30/10/2019 13:01 GMT+7

Sau cơn 'khủng hoảng' rác, Quảng Nam bàn chuyện phân loại rác tại nguồn

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - "Lượng rác thải hữu cơ mỗi ngày rất lớn nhưng chưa làm tốt phân loại tại nguồn, cứ dồn đống cho công ty môi trường trong khi chúng ta có thể tự xử lý hoặc chế biến thành các chế phẩm sinh học".

Sau cơn khủng hoảng rác, Quảng Nam bàn chuyện phân loại rác tại nguồn - Ảnh 1.

Nhiều bãi rác ở tỉnh Quảng Nam ùn ứ, trong đó rác hữu cơ chiếm một phần lớn- Ảnh: LÊ TRUNG

Đó là ý kiến của ông Lê Trí Thanh - phó chủ tịch UBND Quảng Nam - tại hội nghị trực tuyến về công tác phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn và triển khai chủ trương của Tỉnh ủy về thực hiện phong trào "chống rác thải nhựa" ngày 30-10.

Hội nghị diễn ra khi tỉnh này chìm trong tình trạng khủng hoảng rác thải hơn ba tháng qua do khu chứa, xử lý rác Tam Xuân 2 (xử lý khoảng 60% lượng rác ở tỉnh) bị người dân chặn xe khiến rác ùn ứ khắp nơi.

Lượng rác hữu cơ mỗi ngày rất lớn

Có thể biến rác thành tiền

Bà Trương Thị Lộc - chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam - cho hay thời gian qua hội phụ nữ có nhiều mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa, nhất là biến rác thải thành tiền. Qua đó chị em phụ nữ thu gom chai nhựa để bán, giúp đỡ những phụ nữ nghèo, nhất là thị xã Điện Bàn hằng năm có thể thu lại hơn 300 triệu đồng từ việc này.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Nam - cho biết việc phân loại rác thải tại nguồn là công việc rất khó, đòi hỏi dân phải thay đổi thói quen bỏ rác và xử lý rác thải tại chỗ. Đồng thời phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kinh phí thực hiện rất lớn.

Thời gian qua, một số địa phương đã triển khai thí điểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn nhưng chỉ có TP Hội An duy trì được hiệu quả. Từ năm 2014, Sở đã xây dựng sổ tay hướng dẫn phân loại, thu gom, xử lý rác thải vùng nông thôn và tham mưu tỉnh ban hành quyết định, phân loại rác thải thành 2 loại chính (rác hữu cơ dễ phân hủy và rác khó phân hủy), hướng dẫn cụ thể cách nhận biết, xử lý đối với từng loại. 

Sau cơn khủng hoảng rác, Quảng Nam bàn chuyện phân loại rác tại nguồn - Ảnh 3.

Tại Hội An, lượng rác mỗi ngày có khoảng 60% là rác hữu cơ- Ảnh: LÊ TRUNG

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - phó chủ tịch UBND TP Hội An, thành phố du lịch này lượng rác thải ra mỗi ngày rất lớn, khoảng 100 tấn. Trong những năm qua, địa phương đã tăng cường phân loại rác thải tại nguồn, có thời điểm xử lý được lượng rác hữu cơ khoảng 70-80%.

"Hiện nay mỗi ngày có 60% là rác hữu cơ. Rác này người dân có thể tự chôn lấp ở vườn nhà, sản xuất phân bón. Nếu làm tốt việc phân loại rác sẽ giải quyết lượng rác hữu cơ, giải quyết được bài toán khủng hoảng rác hiện nay"- ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng - phó tổng giám đốc Công ty CP môi trường đô thị Quảng Nam -mỗi ngày công ty thu gom, xử lý 1.000m3 rác thải, phần lớn là rác thải hữu cơ. 

Xây dựng đề án phân loại rác thải

Theo ông Lê Trí Thanh, ngay từng hộ dân phải có trách nhiệm về việc phát thải, có ý thức chủ động phân loại rác tại nguồn. "Trong tổng lượng rác thải thì có đến hơn 50-60% là rác hữu cơ, lâu nay cứ dồn một đống để công ty môi trường gom, xử lý"- ông Thanh nói.

Ông Thanh yêu cầu Sở TN-MT và các ngành cần tham khảo học tập một số mô hình phân loại rác thải tại nguồn các tỉnh khác, áp dụng vào thực tế, chuyển giao cho các địa phương ở tỉnh thực hiện.

"Xây dựng một đề án cấp tỉnh về phân loại rác thải tại nguồn giai đoạn 2020-2025 toàn diện, đầy đủ, phù hợp cho tất cả các vùng. Nghiên cứu tiếp cận các tổ chức quốc tế tài trợ kỹ thuật, kinh nghiệm. Nếu làm tốt khâu phân loại rác thải tại nguồn thì lượng rác thải đưa về các khu xử lý tập trung sẽ giảm đi"- ông Thanh đề nghị.

Sau cơn khủng hoảng rác, Quảng Nam bàn chuyện phân loại rác tại nguồn - Ảnh 4.

Rác chất thành núi ở Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG

Ông Thanh yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các ngành, địa phương sớm triển khai hoàn thành các khu xử lý rác thải tập trung theo hướng xây dựng các khu liên hợp công nghệ cao để xử lý một cách đồng bộ, toàn diện. 

"Ngoài xử lý rác thải thì phải sản xuất ra các chế phẩm, sản phẩm phụ từ rác thải, huy động các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ tiên tiến vào đầu tư"- ông Thanh yêu cầu.

Ngày 29-10, ông Phan Việt Cường - bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - đã ký chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào chống rác thải nhựa ở tỉnh. Mục tiêu đặt ra đến ngày 31-12-2019 tất cả các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập không sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, túi ni lông khó phân hủy và tìm kiếm các sản phẩm thay thế. Trước mắt thực hiện ngay việc giảm thiểu, không sử dụng chai nhựa đựng đồ uống, ống hút nhựa...dùng một lần trong mọi hoạt đọng, cuộc họp, hội nghị. Đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

"Không thể chấp nhận" nhưng đâu đâu cũng khủng hoảng rác 'Không thể chấp nhận' nhưng đâu đâu cũng khủng hoảng rác

TTO - Hơn 1.000 lượt xe rác, bùn thải, phân... vô Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM/ngày là ám ảnh của bà con khu này. Hà Nội 3 lần rác ê hề do dân chặn xe rác. Bà Rịa - Vũng Tàu đang bàn việc chở rác từ Côn Đảo về đất liền...

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên