28/04/2024 15:12 GMT+7

Quán cà phê để nói chuyện hay làm việc?

Nhiều người rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi hẹn bạn bè ra quán cà phê tâm sự nhưng không dám nói chuyện. Hay có trường hợp đến quán làm việc lại chẳng thể tập trung nổi vì xung quanh mạnh ai nấy nói.

Nhiều người đến quán cà phê không chỉ nói chuyện mà còn để làm việc  - Ảnh: AN VI

Nhiều người đến quán cà phê không chỉ nói chuyện mà còn để làm việc - Ảnh: AN VI

Bị biến thành "sinh vật lạ"

Hiện nay những mô hình co-working (quán cung cấp không gian làm việc riêng) không quá nhiều và chi phí cũng không hề rẻ nên nhiều freelancer hay sinh viên tìm chỗ làm việc, học bài đành vào các quán cà phê bất kỳ.

Dù không có quy định cụ thể nào nhưng nếu ai lỡ vào các quán này tâm sự lớn tiếng rất dễ nhận về những cái nhìn "hình viên đạn".

Tôi còn nhớ như in cảm giác mình và nhóm bạn như biến thành "sinh vật lạ" khi nói chuyện trong một quán cà phê ở quận 1 (TP.HCM). Dù đã được nhân viên xác nhận không có vấn đề gì, nhưng sau đó chúng tôi chỉ dám thỏ thẻ với nhau để tránh bị dòm ngó.

Đó là còn may, không ít lần tôi chứng kiến cảnh nhiều người bị nhắc nhở thẳng nên giữ im lặng để người khác làm việc. Có người sau khi bị nhắc ngượng ngùng xin lỗi. Song cũng không ít trường hợp "bật" lại vì họ cho rằng mình đến đây là để trò chuyện và quán cũng chẳng cấm việc này.

Đâu cần phải nói lớn, nhiều người bạn của tôi thừa nhận đôi khi vào quán cà phê mà không mang laptop, sách vở theo cũng bị kỳ thị. Khó hiểu thiệt! Hổng biết từ khi nào mà quán cà phê lại biến thành cái thư viện như vậy?

Quán cà phê không cấm nói chuyện nhưng nếu một người vào phá vỡ không gian yên tĩnh chung thì cũng không hay.

Thực tế có không ít trường hợp khách vào gọi điện, nói chuyện tâm sự cho cả quán nghe, để con nhỏ chạy khắp nơi, xem như vườn trẻ gây ảnh hưởng người khác. Thậm chí, có những người còn cụng ly hò hét chẳng khác nào quán nhậu.

Các quán cà phê thường chia thành 2 không gian sân vườn và máy lạnh. Nhiều khách chọn ra ngồi bên ngoài để tha hồ cười nói mà không ảnh hưởng tới ai. Hoặc nếu ngồi trong, họ sẽ chọn một góc xa nơi mọi người đang làm việc để nói chuyện. Vậy là chẳng có cuộc tranh cãi nào xảy ra.

Một quán cà phê trên đường Cao Thắng (quận 3, TP.HCM) có bảng quy định khách hàng không gây ồn ào - Ảnh: AN VI

Một quán cà phê trên đường Cao Thắng (quận 3, TP.HCM) có bảng quy định khách hàng không gây ồn ào - Ảnh: AN VI

Đúng nơi đúng chỗ

Sự thật không phải cứ ra quán cà phê là "auto" làm việc tốt. Như trường hợp của Thu Phượng, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhiều lần "khóc không thành tiếng" vì chọn phải quán quá ồn ào.

Những lúc như vậy cô chỉ tự trách mình vì chọn sai địa điểm chứ không hề tỏ thái độ khó chịu với mọi người xung quanh.

Theo Phượng, một khi chọn mang máy ra ngoài làm việc, bản thân đã xác định phải sinh hoạt trong một không gian chung. Vì vậy, cô thường tới những quán gần các trường đại học hay những nơi cho thuê không gian làm việc trả tiền theo giờ để tăng hiệu quả công việc.

Cô gái trẻ cho biết nhiều lúc rơi vào hoàn cảnh deadline quá gấp cũng đành vào đại một quán cà phê bất kỳ làm việc. 

"Chỉ cần đeo tai nghe và thật tập trung vào công việc thì ngoài kia người ta có chửi lộn cũng không ảnh hưởng tới mình", Phượng nói.

Hà Thu, sinh viên năm 2 Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, cũng thừa nhận việc chủ động chọn quán cà phê phù hợp mục đích của bản thân vừa có thể tập trung học bài, vừa có thêm động lực khi môi trường xung quanh đều là những bạn bè đồng trang lứa say sưa học tập.

Song theo cô, dù có đi những quán cà phê không quy định giữ trật tự cũng chỉ nên nói chuyện vừa đủ nghe, hạn chế làm ảnh hưởng những người xung quanh, bởi đó là phép lịch sự tối thiểu.

Chủ quán khó xử

Người khó xử nhất trong câu chuyện tranh cãi này không phải khách hàng mà chính là chủ quán.

Chị Trương Thị Tố Uyên, chủ một quán cà phê trên đường Hoàng Diệu 2 (TP Thủ Đức), cho biết vì doanh thu, những quán có quy mô nhỏ khó lòng đặt ra tệp khách hàng nhất định mà chỉ phục vụ chung mọi người. Quán mở ở khu vực trung tâm nên cũng không cho phép chị tách bạch thành nhiều không gian riêng.

Bởi thế, câu chuyện tranh cãi không hồi kết giữa khách hàng tới làm việc và khách hàng tới giao lưu, nói chuyện luôn khiến chị rơi vào tình cảnh khó xử.

Nhiều nhất vẫn là câu chuyện các bạn sinh viên đến học bài phàn nàn với nhân viên về một nhóm khách ồn ào trong quán. Mỗi lúc như vậy chị Uyên chỉ còn cách ra năn nỉ cả hai nhóm khách vì nếu nghiêng về ai chị cũng là người thiệt nhất.

"Nhưng không phải lúc nào người ta cũng dễ chịu, có lần khách nói chuyện khá ồn, tôi mời ra không gian sân vườn của quán để tiếp tục câu chuyện cho thoải mái thì bị phản ứng ngay. Họ cho rằng quán thiếu tôn trọng khách hàng và đi về thẳng.

Bản thân tôi hiểu những lúc như vậy mình đã mất đi lượng khách hàng tiềm năng", chị Uyên than thở.

Chiêu kinh doanh của quán cà phê máy lạnh giữa mùa hèChiêu kinh doanh của quán cà phê máy lạnh giữa mùa hè

Những ngày nắng nóng, chủ quán cà phê than trời vì "dân laptop" ngồi làm việc từ sáng đến chiều mà chỉ gọi duy nhất một món đồ uống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên