Quan hệ kinh tế Việt - Trung: Bài toán thâm hụt thương mại

NGUYỄN THÀNH TRUNG 03/07/2023 11:47 GMT+7

TTCT - Mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang trong giai đoạn đi vào chiều sâu, nhưng một khúc mắc về phía VN là thâm hụt thương mại với láng giềng lớn phía Bắc ngày một mở rộng.

Năm 1991, khi VN bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương chỉ vỏn vẹn 30 triệu USD.

Ảnh: China Briefing

Ảnh: China Briefing

Tăng 6.000 lần trong 30 năm

Theo số liệu năm 2022 từ Tổng cục Hải quan VN thì con số đó hiện là 175,6 tỉ USD, tức tăng gần 6.000 lần trong hơn ba thập niên. (Số liệu từ phía Trung Quốc cho biết tổng kim ngạch thương mại hai nước vào năm 2022 còn lớn hơn, 230 tỉ USD). 

VN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 10 nước ASEAN.

Tuy nhiên, vẫn còn những khúc mắc trong mối quan hệ thương mại này, khi VN nằm ở bậc thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo số liệu của Hải quan VN vào đầu năm nay, thâm hụt thương mại của VN với Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 60,2 tỉ USD vào năm 2022 từ mức 54 tỉ USD một năm trước. Mức thâm hụt thương mại này vào năm 2008 mới là 10 tỉ USD.

Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu và thiết bị lớn nhất cho lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động của VN: nhập khẩu của VN từ Trung Quốc năm ngoái tăng 6,6% lên 117,87 tỉ USD, dẫn đầu là các sản phẩm máy móc, thiết bị linh kiện, đồ điện tử, hàng dệt may và điện thoại thông minh. 

Điều này cho thấy sự tương thuộc VN - Trung Quốc đã tăng lên trong những năm qua, khi ngành sản xuất VN có dấu hiệu phụ thuộc nhiều hơn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, trong khi các quốc gia khác trong ASEAN nói chung đã giảm bớt mức độ phụ thuộc này.

Quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang VN cũng góp phần khiến thâm hụt thương mại tăng nhanh. Một số công ty đa quốc gia, bao gồm cả công ty Trung Quốc, do muốn giảm rủi ro địa chính trị, đã chuyển một phần hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc tới VN theo chính sách "Trung Quốc + 1". Trong quá trình chuyển đổi, các công ty này vẫn tiếp tục nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Chính các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã và đang bắt đầu mở rộng sản xuất tại VN. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong năm 2022, Trung Quốc đầu tư vào VN khoảng 2,52 tỉ USD với 283 dự án cấp mới, xếp thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN. 

Tính đến tháng 3-2023, tổng vốn đầu tư lũy kế của Trung Quốc vào VN đạt 23,85 tỉ USD với tổng 3.651 dự án, xếp thứ 6 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào VN, tăng 2 bậc so với các năm trước.

Giải pháp: Cải thiện năng lực sản xuất trong nước

Trong tương lai, việc nhập siêu có thể được giảm bớt nếu VN xây dựng được các lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, cụm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo nội địa, và bước lên nấc thang mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một hướng khác trong nỗ lực kéo giảm thâm hụt mậu dịch là nông sản. Nhiều hàng nông sản VN đang được đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc từ khi nước này bãi bỏ chính sách zero COVID. Nhưng các rào cản kỹ thuật phía Trung Quốc cũng đang kìm hãm xuất khẩu của VN. 

Như lời Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trung Quốc hiện không còn là "thị trường dễ tính" nữa. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu VN phải thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, và truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.

Các tuyến đường bộ cao tốc VN được hoàn thành những năm gần đây nối với biên giới Việt - Trung cũng giúp hoạt động xuất khẩu nông sản từ VN dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, vấn đề logistics, xây dựng kho bảo quản ở các địa phương biên giới cần được quan tâm nhiều hơn để có thể tạo chuyển biến về xuất khẩu số lượng lớn. Vấn đề logistics và kho bãi đã luôn là nút thắt cổ chai trong thúc đẩy xuất khẩu nông sản từ VN sang Trung Quốc. ■

Hiện Trung Quốc là một trong ba thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của VN. Chỉ riêng lĩnh vực thủy sản, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của VN, sau Mỹ. Tính đến hết tháng 4-2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 1/5 trong các thị trường xuất khẩu của VN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận