29/01/2019 09:21 GMT+7

Quy tắc trên mâm cơm Việt: Bị bà nội chồng ghét vì... rung chân

Độc giả THU TRANG
Độc giả THU TRANG

TTO - Tôi khi ấy chỉ là cô bé sinh viên năm 2, nhút nhát và cũng không khéo léo trong chuyện ăn nói, cư xử. Bà ngồi đối diện lại chăm chăm nhìn từng cử chỉ, khiến tôi run quá, cứ nhịp chân liên tục.

Gần đây, tôi sang nhà cô bạn thân chơi, đang ngồi ăn cơm với 2 vợ chồng bạn thì thấy anh chồng của bạn cứ rung chân, nhịp chân trông thoải mái lắm. Tôi nghĩ là ảnh đang vui trong lòng nên lí lắc, yêu đời, cũng không thấy khó chịu gì, phần mình là khách nữa.

Nào ngờ, vừa xong bữa ăn, nhỏ bạn đã quay qua lườm nguýt, nặng nhẹ với chồng: "Ông bỏ cái tật đó đi nha, có biết cái tướng đó là nghèo suốt đời không hả?".

Ở nhà tôi hay bị mẹ mắng vì cái tội ăn cơm không bưng bát lên, hoặc cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Nay mới biết có thêm một quy tắc nữa đó là ngồi ăn dù trên chiếu hay trên ghế đều không được rung chân, rung đùi.

Bạn bảo ngày xưa cũng có thói quen đó, bố mẹ la rầy miết nên biết. Dân gian có câu: "Nam mà rung chân thì cùng cực, nữ mà rung chân thì hèn hạ".

Rung chân không chỉ là thói quen mất lịch sự mà với phụ nữ còn kém duyên. Thói quen này thường tạo sự phản cảm và gây khó chịu với hầu hết những người đối diện, đặc biệt là người lớn tuổi.

Nghe bạn nói tôi mới sực nhớ câu chuyện của mình hai năm trước, khi lần đầu về ra mắt gia đình bạn trai. Lúc đó, cả bố mẹ và em gái của anh rất thích tôi, chỉ riêng bà nội thì tỏ thái độ không thích ra mặt.

Trong bữa ăn cuối cùng để trở lại Sài Gòn, bố mẹ anh mời bà nội sang ăn chung, đặng xem mặt cháu dâu tương lai. Tôi khi ấy chỉ là cô bé sinh viên năm 2, nhút nhát và cũng không khéo léo trong chuyện ăn nói, cư xử. Bà ngồi đối diện lại chăm chăm nhìn từng cử chỉ, khiến tôi run quá, cứ nhịp chân liên tục.

Sau bữa ăn hôm đó, bà nội chỉ nói đúng một câu: "Con gái mà ngồi rung chân là vô duyên". Từ sau câu nói đó thì bà rất ít khi nhìn mặt tôi. Thậm chí lúc lên xe khách để về lại Sài Gòn, tôi chào bà nhưng bà vẫn không đáp lại.

Suốt dọc đường tôi cứ suy nghĩ mãi về cử chỉ của mình hôm đó rồi tự trấn an bản thân: "Chắc tại bà không thích mình thôi!".

Đến bây giờ khi lấy anh làm chồng, gần gũi nội nhiều hơn, tôi mới biết lý do hồi đó nội không thích mình là đúng. Mỗi cử chỉ hành vi đều là nét riêng của mỗi người, trong đó, ngồi có dáng ngồi, đứng có dáng đứng, ăn có cách ăn…

Nhưng tướng do tâm sinh, nghĩa là nhìn tướng biết người. Nhìn bề ngoài của một người sẽ biết rõ người ấy như thế nào. Vậy nên, đàn bà hay đàn ông cũng phải có những chuẩn mực nhất định trong bữa ăn. Đừng buông thả bản thân trong mọi tình huống rồi hình thành những thói quen xấu cho bản thân, cho thế hệ tương lai.

Bạn nghĩ sao về những quy tắc trên mâm cơm Việt? Mời bạn chia sẻ ý kiến trong phần Bình luận cuối bài viết, hoặc gửi bài về email tto@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Quy tắc trên mâm cơm Việt: học cầm đũa cũng rất cần thiết Quy tắc trên mâm cơm Việt: học cầm đũa cũng rất cần thiết

TTO - Đừng vội đánh đồng tất cả quy tắc trên bữa ăn trong gia đình là khắt khe, không hợp thời. Có những quy tắc rất văn minh và lịch sự, rèn luyện cho chúng ta tính cách điềm đạm, kính trên nhường dưới.

Độc giả THU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên