01/06/2017 17:00 GMT+7

​Phát triển công trình xanh Việt Nam: Đối mặt nhiều thách thức

THU THẢO
THU THẢO

Sáng 26-5, hội thảo khởi động “Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội.

Dự án xanh được coi là xu thế tất yếu của thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chương trình do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học & Công nghệ, Ủy ban Khoa học - Công nghệ & Môi trường của Quốc hội.

Hội thảo là một phần của việc thực hiện kế hoạch hoạt động 5 năm (2017-2020) của “Chương trình Phát triển Công trình Xanh và Bền vững” với  mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển công trình xanh trên phạm vi toàn quốc.

Đây sẽ là nền tảng cơ bản cho việc hình thành thị trường BĐS xanh Việt Nam. Ở các nước phát triển trên thế giới, việc ứng dựng công trình xanh đã mang lại rất nhiều giá trị gia tăng, tạo đà cho sự phát triển bền vững của ngành xây dựng và thị trường BĐS.

“Công trình xanh” hay “kiến trúc xanh” là khái niệm không mới. Nhưng chỉ đến thời gian gần đây, khi toàn thế giới phải ứng phó với những biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nghiệm trọng, khái niệm này mới thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và cộng đồng.

Ở Việt Nam, từ những năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.  

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam thì phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng , số lượng công trình xanh và bền vững trên toàn quốc mới dừng lại ở con số 60 sau gần một thập kỷ triển khai. Đây là con số khiêm tốn so với 125 công trình đã được chứng nhận tại Malaysia, 500 công trình tại Đài Loan và gần 1.200 công trình xanh tại Singapore.

Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia Công trình xanh của Tổ chức tài chính quốc tế IFC nhấn mạnh công trình xanh ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức: “Một trong những thách thức lớn đối với phát triển công trình xanh ở Việt Nam là công tác hỗ trợ của cơ quan nhà nước còn khá rời rạc, chưa được triển khai nghiêm túc và đồng bộ trên cả nước”.

Theo bà Diệp, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào dành riêng cho lĩnh vực xây dựng xanh để khuyến khích đầu tư vào khu vực này.

Hệ thống các tiêu chuẩn kĩ thuật xây dựng cũng chưa được hoàn thiện và nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và tương xứng với tiêu chí xanh quốc tế. Các hoạt động hỗ trợ đã triển khai chưa phát huy được hiệu quả cao trên diện rộng.

Mặt khác, bà Diệp cho rằng một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, chủ đầu tư và cán bộ thẩm tra còn tỏ ra khá thờ ơ và chưa có sự quan tâm đúng mực với công trình xanh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Để phát triển công trình, nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng cần có sự tham gia, phối hợp từ nhiều phía. Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hoặc quy định trách nhiệm về phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kĩ thuật về công trình xanh, tiết kiệm năng lượng”.

Bên cạnh đó, ông Ninh nhấn mạnh các Hội, Hiệp hội có vai trò quy tụ các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, bất động sản trên cả nước cần phổ biến chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức, chuyên môn, xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá, công nhận công trình xanh.

Ngoài ra, các chủ đầu tư, các nhà thiết kế, những người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, có vai trò quyết định việc hình thành nên công trình xanh, tiết kiệm năng lượng cần chủ động tiếp cận, làm chủ công nghệ; nhận thức đầy đủ lợi ích cá nhân - cộng đồng trong đầu tư xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.

Trong khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp BĐS như Capital House, Tổng công ty Viglacera, CEO group, Alphanam, Phúc Khang, Công ty TNHH Cao ốc Quốc tế Tây Hồ… đã tham gia lễ kí giao ước hưởng ứng chương trình trong vòng 5 năm tới.

THU THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên