08/10/2019 09:08 GMT+7

Phải siết lại cái 'đai' của đất

VĂN LỢI (Đồng Tháp)
VĂN LỢI (Đồng Tháp)

TTO - Giá đất vùn vụt tăng, nơi nơi rầm rộ phân lô bán nền. Hàng ngàn người mất tiền vì mua đất "dự án ma".

Phải siết lại cái đai của đất - Ảnh 1.

“Dự án” Alibaba Tân Thành Center City 1 tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị chính quyền cưỡng chế - Ảnh: MẠNH KHÁ

Rồi anh em ruột rà thù hận, chém giết nhau vì đất ông bà để lại. Điểm chung của những chuyện này là chuyện quản lý đất đang còn lạc hậu, bất cập.

Ví như chiếc áo quản lý đất đai đã không còn vừa vặn với thực tế và cái "đai" không đủ chặt.

Máu đào đã đổ vì đất

Một gia đình cha mẹ mất đi không để lại di chúc, hai nhà hàng xóm với nhau chốt ranh đất bằng cách trồng một cây xanh... Những câu chuyện tương tự như vậy xảy ra khắp nơi, tưởng là chuyện nhỏ nhưng đang là nguồn cơn của nhiều sự việc bức bối, đau lòng liên quan đến đất đai xảy ra gần đây.

Quá nhiều vụ án mạng đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ tranh chấp đất đai. Điển hình như vụ án anh trai sát hại cả gia đình em ruột gây chấn động dư luận ở Đan Phượng, Hà Nội mới đây. Nguyên nhân của vụ việc có liên quan đến tranh chấp 0,5m đất giáp ranh để phân ranh giới. 

Trước đó, năm 2018, ở TP Cần Thơ, hai anh em mâu thuẫn xảy ra đánh nhau vì mảnh đất cha mẹ chuyển nhượng. Trong lúc ẩu đả, người anh đã lấy dao đâm em ruột bị thương nặng và tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu. 

Trước đó nữa, vào năm 2016, tại quận 11, TP.HCM, một thanh niên đã đâm chết cả hai người anh em ruột với mình vì sợ bị giành nhà đất cha mẹ để lại.

Mới nhất, gây xôn xao nhất là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo đất đai của Công ty địa ốc Alibaba. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các dự án của Alibaba vi phạm các quy định về đất đai, đầu tư, xây dựng và quy hoạch đô thị. 

Tuy nhiên, hầu hết trong số hơn 600ha đất nông nghiệp của khoảng 40 dự án của Alibaba đều đã bán ra trót lọt cho hơn 6.700 khách hàng và thu về đến 2.500 tỉ đồng. Những lần mở bán dự án, Alibaba đều tổ chức công khai, rầm rộ nhưng hầu như không thấy cơ quan nhà nước nào lên tiếng.

Tránh họa từ đất vàng

Đất thuộc quyền sử dụng của ai, ai được sử dụng, ai được mua bán? Không ít người dân vẫn mù mờ điều này. Ở nông thôn, không hiếm những trường hợp mấy gia đình anh em ruột dù đã ở riêng, sản xuất trên đất riêng nhưng các mảnh đất vẫn chung một sổ đỏ do cha mẹ đã mất đứng tên. Anh em thương nhau nên hiện tại chưa xảy ra vấn đề gì, nhưng đến đời con đời cháu hoặc gặp khi sốt đất thì có thể sinh chuyện. 

Trước năm 2000, đất trồng lúa ở miền Tây Nam Bộ mỗi 1.000m2 có giá tương đương 1 lượng vàng 24K nhưng hiện tại giá đã tăng gấp đôi, gấp ba. Giá đất cứ tăng vùn vụt mà sự phân chia ranh giới đất đai không rõ ràng lắm khi thành nguyên nhân của những bất hòa thân tộc.

Ở nông thôn (nhất là ngoài đồng lúa), nhiều nông dân chỉ xác định ranh đất với nhau bằng cách trồng xuống đất một cây xanh. Nhiều năm sau, cây lớn, đường kính rộng vài tấc, ruộng thay chủ, tấc đất đã là tấc vàng... cũng thành kiện thưa dai dẳng và mệt mỏi.

Mất tình người vì đất, đó là chuyện từ người dân. Còn về phía quản lý đất đai của Nhà nước cũng quá nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến đất đai. Từ trục lợi cá nhân từ dự án đất đến chiếm dụng đất công gây bức xúc dư luận. 

Có thể thấy điểm chung những chuyện này là lòng tham. Nhưng lý do chính là pháp luật về đất đai chưa đủ chặt để quản lý những vấn đề phát sinh trong thực tế giá đất tăng, mua bán đất rầm rộ ở các tỉnh thành. Như vụ việc Alibaba, nếu được quyết liệt xử lý sớm hơn từ vài năm trước, số nạn nhân ít hơn, thiệt hại sẽ thấp hơn nhiều.

Và câu chuyện từ người dân, vì đâu quá nhiều người đang vướng vào rắc rối tranh chấp kiện thưa từ cái bờ ranh, một tán cây ngoài ruộng? Vì đâu hàng ngàn người chấp nhận đóng tiền mua đất trên giấy nhanh gọn, dễ dàng như mua bó rau? Vì tham lợi một phần, nhưng cái chính là hiểu biết pháp luật về sở hữu và chuyện mua bán đất đai còn hạn chế quá!

Qua bao cơn sốt giá, đất biến thành "vàng" và thành mối họa vì giá lên cao ngất. Với nhiều vụ bán đất nền trái pháp luật, hàng ngàn người có nguy cơ mất tiền mua đất "dự án ma" và chuyện máu đổ vì tranh chấp đất xảy ra khắp nơi đòi hỏi Nhà nước cần phải sớm hoàn thiện hơn nữa pháp luật về đất đai. 

Trong quản lý, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm về đất đai, tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đất đai, thông tin về quy hoạch sử dụng đất cho dân. Giá mua bán đất ngày càng tăng, đất cần cái "đai" phù hợp và "đai" luôn cần phải được siết chặt lại.

Mâu thuẫn vì đất ngày càng "nóng"

Người dân thiếu hiểu biết về pháp luật đất đai. Nhưng thực tế thì các quy định về quản lý đất đai cũng chưa hoàn thiện. Thêm vào đó, có cả sự yếu kém, tắc trách, vô cảm của một bộ phận cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ quản lý đất đai trong bối cảnh giá đất tăng vùn vụt, khiến cho mâu thuẫn về đất đai trên phạm vi cả nước mỗi lúc một nóng hơn.

Một báo cáo mới đây của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho biết từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, khiếu nại về đất đai chiếm trên 60%.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: 'Luật pháp về xây dựng, đầu tư, quản lý đất đai còn xung đột'

TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 32 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 sáng 2-10.

VĂN LỢI (Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên