24/09/2022 13:49 GMT+7

Quốc hội giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông không làm thay cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cần xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng.

Quốc hội giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: PHẠM THẮNG

Sáng 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết số 88 và nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề giám sát này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện trong năm 2023, trên phạm vi cả nước. Thời gian giám sát từ tháng 11-2014 đến tháng 6-2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, phó trưởng đoàn giám sát, cho hay cuộc giám sát dự kiến tập trung vào 4 nội dung.

Bên cạnh đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sẽ đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Theo ông Vinh, đoàn giám sát dự kiến đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa, thể hiện trên các phương diện việc đáp ứng nội dung đổi mới của chương trình; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh…); biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó sẽ đánh giá các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình (đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học); nguồn kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa và hiệu quả sử dụng kinh phí…

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói đoàn giám sát sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, tối đa, trình xin ý kiến tại hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 vào ngày 27-9 tới đây, sau đó kịp thời triển khai theo kế hoạch.

Trong đó ông lưu ý đoàn giám sát không làm thay cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng…

Nhất là mới đây, ngày 16-9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận số 341 kiểm tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Vấn đề nữa được ông Mẫn lưu ý là làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.

"Qua cuộc giám sát, sản phẩm tổng thể cuối cùng là giải trình", ông Mẫn nói thêm.

Từ giám sát này, ông Mẫn nhấn mạnh cần đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

Đề xuất Bộ GD-ĐT định giá sách giáo khoa; chưa đưa dịch vụ sử dụng cao tốc vào nhà nước định giá Đề xuất Bộ GD-ĐT định giá sách giáo khoa; chưa đưa dịch vụ sử dụng cao tốc vào nhà nước định giá

TTO - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sách giáo khoa được đề xuất đưa vào nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật giá sửa đổi. Cũng theo dự luật, Bộ GD-ĐT sẽ được giao định giá cụ thể.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên