13/12/2014 09:55 GMT+7

Sẽ có nghị định công bố thông tin về đất đai

LÊ THANH - QUỲNH TRUNG
LÊ THANH - QUỲNH TRUNG

TT - Ngày 12-12, Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN đã công bố báo cáo về thực trạng cung cấp thông tin về đất đai ở VN qua khảo sát 63 tỉnh, TP, 126 huyện và 321 xã vào cuối năm ngoái và đầu năm nay.

Bà Trần Thị Lan Hương trình bày báo cáo nghiên cứu công khai đất đai tại VN - Ảnh: Q.Trung

Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị của WB, đánh giá việc công khai thông tin liên quan đến đất đai tại VN được cải thiện hơn so với ba năm trước đây, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với quy định.

Nhiều thông tin được quy là tài liệu mật

Theo bà Hương, WB khảo sát thông tin được công khai trên mạng như các trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch đất đai, đền bù tái định cư, giá đất, phí lệ phí... Các thông tin này theo như quy định của pháp luật là phải được công khai.

Thực tế ghi nhận có nhiều địa phương công khai thông tin rất tốt như Vĩnh Long, Thanh Hóa, Đồng Tháp... Còn nhiều địa phương thực hiện công khai thông tin còn rất hạn chế như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Khánh Hòa, Hưng Yên, Hải Dương...

Nêu dẫn chứng cụ thể khi thực hiện nghiên cứu này, bà Hương nói: “Cán bộ nghiên cứu hỏi thông tin về kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì được phường Phố Mới (Lào Cai) cho biết đây là tài liệu mật.

Hay tại một số xã ở Nam Định, Cà Mau, Bình Dương... phía chính quyền thông báo phải được phê duyệt của chủ tịch UBND xã mới được tiếp cận các tài liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều đó cho thấy không ít công chức chưa hiểu rằng cung cấp thông tin là một nghĩa vụ”.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), thừa nhận kết quả nghiên cứu này là rất cần thiết nếu không nói là cấp thiết trong điều kiện hiện nay. Kết quả phù hợp với thực tế và nhận định của Bộ TN-MT khi đánh giá Luật đất đai năm 2013.

Tuy nhiên, về nguyên nhân khiến việc công khai thông tin liên quan đến đất đai còn khiêm tốn ở một số địa phương, ông Hiển cho rằng nên xem xét điều kiện thực hiện có đảm bảo hay không.

Không đồng tình với ý kiến này, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, ông Đặng Hùng Võ - chuyên gia về đất đai - nói nếu phía địa phương nào cho rằng cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên chưa thể công khai thông tin về quy hoạch đất đai hay các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất... là không chấp nhận được.

“Nếu thành tâm và muốn công khai với người dân thì chúng ta chỉ cần một cái nẹp tre ở trên và một cái nẹp tre ở dưới để đóng đinh văn bản đó lên là được. Có thể nó xấu nhưng quan trọng là cung cấp đủ thông tin cho người dân. Đừng lấy lý do chưa đủ điều kiện mà chưa thực hiện được, hay thực hiện chưa tốt” - ông Võ nhấn mạnh.

Phải có nhiều hình thức thông tin đến người dân

Để thông tin về đất đai được công khai một cách đầy đủ và kịp thời cho công chúng, bà Hương đề xuất VN cần có Luật công bố thông tin về đất đai. Theo đó, luật phải quy định những thông tin ngoại lệ, còn tất cả thông tin khác phải công khai cho người dân.

Ông Hiển cho rằng chắc chắn khi nhận được kết quả đánh giá quá khiêm tốn thì chính quyền địa phương phải thấy được trách nhiệm của mình. Về phía cơ quan quản lý, Bộ TN-MT sẽ tiến hành tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, cần thiết thì xử lý đối với những địa phương còn chưa công khai, hoặc công khai chưa đạt yêu cầu.

Về khuyến nghị VN cần xây dựng Luật công bố thông tin về đất đai, theo ông Hiển, có lẽ sẽ mất nhiều thời gian do quy trình xây dựng văn bản. Trong năm 2015, Bộ TN-MT sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định về cung cấp thông tin về đất đai.

Trong văn bản này, Nhà nước sẽ quy định rõ thông tin nào muốn được cung cấp thì người dân phải trả tiền và thông tin nào được cung cấp miễn phí, thông tin nào không được cung cấp, hình thức cung cấp, trách nhiệm của cơ quan các cấp như thế nào...

Ông Hiển còn nhấn mạnh cơ quan quản lý phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin một cách thuận lợi nhất. Phải có nhiều hình thức để người dân có thể tiếp cận được thông tin chứ không phải nơi nào cũng có máy tính có nối Internet để tra cứu.

Nhờ sự hỗ trợ của WB mà một số địa phương như tại một số huyện ở Hà Nội, người dân có thể truy cập trên điện thoại để biết được thông tin về đất đai.

Một thông tin cũng cần phải được công khai, theo đề nghị của ông Võ, cơ quan quản lý phải công khai việc quản lý tài sản công, trong đó có nhà công vụ. Cụ thể, hiện có bao nhiêu người ở nhà công vụ, căn nhà ở địa chỉ A là ai đang sử dụng, bao nhiêu người về hưu rồi mà vẫn ở nhà công vụ...

* Bà Victoria Kwakwa (giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN):

Người dân phải được đảm bảo quyền tiếp cận thông tin

Rõ ràng là các vấn đề về thông tin đất đai, độ minh bạch về thông tin đất đai vô cùng quan trọng đối với đại đa số người VN vì đất đai là một yếu tố gắn liền với sinh hoạt và sản xuất hằng ngày của người dân.

Điều chúng ta cần làm là thi hành tốt hơn các điều luật đất đai hiện hành và sử dụng các điều luật này để tăng cường quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người dân.

Ngoài ra, thực thi các điều luật đất đai hiện nay phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp như phường, xã, quận và tất nhiên... là ở cấp trung ương. Người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau phải được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin mà họ cần.

Tôi nghĩ chúng ta đã hoàn toàn nhất trí rằng người dân có quyền yêu cầu thông tin, đặt câu hỏi và tạo áp lực lên chính quyền để yêu cầu họ cung cấp thông tin về đất đai.

* Ông Jim Carpy (trưởng đại diện VP Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh tại VN):

Góp phần chống tham nhũng

Thông tin minh bạch về đất đai cũng góp phần chống tham nhũng. Chính phủ nhiều nước trên thế giới cho phép và khích lệ người dân tiếp cận các thông tin về đất đai vì họ xem đây là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng tham nhũng.

Ngoài ra về dài hạn, càng công khai và minh bạch hóa các thông tin về đất đai, Chính phủ và người dân VN càng thu được nhiều lợi ích về kinh tế.

Cái lợi dễ nhận thấy nhất chính là thu hút các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài đến VN làm ăn, qua đó kích thích nền kinh tế. Bất cứ công ty nào đến đầu tư ở VN, điều đầu tiên họ làm là tìm hiểu về các mức độ công khai và minh bạch trong hệ thống quản lý của nước này.

 

LÊ THANH - QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên