05/12/2011 07:40 GMT+7

Rắc rối chuyện chung cư

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Chỉ vì một khúc mắc nhỏ liên quan tới phí dịch vụ chưa gỡ được mà cả trăm cư dân sống tại chung cư Keangnam đã bị ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước theo kiểu dằn mặt. Đáng chú ý, sự việc xảy ra ngay giữa thủ đô, tại một chung cư được quảng cáo là có môi trường sống thân thiện, tiện nghi, chất lượng xây dựng tuyệt hảo, thiết kế đẹp và chuẩn mực...

Nhưng chuyện của Keangnam không mới và cũng không phải cá biệt. Nhiều cuộc chiến như thế đã xảy ra kể từ khi các khu chung cư cao cấp ở Hà Nội và TP.HCM đi vào hoạt động đều xoay quanh việc ban quản lý tự áp đặt một mức giá mà các hộ dân cho là trên trời, không đếm xỉa đến các quy định của pháp luật.

Tại Hà Nội, suốt từ năm 2006, cư dân tại các chung cư cao cấp nhiều lần phải cầu cứu công luận khi bị áp giá dịch vụ với mức “cắt cổ”. Không ít lần các hộ dân đã tính đến chuyện kiện ban quản lý ra tòa nếu sự việc không được giải quyết thỏa đáng. Nhiều vụ việc chỉ được giải quyết khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Bức xúc đến nỗi các hộ dân sống tại năm chung cư cao cấp tại Hà Nội phải tự thành lập liên minh chung cư để tự bảo vệ mình, đồng thời kiến nghị UBND TP Hà Nội sớm ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý chung cư.

Thật trùng hợp khi những vụ việc lùm xùm như ở Keangnam vừa qua lại xảy ra đúng vào thời điểm có hàng loạt văn bản liên quan đến nhà ở nói chung, chung cư nói riêng được ban hành. Ngày 25-11, Bộ Xây dựng ban hành thông tư quy định về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

Mục đích của đào tạo là cung cấp kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên môn... và cấp giấy chứng nhận cho người tham gia quản lý chung cư. Ngày 30-11, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu rõ đến năm 2015 tỉ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà đô thị tại Hà Nội, TP.HCM đạt trên 80%, đến năm 2020 đạt 90%.

Rõ ràng sự phát triển ngày càng nhiều loại hình nhà chung cư đòi hỏi cần phải có một mô hình quản lý phù hợp hơn, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp hơn để đảm bảo quyền lợi, lợi ích của cả chủ đầu tư lẫn người dân sống trong các chung cư.

Trên thực tế, Luật nhà ở quy định nhà chung cư phải có ban quản trị gồm đại diện chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đó để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của chủ sở hữu, người sử dụng chung cư. Tuy nhiên, hình thức chủ yếu tại các chung cư hiện nay chỉ là một ban quản lý được chính chủ đầu tư lập ra để quản lý, vận hành.

Và không có gì khó hiểu khi có những mâu thuẫn liên quan tới phí dịch vụ, ban quản lý này sẽ đứng về phía chủ đầu tư và sẵn sàng hành xử bằng những biện pháp thô bạo nhất.

Một mô hình quản lý phù hợp, công khai, minh bạch các khoản thu chi... chắc chắn sẽ giảm bớt mâu thuẫn và góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc tại các khu chung cư, bớt đi sự can thiệp không cần thiết của chính quyền.

Đặc biệt, với những hành xử không phù hợp gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến văn minh đô thị, đời sống người dân... thì dù với bất kỳ lý do gì cũng cần có chế tài mạnh để không trở thành tiền lệ xấu.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên