30/10/2017 13:32 GMT+7

Sân bay Long Thành và bài toán an dân

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Bài toán an dân không thể giải đáp chỉ bằng việc chi tiền 23.000 tỉ đồng để bồi thường, tái định cư cho 16.000 người dân, mà ở đó còn phải có chỗ ổn định cho tương lai, cho lẽ công bằng mà người dân chờ đợi.

Sân bay Long Thành và bài toán an dân - Ảnh 1.

Sẽ cần 23.000 tỉ đồng để bồi thường, tái định cư cho 16.000 người dân nhường đất cho sân bay Long Thành. Đây là thách thức không nhỏ khi số tiền thực hiện dự án lớn, thu hồi hơn 5.500ha đất.

Nhưng đó không phải là bài toán khó nhất, bởi như đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính - trưởng Ban Tổ chức trung ương - hiến kế: Chỉ cần tiết kiệm chi 1% một năm trong hai năm là đủ tiền thực hiện dự án.

Cần  23.000 tỉ đồng di dời 16.000 dân xây sân bay Long Thành Cần 23.000 tỉ đồng di dời 16.000 dân xây sân bay Long Thành

TTO - Theo đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính - trưởng Ban Tổ chức trung ương việc này không phải là bài toán quá khó bởi nếu cả nước tiết kiệm chi 1% thì mỗi năm sẽ được 10.000 tỉ đồng.

Bài toán khó hơn, theo nhiều đại biểu, chính là tổ chức lại cuộc sống của người dân đã nhường đất cho sân bay Long Thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo có người dân nào ra đi vì sân bay Long Thành sẽ không đủ tiền mua chỗ ở mới, khi đó sẽ có chính sách gì để hỗ trợ cho họ?

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm cảnh báo việc người có tiền, thậm chí là cán bộ ở nhiều nơi đã đổ về Long Thành mua rất nhiều đất. Còn dân Long Thành thì không ít người đã ra đi tứ xứ tìm kế mưu sinh. Chính sách tái định cư cho người dân Long Thành coi chừng sẽ chảy vào túi người đầu cơ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: "1.050ha đất quốc phòng ở sân bay Long Thành sẽ dùng để làm gì?" và đề nghị giải trình. 

Theo ông, không chỉ là chuyện bồi thường bao nhiêu mà mỗi người dân ra đi vì sân bay Long Thành còn mang theo cả niềm tự hào vì đã góp sức cho công trình, họ mong ngóng, theo dõi Nhà nước sẽ làm gì trên phần đất từng là của họ. Nếu làm không đúng mục đích, người dân sẽ không an lòng.

Các ý kiến trên đã cho thấy không chỉ là việc tìm vốn, xây những công trình hoành tráng mà việc ổn định được cuộc sống, tạo được tương lai, lẽ công bằng mới là điều người dân, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mong đợi nhất!

Một câu chuyện bên lề nhưng rất liên quan: Trước khi thảo luận về sân bay Long Thành, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM - cho biết cử tri quận Tân Bình mấy ngày qua liên tục điện thoại cho ông bức xúc việc "chưa xử lý rõ nét sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất".

Thậm chí, nhiều cử tri muốn xin địa chỉ nơi ở của Đoàn ĐBQH TP.HCM tại Hà Nội để ra gặp trình bày, mong đại biểu bàn chuyện Long Thành đừng quên chuyện Tân Sơn Nhất.

Cho dù dự án sân bay Long Thành vẫn còn đủ thời gian để giải tỏa được nỗi lo lắng mà các ĐBQH đặt ra thì phản ứng từ cử tri về sân bay Tân Sơn Nhất vẫn là lời nhắc nhở không thừa vào lúc này.

Bài toán an dân không thể giải đáp chỉ bằng việc chi tiền, bằng những công trình hoành tráng sẽ mọc lên mà ở đó còn phải có chỗ ổn định cho tương lai, cho lẽ công bằng mà người dân chờ đợi.

Sân bay tắc nghẽn sao còn cắt đất làm sân golf? Sân bay tắc nghẽn sao còn cắt đất làm sân golf?

TTO - “Cử tri chúng tôi cho rằng việc nêu lý do xây sân golf chỉ là bình phong, còn bên trong là nhà hàng, khách sạn, biệt thự…”. Đó là ý kiến của đa số cử tri quận Tân Bình gửi đến đại biểu HĐND TP.HCM ngày 17-8.


VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên