23/12/2019 15:31 GMT+7

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Để TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần phải có cơ chế đặc biệt cùng những chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ.

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo - Ảnh: TIÊN NGÔ

Ngày 23-12, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp Học viện Chính trị khu vực II tổ chức hội thảo 'Vai trò của TP.HCM trong phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam'. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, nhà lý luận, nhà khoa học trên cả nước. 

Các đại biểu cho rằng để TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì cần phải có cơ chế thật đặc biệt, trong đó nhấn mạnh vấn đề cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng giao thông…

Bên cạnh đó, kiến nghị với trung ương những thể chế, chính sách để phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, những chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ.

Về vấn đề này, trong tham luận gửi đến hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - cho rằng phân cấp, phân quyền cho các địa phương chính là thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, làm cho các hoạt động chính sách trở nên gần dân hơn, hiệu lực và hiệu quả nhanh hơn. 

"Phân cấp, phân quyền cho các địa phương có đủ tiềm lực về tài chính không đe dọa sự tập trung quyền lực của Nhà nước mà là cơ hội để phát triển đất nước", ông Phát nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Phát, Nhà nước cần thực hiện song song việc phân cấp, phân quyền cho  các địa phương ở giai đoạn đầu dưới dạng là cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề cấp thiết ở địa phương. Về mặt dài hạn, cần hoàn thiện thể chế ở cả 3 phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Về nguyên tắc tự chủ tài chính trong phân quyền, các địa phương trong vùng có điều kiện tự chủ về tài chính thì Nhà nước hỗ trợ ít nhưng phân quyền nhiều. Còn với những vùng nào khó khăn thì Nhà nước hỗ trợ đi kèm với phân quyền ít hơn.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Phan Công Khanh - phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đã xác định việc thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vì vai trò quan trọng của khu vực này đối với nền kinh tế đất nước: khu vực này chiếm 50%GDP, 57% tổng sản lượng công nghiệp, 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và 47% ngân sách cả nước.

Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM giữ vai trò quan trọng, là địa phương thu ngân sách lớn nhất cả nước. Tuy là trung tâm tài chính kinh tế lớn của cả nước nhưng TP.HCM phát triển còn thiếu bền vững. Vấn đề về vốn, nguồn nhân lực công nghệ cao, các vấn đề chính sách còn gặp nhiều thiếu thốn, khó khăn.

Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam: Đầu tàu đang hụt hơi Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam: Đầu tàu đang hụt hơi

TTCT - Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐ) đến năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13-2-2014, mục tiêu được đặt ra là vùng có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước và là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của đất nước, có vị trí trong khu vực.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên