17/03/2019 09:39 GMT+7

Sản phẩm pha chế gọi tên gì cũng được, nhưng đừng gắn với 'nước mắm'!

Đ.TRONG - K.NAM - T.THỊNH
Đ.TRONG - K.NAM - T.THỊNH

TTO - Không chỉ khẳng định sẵn sàng thúc đẩy việc xây dựng riêng bộ tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống, nhiều hiệp hội nước mắm và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm cũng cho rằng cần xem xét một số tiêu chí không phù hợp với thực tế.

Sản phẩm pha chế gọi tên gì cũng được, nhưng đừng gắn với nước mắm! - Ảnh 1.

Nguyên liệu cá biển, muối được ủ ngoài nắng một thời gian trước khi thành nước mắm - Ảnh: T.T.D.

Một số doanh nghiệp khẳng định rằng đã tồn tại và phát triển được nhờ cung cấp nguyên liệu cho những tập đoàn sản xuất nước chấm công nghiệp, nhưng cần phải đặt đúng tên cho các sản phẩm này thay vì sử dụng tên gọi nước mắm, như cách gọi "nước mắm công nghiệp" lâu nay là chưa chính xác, dễ gây nhầm lẫn.

Ông TRƯƠNG QUANG HIẾN - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, Bình Thuận:

Có tiêu chuẩn riêng để bảo vệ người tiêu dùng

Không phải muốn hay không muốn, mà là bắt buộc phải có một bộ tiêu chuẩn riêng cho nước mắm truyền thống. Không phải qua việc lùm xùm ban hành dự thảo tiêu chuẩn thực hành nước mắm vừa rồi, mà từ lâu các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất nước mắm đã có kiến nghị, đề xuất cần có bộ tiêu chuẩn riêng cho nước mắm truyền thống.

Từ bộ tiêu chuẩn riêng, những người làm nước mắm truyền thống sẽ buộc phải tuân thủ để đưa các thông tin, chỉ số rõ ràng cho người tiêu dùng nhận biết. Mục đích việc làm này là ưu tiên hàng đầu cho an toàn thực phẩm. Quyền lựa chọn sản phẩm thuộc về người tiêu dùng.

Bà NGUYỄN THỊ TỊNH - Nguyên chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, chủ nhà thùng Thanh Quốc:

Doanh nghiệp nước mắm phải đoàn kết

Việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng cho nước mắm truyền thống là điều chắc chắn phải làm và chúng tôi cũng đã kiến nghị với các bộ, ngành trung ương rồi. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết các doanh nghiệp làm nước mắm phải đoàn kết lại. Ngoài ra, phải có cơ quan nhà nước mà cụ thể là UBND huyện, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang đứng ra làm đầu mối cho việc xây dựng tiêu chuẩn riêng cho nước mắm truyền thống.

Cách nay hơn 10 năm, Hội Nước mắm Phú Quốc cùng với các cơ quan chức năng địa phương và Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) đã hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Kết quả, nước mắm Phú Quốc trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận này, với các tiêu chuẩn kỹ thuật hết sức khắt khe. Khi trình hồ sơ xây dựng tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống cũng nên tham chiếu lại hồ sơ chỉ dẫn địa lý đã được EU cấp chứng nhận.

Ngoài ra, như chúng tôi đã từng kiến nghị, nên có tên gọi riêng cho các sản phẩm pha chế, gọi bất cứ tên gì cũng được, nhưng đừng gắn hai chữ "nước mắm" vào đó để tránh hiểu nhầm.

Ông ĐỖ HỮU VIỆT - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Khánh Hòa:

Nên có nghiên cứu bài bản về hàm lượng histamine

Nếu xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng cho nước mắm truyền thống, theo tôi, trước hết Bộ NN&PTNT nên có một đề tài nghiên cứu cấp quốc tế về hàm lượng histamine trong nước mắm Việt Nam để các nhà khoa học, chuyên gia thẩm định, đánh giá. Bởi từ bao đời nay, người Việt Nam đã và đang dùng nước mắm, chưa ghi nhận trường hợp nào sử dụng nước mắm mà bị ngộ độc hay phản ứng gì với histamine.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần có ý kiến về việc nâng hàm lượng histamine trong nước mắm tại Việt Nam lên 800-1.000ppm, thay vì 400ppm như Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định hiện nay, để nước mắm truyền thống rộng đường xuất khẩu. 

Trong thực tế, nước mắm Phú Quốc có hàm lượng histamine thấp nhất, nhưng cũng không thấp hơn 400ppm. Các loại nước mắm truyền thống ở Nha Trang, Phan Thiết, Cát Hải đều ở mức 800-1.000ppm. Do đó không một cơ sở nước mắm truyền thống nào trên cả nước đáp ứng được tiêu chuẩn này. Nếu giảm hàm lượng histamine theo chuẩn quốc tế, phải pha loãng ra và lúc đó sẽ không còn là nước mắm nữa.

Ông NGUYỄN HOÀI SƠN - Chủ cơ sở nước mắm Châu Sơn Nha Trang, Khánh Hòa:

Phân biệt chứ không tiêu diệt!

Việc phân biệt rõ giữa nước mắm truyền thống với các sản phẩm được pha chế từ nước mắm để quản lý cho phù hợp là cần thiết. Chúng ta đang hội nhập quốc tế, phải xây dựng bộ quy chuẩn rõ ràng cho nước mắm truyền thống và các sản phẩm pha chế từ nước mắm là cần thiết.

Và khi có quy chuẩn cho nước mắm truyền thống, thương hiệu của các cơ sở sản xuất nước mắm vẫn giữ được, không phải mất đi như khi bán nước mắm cho các cơ sở nước chấm công nghiệp.

Để hoàn thiện bộ quy chuẩn cho nước mắm truyền thống, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tôi đề nghị nên giữ nguyên quy định từ trước đến nay. Đó là với các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, thanh tra Bộ NN&PTNT thường xuyên kiểm tra, khi đạt các tiêu chuẩn mới cấp giấy phép ba năm một lần. Sau khi cơ sở làm được nước mắm, sở y tế hậu kiểm, mỗi năm ít nhất một lần trước khi đưa ra thị trường.

Còn vấn đề điều chỉnh hàm lượng histamine, chúng ta đang tự làm khó mình bởi nhiều nước châu Âu không quan tâm đến hàm lượng histamine. Như tôi được biết, miếng pho mát ở nước ngoài có nồng độ histamine lên đến 1.200-2.000ppm nhưng vẫn xuất khẩu bình thường, nên việc áp tiêu chuẩn hàm lượng histamine cho nước mắm cần loại bỏ.

Quan điểm của tôi là không phản bác các loại nước chấm công nghiệp. Bởi mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 15 triệu lít nước mắm, trở thành 1 trong 5 vùng sản xuất nước mắm lớn nhất nước, cũng nhờ có những tập đoàn nước chấm công nghiệp.

Nếu nước chấm công nghiệp bị tiêu diệt, nước mắm truyền thống cũng khó tồn tại được. Chẳng hạn, mỗi năm chúng tôi đưa ra thị trường 600.000 lít nước mắm, trong đó chỉ 1/10 là nước cốt (thành phần gồm muối và cá) đóng chai, dán mác thương hiệu tung ra thị trường, còn lại bán cho các cơ sở nước chấm công nghiệp để pha loãng. Do đó, nếu không có nước chấm công nghiệp, nước mắm truyền thống cũng gặp vô vàn khó khăn.

THÁI THỊNH ghi

Đ.TRONG - K.NAM - T.THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên