15/03/2005 15:11 GMT+7

Phòng cháy chữa cháy tại TP.HCM: Chưa yên tâm!

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Mất hàng loạt nắp trụ nước cứu hỏa - Hàng loạt trụ nước cứu hỏa trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM đang “hả họng” vì bị kẻ gian lấy mất nắp. Tình trạng này làm tổn thất cho ngành cấp nước và gây trở ngại cho việc chữa cháy.

PQmwRQ1Y.jpgPhóng to
Trụ nước cứu hỏa tại góc đường Lê Lợi - Pasteur cũng bị tháo mất nắp (ảnh chụp chiều 14-3-2005) - Ảnh: N.C.T.
TT - Mất hàng loạt nắp trụ nước cứu hỏa - Hàng loạt trụ nước cứu hỏa trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM đang “hả họng” vì bị kẻ gian lấy mất nắp. Tình trạng này làm tổn thất cho ngành cấp nước và gây trở ngại cho việc chữa cháy.

Dễ tháo, dễ mất

Dọc theo các tuyến đường Nơ Trang Long, Lê Quang Định, Nguyễn Văn Đậu, Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), Tô Ký (Q.12), An Dương Vương (Q.5), Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị (Gò Vấp), Cộng Hòa (Tân Bình), Gò Dầu (Tân Phú)… TP.HCM, có hàng loạt trụ nước cứu hỏa bị mất nắp.

Theo Chi nhánh Cấp nước Gia Định - đơn vị đang quản lý 312 trụ nước cứu hỏa trên các địa bàn Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, tình trạng lấy cắp nắp trụ nước cứu hỏa đang có xu hướng gia tăng.

Ông Nguyễn Năng Thân - giám đốc Chi nhánh Cấp nước Phú Hòa Tân (phụ trách gần 500 trụ nước cứu hỏa của các quận: 10, 11, Tân Bình, Tân Phú) - cho biết tình trạng mất nắp trụ cứu hỏa cũng xảy ra trên địa bàn của mình. Chi nhánh đang rà soát lại để báo cáo lên Công ty Cấp nước.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi trụ nước cứu hỏa thường có hai hoặc ba họng xả được đậy bằng các nắp gang. Các nắp này dính với trụ bằng một khớp vặn và sợi xích nhỏ nhằm che chắn không cho cát, bụi, đất đá lọt vào. Để giúp thao tác lấy nước được nhanh nên việc tháo mở nắp rất dễ, chỉ vặn nhẹ buloong là xong. Đó cũng là nguyên nhân mà thời gian qua không ít nắp trụ cứu hỏa đã “lìa” khỏi trụ.

Theo Phòng cảnh sát PCCC Công an TP.HCM: hiện TP có hơn 2.137 trụ nước cứu hỏa được đặt tại các trục đường chính, đầu các hẻm - nơi dễ tiếp nhận nước phục vụ chữa cháy. Trên các tuyến đường này, khoảng 500m có một trụ nước cứu hỏa (theo tiêu chuẩn cách 150m trang bị một trụ nước cứu hỏa). Năm 2005 sẽ lắp đặt thêm 1.192 trụ nước cứu hỏa mới.

Thiệt hại kép

Theo các chi nhánh, kẻ gian tháo nắp để bán với giá cao lắm khoảng 20.000 đồng (ba nắp) nhưng thiệt hại cho ngành cấp nước không nhỏ vì vừa phải tốn tiền khắc phục vừa tốn công sức. Theo giá thị trường mà Công ty Cấp nước mua là 182.000 đồng/nắp lớn, 91.000 đồng/nắp nhỏ, như vậy nếu một trụ bị mất cả ba nắp, công ty phải mất gần 400.000 đồng để mua lại nắp mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - trưởng Phòng cảnh sát PCCC Công an TP.HCM - cho biết: “Khi cháy nổ xảy ra, trụ nước cứu hỏa sẽ là nguồn cung cấp nước quan trọng. Nếu cả ba nắp của trụ cứu hỏa bị mất, khi chúng tôi mở van thì nước từ ba họng xả này sẽ cùng phun ra, trong khi chúng tôi chỉ cần lấy nước từ một họng xả chính. Điều này sẽ làm giảm áp lực nguồn nước cần lấy, vì vậy sẽ kéo dài thêm thời gian, trong khi mối hiểm họa từ lửa đang tính từng giây. Chưa kể tình trạng khi không có nắp lâu ngày, cát bụi, đất đá lọt vào, việc lấy nước sẽ bị hạn chế rất nhiều”.

Khó mà dễ

Theo ông Hùng, thời gian qua đã phát hiện hơn 400 nắp trụ cứu hỏa bị mất cắp. Để đối phó với tình trạng này, ông Hùng nói: trước mắt đã thống nhất với Sở GTCC sẽ trang bị thêm cho các xe chữa cháy các nắp trụ cứu hỏa, phòng khi xảy ra sự cố có nắp để thay thế. Theo ông Bạch Vũ Hải - phó giám đốc Công ty Cấp nước, việc mất nắp trụ cứu hỏa là thực trạng đáng lo ngại.

Về giải pháp, trước mắt cho lắp đặt mới toàn bộ những trụ bị mất nắp, tăng cường kiểm tra quản lý, thông báo cho địa phương để có biện pháp hỗ trợ.

Về lâu dài, ông Hải cho biết đang lập đề cương nghiên cứu cải tiến nắp trụ cứu hỏa làm sao kẻ gian khó tháo mở nhưng lại dễ và nhanh đối với lực lượng chữa cháy.

muDwKyCZ.jpgPhóng to
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Phóng cháy chữa cháy:

Doanh nghiệp thiếu nước, khu dân cư thiếu phương tiện

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng hiện nay chủ yếu vẫn là sử dụng nguồn nước tại chỗ để chữa cháy - cứu hộ, nhưng trong mùa hanh khô nguồn nước này cũng rất khan hiếm, nên công tác chữa cháy đang gặp nhiều khó khăn…

- Ở các công ty, xí nghiệp chúng tôi yêu cầu phải đầu tư xây bể chứa nước phục vụ kịp thời nếu cháy, nổ xảy ra. Bể chứa nước phải đảm bảo chữa cháy được từ 2-3 giờ. Thế nhưng qua kiểm tra, một số nơi có trang bị những phương tiện chữa cháy như máy bơm, báo cháy tự động... còn bể chứa nước thì nại lý do không có mặt bằng! “Có súng mà không… có đạn” thì có cũng như không, do đó chúng tôi đề nghị những doanh nghiệp này phải tìm mọi biện pháp xây bể chứa nước.

* Thưa ông, TP đã đầu tư kinh phí khá lớn cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy - cứu hộ, nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu?

- TP đã đầu tư kinh phí mua 16 xe có bồn nước, sáu xe thang chữa cháy cao 32m, 10 máy bơm nước với công suất 1.000-1.500 lít/phút và quần áo, mặt nạ, nệm hơi phục vụ công tác chữa cháy - cứu hộ. Tuy nhiên, việc đầu tư trang thiết bị này mới chỉ đạt khoảng 30% so với yêu cầu công tác PCCC.

Bên cạnh việc tăng thêm lực lượng PCCC ở Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Tân Phú và quận 2, chúng tôi cũng đề nghị đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị trị giá khoảng 200 tỉ đồng nữa mới hi vọng đáp ứng yêu cầu thực tế cứu cháy - cứu hộ - cứu nạn hiện nay.

* Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng cảnh sát PCCC còn hạn chế?

- Tháng 2-2005, chúng tôi đã kiểm tra an toàn PCCC tại 747 đơn vị (trong đó kiểm tra 10 cơ sở trọng điểm; bốn trạm sang chiết gas và bốn cơ sở hàn cắt kim loại), kết quả hầu hết đều có vi phạm về an toàn PCCC.

Chúng tôi đã có công văn kiến nghị yêu cầu khắc phục những thiếu sót như hệ thống điện, lối thoát nạn, bộ phận ngăn cháy, khoảng cách an toàn PCCC, nguồn nước chữa cháy... Tất nhiên là không thể kiểm tra hết được mà mỗi người cần phải ý thức tầm quan trọng của việc phòng chống cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hằng năm ở các khu dân cư vốn tập trung đông dân, nhà cửa làm bằng vật liệu dễ cháy, thiếu các trang thiết bị PCCC… đã dẫn đến các vụ cháy chiếm 70-80%. Nếu tính cả các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nằm trong khu vực này thì có nơi chiếm đến hơn 90%. Do đó, người dân phải cảnh giác để loại trừ khả năng cháy.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên