07/12/2023 07:06 GMT+7

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đánh giá về chỉ số kinh tế TP.HCM

Kết quả phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM năm 2023 cho thấy ở những bước chuyển tình thế dựa trên triển khai các dự án, những chính sách quan trọng đã có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế TP.

TS Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển - Ảnh: CẨM NƯƠNG

TS Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Hôm nay (7-12), kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X sẽ thảo luận hội trường về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và chất vấn các trưởng ngành. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định: "Kết quả phát triển kinh tế, xã hội của TP đến thời điểm hiện tại (quý 1 là 0,7%, quý 2 là 5,8%, quý 3 là 6,7%, quý 4 là 9,6% và dự kiến cả năm là 5,82%) cho thấy quý 1 tăng trưởng thấp nhất và tăng dần ở các quý sau".

Theo ông Vũ, kịch bản này đã được tính toán dự báo phân tích trước đó dựa trên hai yếu tố quan trọng là chu kỳ kinh tế của thế giới và độ trễ của chính sách.

"Cần lưu ý, từ cuối năm 2022 các đánh giá của chuyên gia tổ chức quốc tế từng nói năm 2023 ít nhất là mùa đông kinh tế, thậm chí khả năng có khủng hoảng kinh tế ở các mức độ và quy mô xảy ra. Cùng với đó, cả chính sách của trung ương lẫn những triển khai ở địa phương trong việc điều chỉnh và xử lý các vấn đề của thị trường như lãi suất ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đều có độ trễ", ông Vũ phân tích.

Ông Vũ cho rằng kết quả về kinh tế, xã hội của TP.HCM cũng cho thấy ở những bước chuyển tình thế dựa trên triển khai các dự án, những chính sách quan trọng đã có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế TP.

Cụ thể, trong quý 2, TP thúc đẩy khởi công đường vành đai 3 TP.HCM cùng hàng loạt dự án giao thông của khu vực phía nam như nhà ga T3, các tuyến cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long. Quý 3, Quốc hội thông qua nghị quyết riêng, tạo khí thế cho cộng đồng doanh nghiệp vàng và mở đường tái khởi động các dự án “đứng hình” của TP. 

Và đến quý 4, TP triển khai nghị quyết 98, đặc biệt là những quyết sách công trình cụ thể được thảo luận và thông qua trong hai kỳ họp HĐND TP vừa qua và kỳ họp đang diễn ra. Những chính sách, cơ chế được thông qua không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn lĩnh vực an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế. 

Ngoài ra, quý này còn đón nhận kết quả của các hoạt động ngoại giao quan trọng như nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, Việt Nam - Nhật Bản, cũng như các chuyến đi của lãnh đạo TP đến Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định: "Có thể thấy kết quả kinh tế, xã hội phản ánh nội lực, ngoại lực của nền kinh tế và từ tâm lý của xã hội".

Theo ông Vũ, những yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý bao gồm sự ổn định của chính trị, xã hội, sự minh bạch của khung pháp lý, đặc biệt là thể chế hóa được những quyết sách lớn.

Cùng với đó là sự tiếp thu góp ý của cộng đồng doanh nghiệp để gỡ rối và thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu thế chung của khu vực, quốc tế. Những yếu tố này phát ra các tín hiệu tích cực cho thị trường và cộng đồng doanh nghiệp.

Giải pháp cho kinh tế TP.HCM phát triển trong năm 2024

Từ diễn biến kinh tế, xã hội của năm 2023, theo ông Vũ, đã gợi ý một số giải pháp quan trọng cho TP.HCM trong năm 2024.

Theo đó, ổn định chính trị, ổn định xã hội trong bối cảnh thị trường quốc tế và khu vực bất ổn là một trong những giải pháp quan trọng của Việt Nam ở TP. Đặc biệt, khi chu kỳ kinh tế được các chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo sẽ quay trở lại vào cuối quý 2-2024.

Đầu tư công, đặc biệt là những dự án hạ tầng có vốn lớn quan trọng đóng vai trò tiên quyết. TP cũng đang đề xuất thành lập ban các công trình giao thông trọng điểm để thúc đẩy việc này.

Cùng với đó, thực thi có hiệu quả nghị quyết 98 gắn với hai quy hoạch đang triển khai của TP, cũng như đề án hình thành trung tâm tài chính quốc tế và đề án thúc đẩy các tuyến đường sắt đô thị tại TP bằng cách tiếp cận mới.

Thúc đẩy nhanh gỡ rối cải cách hành chính và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ. Trung tâm chuyển đổi số đã được thông qua về chủ trương cần cụ thể nhanh chóng trong đầu năm sau để đảm nhận vai trò thúc đẩy ứng dụng các công nghệ số cho thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kdoanh, đầu tư của TP.

Ngoài ra, các mô hình ý tưởng kinh doanh mới cần được thúc đẩy thí điểm và đồng hành bởi TP như kinh tế xanh chuyển đổi xanh hay hình thức thương mại điện tử, mà livestream đang là chủ lực.

Đây không chỉ là giải pháp quan trọng để hỗ trợ chợ truyền thống, mà còn là thúc đẩy một mô hình kinh tế dịch vụ mới dựa trên công nghệ số, khả năng cao sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Cuối cùng, việc hình thành các không gian phát triển mới từ liên kết vùng. Trong đó, thời gian vừa qua không chỉ về mặt giao thông và cả về mặt thương mại, du lịch, giáo dục, y tế và đặc biệt là quy hoạch và về thể chế liên kết giữa TP.HCM và Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là điểm sáng và cần được thúc đẩy mạnh mẽ trong 2 năm tới.

TP.HCM phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 -8%TP.HCM phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 -8%

Sáng 6-12, HĐND TP.HCM khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 13 để đánh giá toàn diện tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023 và phương hướng năm 2024. Đồng thời, xem xét thông qua nhiều quyết sách quan trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên