Philippines đu dây như thế nào?

DANH ĐỨC 21/02/2023 08:57 GMT+7

TTCT - Làm thế nào mà Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., mới vừa "thề sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong chuyến công du Bắc Kinh" (VOA 4-1), đã lại "nói OK với thỏa thuận Nhật Bản - Mỹ - Philippines (ABS-CBN News 13-2)?

Tất nhiên, không có chuyện cái này loại trừ cái kia, ông Marcos Jr. hiểu rõ luật "sống còn" đó, nên đã tự thòng cho chính mình một điều kiện sine qua non: "nếu thỏa thuận này (với Nhật và Mỹ) không gây căng thẳng trên biển".

Ảnh: Nikkei Asia

Ảnh: Nikkei Asia

Thỏa thuận quân sự mới với Mỹ và Nhật

7 tháng sau khi lên cầm quyền, ông Marcos đã có những bước phát triển quan hệ mới với cả Mỹ lẫn Nhật Bản. Cụ thể, đầu tháng 2 năm nay, ông quyết định cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận thêm bốn căn cứ mới theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA). 

Một tuần sau, ông cùng Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tuyên bố sẽ "tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh tổng thể…, hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh lực lượng trên bộ Nhật Bản - Philippines - Mỹ và cam kết tiếp tục tăng cường trao đổi quốc phòng thông qua các cuộc đối thoại ba bên". 

Thế nhưng, ông Marcos một mực giải thích rằng "Philippines sẽ đảm bảo rằng các động thái đó sẽ không bị coi là một "sự khiêu khích" có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Biển Đông", theo The Manila Times 14-2.

Thiệt ra, ông Marcos đã chỉ tiếp tục thực thi EDCA, vốn ký năm 2014 để tiếp nối Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) ký năm 1998, 6 năm sau khi Thượng viện Philippines đóng cửa các căn cứ Subic và Clark của hải và không quân Mỹ năm 1992. 

Hai căn cứ kia hoạt động theo tinh thần Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 mà mục đích là "củng cố kết cấu hòa bình" ở Thái Bình Dương, bằng thỏa thuận bảo vệ lãnh thổ của nhau trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài.

Việc Thượng viện Philippines ra đạo luật đóng cửa các căn cứ Mỹ năm 1992 trùng thời gian với việc trước đó Nga rút hạm đội Thái Bình Dương khỏi vịnh Cam Ranh sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc. 

6 năm sau khi các căn cứ này bị đóng cửa, VFA được ký kết lại, bao gồm điều khoản tập trận hàng năm Mỹ - Philippines dưới tên gọi Balikatan (Vai kề vai).

Đến năm 2014, EDCA được ký ngay hôm bắt đầu chuyến công du Philippines của tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Barack Obama. 

Phía Mỹ đề nghị được sử dụng tám căn cứ, bao gồm Subic và Clark cùng các căn cứ ở Cebu, Luzon và Palawan, song cuối cùng hai bên đã thỏa thuận được chỉ năm căn cứ ở Palawan, Nueva Ecija, Cagayan de Oro và Cebu, hầu hết là căn cứ không quân.

Sang trào tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thì thỏa thuận này bị ngưng do ông nghi ngờ Mỹ có thể giấu vũ khí hạt nhân ở đó - điều mà đại sứ Mỹ và quân lực Philippines hết sức bác bỏ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Philippines. Ảnh: USNI News

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Philippines. Ảnh: USNI News

Giờ đây, với Tổng thống Marcos, Mỹ được ra vô và sử dụng thêm bốn căn cứ nữa. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1-2 thật long trọng: "EDCA là trụ cột chính của liên minh Hoa Kỳ - Philippines, hỗ trợ đào tạo, tập trận kết hợp và khả năng tương tác giữa các lực lượng của chúng tôi. Việc mở rộng EDCA sẽ làm cho liên minh chúng tôi trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn, đồng thời sẽ đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các khả năng quân sự kết hợp".

Việc Mỹ ra vô các căn cứ ở Philippines là nhu cầu của Mỹ, tất nhiên, song có phải cũng là nhu cầu của Philippines không? 

Thứ trưởng Quốc phòng cấp cao của Philippines Jose Faustino Jr., trong một cuộc bọp báo tại Hawaii hôm 29-9-2022, đã nhắc lại rằng hai bên có chung lịch sử kéo dài hơn 70 năm với tư cách bạn bè, đối tác và đồng minh, và EDCA luôn là nền tảng của chính sách quốc phòng Philippines, đặc biệt trong bối cảnh "tình hình đầy biến động ở Biển Đông và Biển Tây Philippines vẫn là mối quan tâm an ninh hàng đầu của Philippines".

Vậy quan hệ Philippines - Mỹ là gì? Có phải đơn giản là kết bè, hiệp đảng? Ông Faustino đưa ra giải thích mang tính "lý luận cao cấp": "Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các quốc gia cùng suy nghĩ", và suy nghĩ đó là "đảm bảo rằng luật pháp và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ thắng thế ở Biển Tây Philippines và Nam Hải (tức Biển Đông)". 

Trên thực tế, không phải tất cả các nước đều có cùng "suy nghĩ", tức chủ trương gìn giữ luật pháp và trật tự quốc tế. Đó chính là nền tảng của quan hệ với Mỹ hay các nước khác.

Tất nhiên, không phải cứ quan hệ quân sự với Mỹ là chấm hết các mối quan hệ khác. Ông Faustino nhắc nhở: "Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao và đối thoại để giải quyết hòa bình các vấn đề này ở Biển Đông. Điều này bao gồm việc tiếp tục liên hệ với Trung Quốc trên cả nền tảng song phương và đa phương, miễn là không ảnh hưởng đến lập trường của Philippines ở Biển Tây Philippines, để tạo điều kiện cho sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau".

"Liên hệ với Trung Quốc" như thế nào

Nhiều câu hỏi đặt ra từ những nhận định đó. Những lý luận đó "linh hoạt" tới mức độ nào? Nếu vẫn "liên hệ" với Trung Quốc thì ai là người "liên hệ"? Và ai là then chốt? Ở thời điểm tháng 9-2022 đó, đứng đầu cả nước Philippines là ông Tổng thống Marcos Jr. mới nhậm chức cuối tháng 6 sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-5.

Ông Marcos Jr. thăm Trung Quốc. Ảnh: AP

Ông Marcos Jr. thăm Trung Quốc. Ảnh: AP

Bầu xong hôm thứ hai, qua thứ ba 10-5, Reuters đã nhận xét về tổng thống tân cử Marcos: "Ông Marcos là tổng thống Philippines thì có lợi cho Trung Quốc, khó xử cho Hoa Kỳ"! Làm thế nào mà hãng thông tấn nổi tiếng là khách quan này của Anh lại khẳng định chắc nịch lập trường thân Bắc Kinh của ông Marcos Jr. như vậy?

Không có lửa sao có khói. Có thể giở lại báo chí cả Philippines lẫn các nước để kiểm chứng. Tỉ như bài báo của Hãng tin Rappler (Philippines) đề ngày 26-1-2022: "Ứng cử viên tổng thống Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. dường như đã sẵn sàng gác lại thắng lợi lịch sử của Philippines tại tòa The Hague để tiếp tục bang giao với Trung Quốc, những người mà ông đã nhiều lần gọi là "bạn hữu" trong một loạt cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông trong tuần này".

Chuyện báo chí đánh giá ông Marcos sẵn sàng "buông" phán quyết của tòa The Hague để thập thò với "bằng hữu" Bắc Kinh là chuyện thường ngày ở đất nước này, ngay cả dưới trào ông Marcos cha - người được xem là nhà độc tài và cũng là đồng minh chí cốt của Mỹ. Và báo chí có lý của họ.

Trong cuộc sống có những trường hợp mà Khổng Tử cảnh cáo là "dục tốc bất đạt". Ông Marcos Jr. nhậm chức lúc 12 giờ trưa thứ năm 30-6-2022 và họp nội các lần đầu ngày hôm sau, thì thứ tư 6-7, tức chưa tới một tuần, thượng khách có lẽ đầu tiên ở dinh tổng thống Malacanang là Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, mà theo phía Trung Quốc là "theo lời mời".

Gần cuối ngày hôm sau, Bắc Kinh công bố rất chi tiết về cuộc gặp này trên bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc với tựa đề: "Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos gặp Vương Nghị". 

Bản tin đăng hình ông Vương Nghị mặc áo sơ mi quốc phục của Philippines, tạm hiểu như một biểu thị trân trọng. Bài tường thuật cũng thẳng thắn thuật lại nội dung đối thoại giữa hai ông, không giấu giếm những khác biệt: 

"Marcos cho biết Philippines theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập duy hòa bình"; và "vấn đề Nam Hải (tức Biển Đông) không phải là vấn đề chủ đạo trong quan hệ Philippines - Trung Quốc, và không nên hạn chế hay cản trở hợp tác song phương. Phía Philippines sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với phía Trung Quốc để tìm giải pháp hữu nghị cho vấn đề, đó là con đường đúng đắn để hai nước hòa hợp với nhau".

Tái cân bằng các quan hệ

Hai tháng sau cuộc gặp trên, Bonnie Glaser, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, đã có thể viết: "Những thay đổi đang diễn ra. Tổng thống mới đắc cử Marcos đang áp dụng lập trường cứng rắn hơn với tranh chấp Nam Hải và kêu gọi đàm phán lại thỏa thuận vay với Trung Quốc cho các dự án đường sắt trị giá gần 5 tỉ USD". 

Được biết, ba dự án đường sắt này được chốt dưới thời cựu tổng thống Duterte, nay bị chê là lãi suất quá cao, lên tới 3%, so với của Nhật chỉ là 0,01% (Inquirer.net 16-7-2022).

Nhưng đồng thời, ông Marcos vẫn rất uyển chuyển: Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông trong năm 2023 là Trung Quốc, nơi ông có lịch trình dày đặc ba ngày từ 3-1. 

Như mọi lần, ông vẫn rạch ròi giữa hữu nghị và lợi ích mỗi nước bằng ngôn từ bóng bẩy trong phát biểu trước khi lên đường: "Các vấn đề giữa hai nước là những vấn đề lẽ ra không nên phát sinh giữa hai bằng hữu như Philippines và Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề đó vì lợi ích chung của hai nước" (Time 3-1).

Những trục trặc mà ông nói đến, bao gồm việc tháng 11 năm ngoái một quan chức hải quân cấp cao của Philippines đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc dùng vũ lực thu nhặt các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. 

Trung Quốc phủ nhận điều này và Marcos cho biết ông sẽ làm rõ chuyện đó trong chuyến thăm của mình, cũng theo Time. Có thể thấy đặc điểm của ông Marcos là không né tránh vấn đề, nhưng cũng không tìm cách làm căng.

Sự cố mới nhất giữa Trung Quốc và Philippines trên biển là vụ cáo buộc chiếu đèn laser. Ảnh: DW

Sự cố mới nhất giữa Trung Quốc và Philippines trên biển là vụ cáo buộc chiếu đèn laser. Ảnh: DW

Cũng có thể thấy sau nhiệm kỳ 6 năm của ông Duterte, nay đến phiên ông Marcos Jr., tuy vẫn tự nhận là bằng hữu của Trung Quốc song chủ trương cân bằng các mối quan hệ, không bỏ tất cả trong một rổ. Tiếp nối Trung Quốc, ông còn cậy tới Nhật Bản, không chỉ về vốn liếng đầu tư hạ tầng. 

Thông cáo chung Nhật Bản - Philippines ngày 9-2 vừa qua nêu rõ: "Thủ tướng Kishida nhấn mạnh ý định của Chính phủ Nhật Bản cung cấp hỗ trợ năng động để Philippines đạt được quy chế quốc gia có thu nhập trung bình cao (UMIC) vào năm 2025, phù hợp với "Kế hoạch phát triển Philippines 2023 - 2028" thông qua đóng góp tích cực của hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư khu vực tư nhân trị giá 600 tỉ yen [4,5 tỉ USD] trong tài khóa 2022 - 2023".

Thông cáo chung còn nêu ra khái niệm "các nước cùng suy nghĩ" (like-minded countries): "Các nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên quy định của pháp luật đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 

Từ quan điểm này, các nhà lãnh đạo tái khẳng định rằng "Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP)" và "Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)" chia sẻ các nguyên tắc cơ bản này". 

Yếu tố "cùng suy nghĩ" này lại được thể hiện khi hôm thứ hai đầu tuần 13-2, lực lượng tuần duyên Philippines tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 6-2 đã chiếu đèn laser quân sự vào một tàu tiếp tế cho binh sĩ Philippines đồn trú trên bãi Second Thomas Shoal trong quần đảo Trường Sa và có lúc chạy sát tàu Philippines chỉ cách 140m.

"Đu dây" vẫn là một kế sách cần thiết, song để hiệu quả cơ bản phải biết dung hòa nhu và cương. Tuy nhiên, "đu dây" chỉ thực sự hiệu quả khi gặp được các bên "cùng suy nghĩ" và "biết điều".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận