén mảng trong bờ cồn nữa.

Không sợ hiểm nguy

Thời gian gần đây chứng kiến tốc độ sạt lở tăng nhanh, nhiều nhà dân đổ xuống sông nên ông Thảo tăng tần suất tuần tra. Mỗi tuần ông có mặt trên sông lúc nửa đêm tới 3-4 lần. Ông bỏ tiền túi thuê đò chạy rảo trên sông Hàm Luông để kiểm tra. Ngoài ra ông cũng nhờ những người thả lưới, bắt cá đêm làm “vệ tinh” cho mình.

Khi thấy sà lan tiến vào bờ khai thác hoặc có ghe khai thác cát lậu hoạt động thì điện báo cho ông liền. Dù bận cách mấy ông Thảo cũng thuê đò ra bắt.

Đồng lương trưởng ấp của ông Thảo được hơn 1 triệu đồng/tháng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với tiền ông bỏ ra thuê đò đi bắt hút cát lậu.

Mỗi chuyến đò ra sông, ông phải trả 30.000-300.000 đồng tùy thời gian thuê bao. Đổi lại là vô số lời đe dọa lấy đầu, lấy mạng mà những đối tượng khai thác cát lậu nhằm vào ông. Để chứng minh, ông mở điện thoại cho chúng tôi xem hàng chục tin nhắn từ các số máy lạ.

Trong đó có tin sặc mùi xã hội đen: “Cát của mầy hay sao mà mầy đi bắt. Có bữa tao cắt cổ mầy đó...”.

Ông bảo ông đã gọi điện lại cho số máy này nhưng không ai nghe máy. Thế là ông nhắn tin thách thức luôn: “Mầy ở đâu, tao tới tận nhà cho mầy cắt cổ chứ hù dọa chi”.

Chúng tôi đặt vấn đề: “Mấy người hù dọa chứ ít khi làm, còn vô số người khai thác cát lậu không hù, nhưng có khi họ làm liều thật thì sao?”.

Ông Thảo cười lớn: “Cái mạng già này giáp lá cà với tụi nó hoài chứ gì. Giờ vẫn khỏe mạnh nè, có chết đâu. Mình làm vì lẽ phải, vì công lý thì khó chết lắm”.

Một trong những lần ông Thảo một mình “giáp lá cà” với những đối tượng khai thác cát lậu là đầu năm 2013. Ai cũng lo ông Thảo bị sát hại vì hai bên đụng độ nhau nảy lửa. Đêm đó ông đi tuần và phát hiện một chiếc ghe khai thác cát sát bờ.

Ông tiến ra bờ sông la lên. Chiếc ghe này nhổ neo chạy đi rồi kêu thêm mấy chiếc trở lại tiếp viện. Ông Thảo tiến lại gần nhưng mấy chiếc ghe này cứ thản nhiên hút cát.

Ông gọi điện cho cảnh sát môi trường. “Ban đầu chủ ghe năn nỉ cho qua họ sẽ trả tiền cà phê cà pháo nhưng tui từ chối thẳng. Thấy không xong cả bọn lao vào đòi ăn thua đủ với tui. May mà lúc đó công an xuất hiện, bắn chỉ thiên và truy bắt được mấy chiếc ghe này. Nếu công an không tới có lẽ tui bị bầm dập rồi” - ông kể.

Ông Võ Thanh Bình, chủ đò thường xuyên chở ông Thảo, kể thêm: “Tui thấy ổng hay lắm. Nhảy lên sà lan hay ghe cát thì ra phía sau giữ neo, không cho đối tượng nhổ neo để chạy. Vừa giữ neo, ổng vừa gọi báo công an đến lập biên bản”.

Tuy nhiên nhiều lần ông Thảo phải ra về tay trắng vì không có người tiếp ứng nên dù đã bắt quả tang ghe cát lậu vẫn để cho họ đi.

Ông giải thích: “Tui đi có một mình còn họ luôn có đông người. Tui lên ghe của họ rồi nhưng đâu có quyền lập biên bản, cũng không thể bắt giữ người nên chủ ghe tăng tốc chở tui chạy đi. Tình thế này bắt buộc tui phải nhảy xuống sông bơi về”.

Tháng 4-2013, ông Thảo bị ba tên trộm đánh trọng thương. ông Đặng Văn Thức, chủ tịch UBND xã Tiên Long, cho biết chính quyền địa phương rất khâm phục việc làm tận tụy vì dân, quên thân mình của ông Thảo. “Xã tin tưởng giao anh Thảo làm đội phó đội chống “cát tặc”. Tuy nhiên ảnh thường đi một mình, địa phương cũng lo nhưng ảnh bảo đi một mình hiệu quả hơn nên phải tôn trọng ý ảnh”.

Còn ông Phan Trung Tính, nguyên chủ tịch UBND xã Tiên Long, thì nói: “Nhiều lúc thấy anh Tư Thảo đi bắt “cát tặc” một mình dân ở đây cũng sợ có ngày anh bị “xử”, nhưng khổ nỗi là nếu tập hợp đầy đủ lực lượng thì lại không có hiệu quả”.

“Ăn tiền thuế của dân, không thể vô cảm”

Chúng tôi nhắc câu chuyện một thanh tra viên Sở Tài nguyên - môi trường Tiền Giang sau khi bắt “cát tặc” thì những đối tượng này đã xô anh xuống sông chết đuối mấy năm trước và thắc mắc vì sao ông dám đi một mình. Ông Thảo cười hiền: “Mình không làm thì ai làm. Dân bầu mình làm trưởng ấp làm chi mà khi dân bức xúc, dân cần mà mình phớt lờ. Ăn lương nhà nước cũng là tiền thuế của dân, không thể vô cảm được”.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên