28/04/2017 16:50 GMT+7

​Phòng ngừa thoái hóa khớp

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm và giảm lượng dịch nhầy bôi trơn ở điểm nối giữa hai đầu xương, gây đau nhức và cứng khớp, hạn chế cử động khớp.

Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý xương khớp. Bệnh gây tổn thương toàn bộ khớp, chủ yếu là tổn thương ở sụn, liên quan chặt chẽ tới tuổi, tuổi càng cao thì khả năng bị thoái hóa khớp càng lớn.

Các biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp

- Thường đau âm ỉ tại chỗ, đối xứng, đau khi vận động, đau diễn tiến từng đợt tăng dần.

- Hạn chế vận động khớp, hạn chế một số động tác như co duỗi.

- Biến dạng khớp xảy ra từ từ, một số biểu hiện khác như có tiếng lạo xạo hay lục cục khớp gối khi vận động mà bệnh nhân có thể nghe được.

Tuy không làm chết người nhưng thoái hóa khớp chính là nguyên nhân chính gây đau, tàn phế cho những người bị bệnh, làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, lao động và giao tiếp trong đời sống xã hội, gây mất khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống, gây tổn hại đến kinh tế gia đình người bệnh và tạo gánh nặng cho chi phí y tế của cộng đồng.

Ngoài nguyên nhân do sự lão hóa, thì một trong những nguyên nhân gây thoái hóa khớp là biến dạng khớp sau chấn thương, viêm nhiễm, một số hoạt động thể thao hoặc nghề nghiệp, thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày gây tăng lực tì đè kéo dài lên sụn khớp. Ngoài ra, còn một nguyên nhân hiện nay khá phổ biến là béo phì. Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn là do yếu tố di truyền (gene) hay các dị dạng bẩm sinh về xương khớp.

Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp

- Chống các tư thế xấu trong lao động và sinh hoạt: các thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày và lao động sẽ gây tăng tải trọng trên khớp và gây chấn thương khớp. Tốt nhất là nên giữ cơ thể ở tư thế thẳng sinh lý, sẽ giảm lực đè ép trên mặt khớp.

- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng đồ vật…

- Giữ cân nặng ở mức độ hợp lý: béo phì gây nên những thay đổi về mặt tư thế, dáng đi và toàn bộ mọi hoạt động vận động của cơ thể, khi béo phì thì sức nặng sẽ đè ép lên các khớp càng nhiều nhất là khớp gối, vùng lưng, vùng háng và bàn chân.

- Kiểm tra định kỳ những người làm nghề lao động nặng (khuân vác, khoan đục…) là những người dễ bị thoái hóa khớp, để phát hiện và điều trị sớm.

- Ở trẻ em: chữa sớm bệnh còi xương, các dị dạng bẩm sinh như gù, vẹo cột sống, tật chân khoèo, dị dạng bàn chân… Những dị dạng bẩm sinh này làm thay đổi trục của khớp tạo nên những điểm tỳ đè bất thường trên mặt khớp.

- Vận động hợp lý: một số hoạt động thể dục nhẹ nhàng, hợp lý sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, giúp máu lưu thông dễ dàng, dinh dưỡng tốt cho sụn khớp. Tránh những hoạt động thể thao quá mức sẽ gây tổn thương lên khớp.

- Thay đổi tư thế thường xuyên: một trong những yếu tố gây thoái hóa là do bệnh nghề nghiệp phải đứng hoặc ngồi lâu sẽ gây ứ trệ tuần hoàn, gây cứng khớp. Vì vậy nên thay đổi tư thế trong sinh hoạt tránh đứng, ngồi hoặc nằm quá lâu.

-Tập luyện thể thao phù hợp với sức khỏe của từng người, giúp cơ bắp khỏe mạnh.

- Chế độ ăn uống: không uống rượu bia, không ăn các loại thực phẩm nhiều đạm như nội tạng động vật: gan, ruột, tim. Tránh tất cả các món ăn làm tăng mỡ trong máu như thịt mỡ, bơ, xúc xích. Tăng cường ăn các loại trái cây như đu đủ, dừa, chanh, bưởi nhằm bổ sung các men kháng viêm và sinh tố C.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên