05/05/2018 09:59 GMT+7

Quy hoạch Thủ Thiêm căn cứ quyết định nào?

D.N.HÀ - ÁI NHÂN - TIẾN LONG
D.N.HÀ - ÁI NHÂN - TIẾN LONG

TTO - Bản đồ quy hoạch 1/5.000 được cho là ban hành theo quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vậy quyết định 367 và bản đồ này đóng vai trò gì đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay?

Quy hoạch Thủ Thiêm căn cứ quyết định nào? - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có thể nói đây là quyết định pháp lý đầu tiên của khu đô thị mới, được kỳ vọng là trung tâm tài chính, dịch vụ mới của TP.HCM, là động lực để TP.HCM phát triển.

Quyết định này (6565) thay thế quyết định 367 ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ nội dung quyết định này (6565), Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm có trách nhiệm phối hợp với sở ngành chức năng và UBND Q.2 tổ chức công bố công khai quy hoạch

Điều 2, quyết định 6565 ngày 27-12-2005 của UBND TP.HCM

Căn cứ ban đầu

Theo tờ trình của UBND TP.HCM ngày 27-5-1996 trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5.000, khu đô thị Thủ Thiêm là khu đô thị mới kế tục phát triển hài hòa với trung tâm TP cũ để trở thành một trung tâm hoàn chỉnh, là trung tâm giao dịch thương mại, tài chính, dịch vụ văn hóa du lịch, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế.

Theo đó, 7 phân khu chức năng của khu đô thị Thủ Thiêm gồm trung tâm giao dịch thương mại tài chính (ở trung tâm Thủ Thiêm), khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế (ở phía nam bán đảo), khu nhà ở cao cấp nhiều chủng loại (ở phía bắc); khu trung tâm văn hóa du lịch và giải trí (phía nam và dọc sông Sài Gòn); khu trung tâm văn hóa du lịch (phía đông nam và theo các trục lộ Đông - Tây, Bắc - Nam); khu trung tâm hành chính, quảng trường (đối diện Công trường Mê Linh, quận 1); khu tái định cư (phía đông).

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM - Video: NAM TRẦN

Căn cứ trên tờ trình này, Thủ tướng Chính phủ khi đó đã có quyết định 367 vào năm 1996.

Về nội dung, quyết định 367 quy hoạch Thủ Thiêm rộng 770ha khu đô thị mới và khu tái định cư 160ha có 7 phân khu chức năng với dân số khoảng 245.000 người.

Toàn Thủ Thiêm của quyết định 367 chỉ có một khu nhà ở cao cấp ở phía bắc bán đảo và khu tái định cư. Dọc đại lộ Đông - Tây là các cao ốc 30-100 tầng.

Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, từ năm 1996 đến nay, quy hoạch Thủ Thiêm đã qua nhiều lần thay đổi.

Một chuyên gia về quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch - kiến trúc nhận định quyết định 367 làm căn cứ để Kiến trúc sư trưởng TP.HCM xây dựng quy hoạch 1/2.000 năm 1998, ban hành quyết định 1997 năm 2002.

Quy hoạch Thủ Thiêm căn cứ quyết định nào? - Ảnh 4.

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM - Ảnh: NAM TRẦN

TP.HCM có 3 quyết định "thay thế" 367

Vào ngày 27-12-2005, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định 6565 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm 1/5.000.

Trong điều 2 của quyết định 6565 có ghi "quyết định này thay thế quyết định 367 ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ" và "căn cứ nội dung quyết định này (6565), Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm có trách nhiệm phối hợp với sở ngành chức năng và UBND Q.2 tổ chức công bố công khai quy hoạch".

Gần hai năm sau, vào ngày 2-11-2007, UBND TP.HCM có quyết định 5945 điều chỉnh hủy bỏ đoạn "quyết định này thay thế quyết định 367 ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ" của điều 2, quyết định số 6565 ngày 27-12-2005 của UBND TP.HCM.

Và chỉ 5 ngày sau đó, ngày 7-11-2007, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành quyết định 5016 điều chỉnh hủy bỏ đoạn "căn cứ quyết định số 367 ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm và quyết định số 6565 ngày 27-12-2005 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt quy hoạch chung khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm" của quyết định 6565 ngày 27-12-2005.

Và gần như từ năm 2005 trở về sau, ít có văn bản nào căn cứ trên quyết định 367 của Thủ tướng nữa.

Quy hoạch Thủ Thiêm căn cứ quyết định nào? - Ảnh 5.

Nhiều công trình được xây dựng 2 bên bờ sông Sài Gòn thuộc Q.2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quyết định phê duyệt quy hoạch của TP.HCM này "trình làng" một Thủ Thiêm "mới toanh".

Theo quy hoạch mới, Thủ Thiêm có một khu lõi trung tâm chính, 4 khu dân cư (khu dân cư lõi trung tâm, khu dân cư phía bắc, khu dân cư phía đông, khu dân cư mật độ thấp trong khu đa chức năng dọc đại lộ Đông - Tây) chứa 130.000 người, khu hành chính công sở dọc đại lộ Đông - Tây với hệ số sử dụng đất cao nhất là 4,5.

Diện tích đất ở theo quy hoạch mới cũng tăng lên 120ha, gấp 2 lần diện tích đất dân cư theo quyết định 367 vào năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Và từ sau năm 2005 trở đi, tất cả văn bản liên quan đến Thủ Thiêm đều được căn cứ trên quy hoạch 1/5.000 do UBND TP.HCM phê duyệt năm 2005.

Quy hoạch 1/2.000 điều chỉnh năm 2012 của khu đô thị mới Thủ Thiêm do một công ty Nhật Bản tư vấn đã phân chia Thủ Thiêm trở lại thành 8 khu chức năng nhưng vẫn căn cứ trên quy hoạch năm 2005 của UBND TP.HCM chứ không phải là quyết định của Thủ tướng.

Cũng theo vị chuyên gia Sở Quy hoạch - kiến trúc, đến thời điểm sau năm 2005, khu đô thị Thủ Thiêm có các loại quy hoạch: quy hoạch tổng mặt bằng của TP.HCM (năm 1998 do Thủ tướng phê duyệt), quy hoạch 1/5.000 (tức quy hoạch chung) do UBND TP.HCM phê duyệt, quy hoạch chi tiết 1/2.000, quy hoạch chi tiết 1/500, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc...

Quy hoạch Thủ Thiêm căn cứ quyết định nào? - Ảnh 6.

Người dân khiếu nại muốn dựa trên quyết định 367

Hiện nay, toàn bộ diện tích đất thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được giải phóng mặt bằng hơn 99% diện tích. Hiện còn một số hộ dân khiếu nại đến UBND TP vì họ cho rằng nhà đất của họ không thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cơ sở để người dân khiếu nại, theo người dân, phải dựa trên bản đồ quy hoạch 1/5.000 kèm quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng.

Theo người dân, bản đồ này thể hiện phần nhà đất của họ không thuộc dự án, Nhà nước muốn thu hồi phải lập một dự án mới với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng khác chứ không phải chung phương án với Thủ Thiêm.

Tại rất nhiều buổi tiếp xúc với chính quyền để giải quyết khiếu nại, người dân yêu cầu các cơ quan chức năng phải trưng bản đồ gốc kèm theo quyết định 367 để đối chiếu với ranh quy hoạch ban đầu của dự án. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho biết không tìm ra bản đồ theo quyết định trên của Thủ tướng.

Người dân khiếu nại cũng không chấp nhận giải quyết theo bản đồ quy hoạch 1/5.000 và 1/2.000 do UBND TP phê duyệt năm 2005 vì cho rằng UBND TP.HCM đã tự ý điều chỉnh ranh giới Thủ Thiêm lớn hơn so với quyết định ban đầu của Thủ tướng.

Quy hoạch Thủ Thiêm căn cứ quyết định nào? - Ảnh 7.

Các hạng mục công trình thuộc khu đô thị SaLa nằm trong vùng lõi của Thủ Thiêm đang được xây dựng - Ảnh: NAM TRẦN

Căn cứ giải quyết khiếu nại?

Trong khi đó, theo lý giải của kiến trúc sư Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (nay là Sở Quy hoạch - kiến trúc), bản đồ 1/5.000 là bản đồ quy hoạch chung, chỉ là bản vẽ ý tưởng, có tính định hướng sử dụng đất, phát triển hạ tầng của khu vực chứ không thể phân định rõ ranh giới của dự án.

Vì vậy, không thể nói dựa vào bản đồ theo quyết định 367 mà biết ranh giới của khu đô thị Thủ Thiêm. Chỉ có bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 mới phân định ranh giới dự án, cắm mốc trên đất để xác định các phân khu chức năng, khu cây xanh, khu dành cho công trình.

Một chuyên gia quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch - kiến trúc cũng cho rằng theo Luật quy hoạch đô thị năm 2009, đến thời điểm này quyết định 367 của Thủ tướng không còn hiệu lực để giao đất và xây dựng tại Thủ Thiêm.

Theo đó, thời hạn hiệu lực của quy hoạch đô thị là khoảng thời gian được tính từ khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc hủy bỏ.

Theo chuyên gia này, quyết định 367 đã hết hiệu lực kể từ khi UBND TP phê duyệt quy hoạch 1/5.000 mới (2005) của Thủ Thiêm.

Thế nhưng riêng phần việc giải quyết khiếu nại của người dân sẽ dựa vào đâu? Trả lời vấn đề này, luật sư Huỳnh Văn Nông cho biết quyết định thu hồi đất của UBND TP ban hành năm 2002 căn cứ trên quyết định 367 của Thủ tướng.

Vì vậy, vẫn có thể áp dụng quyết định 367 để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất.

Quy hoạch Thủ Thiêm căn cứ quyết định nào? - Ảnh 8.

Đại lộ Mai Chí Thọ thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây với 12 làn xe đưa vào sử dụng năm 2011, là tuyến đường xương sống chia đôi khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quy hoạch Thủ Thiêm căn cứ quyết định nào? - Ảnh 9.

Cùng với đó là bốn tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm gồm: đại lộ vòng cung (6 làn xe), đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), ven sông Sài Gòn (2 làn xe) đã hoàn thiện - Ảnh: NAM TRẦN

Quy hoạch Thủ Thiêm theo quyết định 367 căn cứ quy định nào?

Quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt dự án Thủ Thiêm năm 1996 căn cứ vào nghị định 91 năm 1994 Ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị.

Các văn bản hướng dẫn liên quan được áp dụng thời điểm đó gồm: thông tư 25 năm 1995 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xét duyệt đồ án quy hoạch xây dựng đô thị; quyết định 322 năm 1993 của Bộ Xây dựng ban hành quy định việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị (tất cả các văn bản trên đều đã hết hiệu lực năm 2005).

Theo đó, một bộ hồ sơ duyệt quy hoạch gồm các bản vẽ, 3 thuyết minh tổng hợp kèm theo Dự thảo điều lệ quản lý.

Các bản vẽ gồm Sơ đồ liên hệ vùng; Bản đồ hiện trạng và đánh giá tổng hợp đất xây dựng; Sơ đồ định hướng phát triển không gian; Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai 5-10 năm...

Các bản đồ gốc phải bảo đảm chính xác, rõ ràng và không được quá thời hạn 5 năm kể từ khi ban hành...

"Bản đồ 2005 kế thừa bản đồ 1996"

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm năm 2005 hiện hoàn toàn có hiệu lực pháp lý, bản đồ này có tính kế thừa bản đồ cũ từ năm 1996.

Trả lời về việc Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc bộ hiện có còn lưu trữ quyết định của Thủ tướng năm 1996 hay không, ông Hùng nói do thời gian đã lâu, hồi đó ông chưa làm lãnh đạo bộ nên không nắm rõ được. Để có thể xác định rõ được việc lưu trữ cần phải có thời gian kiểm tra, rà soát.

LÂM HOÀI

1


Ông Võ Văn Hoan (chánh văn phòng UBND TP.HCM)


"Quyết định 367 kèm theo bản đồ đó là cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được.

Tiếc là từ khi phê duyệt đến nay đã 20 năm rồi, các cơ quan chức năng chưa tìm thấy bản đồ gốc".






2


Ông Nguyễn Hồng Điệp (trưởng Ban Tiếp công dân trung ương, Thanh tra Chính phủ)


"Khẳng định luôn là đến nay, qua kiểm tra thì hoàn toàn không có bản đồ kèm theo quyết định duyệt quy hoạch của Thủ tướng.

Bây giờ phải nói với dân là không có. Nói với dân mãi là thất lạc bản đồ quy hoạch là không đúng".


3


Ông Lê Văn Năm (nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM)

"Theo nguyên tắc, khi TP trình dự thảo thì phải trình luôn bản đồ để các bộ, ngành có thể đóng góp ý kiến, đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ chuyển về cho UBND TP thì tôi không nhớ (do tuổi đã cao) là có chuyển bản đồ hay không".


Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc là bản đồ nào? Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc là bản đồ nào?

TTO - Các văn bản trình UBND TP.HCM lập quy hoạch 1/2.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm đều căn cứ quy hoạch 1/5.000 đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng quy hoạch 1/5.000 này hiện không tìm thấy.

D.N.HÀ - ÁI NHÂN - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên