05/12/2023 19:54 GMT+7

Siết tỉ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ Vạn Thịnh Phát

Sau vụ Vạn Thịnh Phát, nhiều chuyên gia lo việc điều chỉnh chính sách không hiệu quả bởi việc cổ đông sở hữu bao nhiêu cổ phần không trực tiếp gây mất an toàn hệ thống. Điều lo ngại là lạm dụng quyền lực thao túng dòng chảy tín dụng.

Tòa nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM trước đây là trụ sở của Ngân hàng SCB - Ảnh: T.T.D.

Tòa nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM trước đây là trụ sở của Ngân hàng SCB - Ảnh: T.T.D.

Đại án Vạn Thịnh Phát - SCB làm nóng vấn đề sở hữu chéo ngân hàng. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã tính giảm tỉ lệ sở hữu tại ngân hàng nhưng lại bị lo lắng sẽ không hiệu quả, không giải quyết triệt để vấn đề.

Khó ngăn thao túng nhưng lại khó cho nhà đầu tư

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, GS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, ủy viên Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng ngay cả khi giảm tỉ lệ sở hữu cổ đông, vẫn khó chặn thao túng.

"Nhìn từ Vạn Thịnh Phát - SCB, hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều bất cập. Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết", vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, giảm tỉ lệ sở hữu cổ đông tổ chức từ 15% xuống dưới 10% như đề xuất tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ không hiệu quả. "Tỉ lệ 15% hiện hành có cao không? Thực tế tỉ lệ này vẫn thấp so với nhiều nước", ông Lược nói.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối nghiên cứu chứng khoán MB (MBS) - cho biết khi tham gia đầu tư vào ngân hàng với vai trò cổ đông lớn, ai cũng muốn có tiếng nói.

Nếu một ngân hàng quá phân tán quyền lực với tỉ lệ cổ phần sở hữu thấp, cũng phát sinh chuyện "không ai chịu ai", khó đi đến thống nhất.

Thực tế đã có ngân hàng xảy ra đấu tranh giữa các cổ đông như vậy và ảnh hưởng kéo dài đến việc kinh doanh, theo bà Hiền. Chưa kể, việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ đông tổ chức xuống 10% có thể khiến các ngân hàng khó thu hút cổ đông lớn, chiến lược.

Phải siết điều kiện, thủ tục cấp tín dụng

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng siết tỉ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ Vạn Thịnh Phát. Ông Võ Đại Lược cho rằng xử lý sở hữu chéo, hay bản chất ngăn thao túng ngân hàng, phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn cho phép nhưng vẫn nắm chi phối.

Vậy nên, lo ngại không phải người ta cầm bao nhiêu cổ phần. Việc cổ đông có tỉ lệ sở hữu cao không trực tiếp gây mất an toàn hệ thống.

"Cổ đông nắm 10% hay thấp hơn nhưng vẫn điều hướng tín dụng cho sân sau vay không tuân theo quy định, chuẩn mực. Đó là vấn đề lo nhất", ông Lược lo ngại.

Vấn đề lớn ngành ngân hàng đó là nợ xấu, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản. Qua vụ việc Vạn Thịnh Phát - SCB, chúng ta có thể thấy nợ xấu một phần phát sinh từ việc cấp tín dụng lỏng lẻo.

Đáng ngại nhất khi tiền từ ngân hàng đổ vào bất động sản qua sân sau, vị chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm chỉ ra.

Vậy nên thay vì siết tỉ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ, theo ông Lược, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan cổ đông đó. Có hệ thống giám sát chéo và xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.

Bà Trần Thị Khánh Hiền cũng cho rằng ngăn thao túng ngân hàng không thể chỉ quản lý những biểu hiện bên ngoài. Quan trọng vẫn phải kiểm soát được các hoạt động cho vay, các chỉ số, công bố thông tin rõ ràng. Mục đích cuối cùng quản lý chất lượng tín dụng.

Luật không nên chỉ kiểm soát được hồ sơ

Trong một báo cáo mới được công bố, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) thẳng thắn nêu: Trên thực tế, tình trạng sở hữu chéo giữa hệ thống tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản với biểu hiện thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn "sân sau", sử dụng vốn sai mục đích đang có tác động xấu đến chất lượng tín dụng, làm gia tăng rủi ro hệ thống.

Tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng bị hướng vào những doanh nghiệp rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những doanh nghiệp chân chính muốn vay lại không tiếp cận được.

Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định các tỉ lệ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, VIRES cho rằng điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Còn trên thực tế các cổ đông có thể sử dụng nhiều cách thức, thông qua các mối quan hệ không bị giới hạn theo quy định để gián tiếp gia tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần thực tế và nắm quyền chi phối tại các tổ chức tín dụng.

Cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định. Đồng thời những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là vấn đề quan trọng, VIRES kiến nghị.

* Ông Trịnh Xuân An - ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

Cơ hội rà soát chỉnh lý hoàn thiện luật trước khi thông qua

Vạn Thịnh Phát - SCB là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cho chúng ta nhiều bài học về xây dựng quy định chính sách, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng đang được bổ sung, sửa đổi.

Quốc hội đã quyết định lùi thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đến kỳ họp sau, đây là thời điểm, cơ hội để rà soát chỉnh lý hoàn thiện luật.

Nhìn từ Vạn Thịnh Phát - SCB, có thể thấy sở hữu chéo, thao túng ngân hàng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Trong khi các quy định đưa ra tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi về giảm tỉ lệ sở hữu là biện pháp hữu hình.

Dùng các công cụ hữu hình để xử lý cái vô hình sẽ không hiệu quả. Do vậy, vấn đề quan trọng cần xác định được cá nhân, tổ chức nào thực sự là chủ sở hữu của nhà băng mới chống được sở hữu chéo, thao túng.

Ngoài vấn đề pháp lý, Việt Nam cũng cần có một hệ thống cảnh báo thực sự khoa học, chuẩn mực với mô hình giám sát, kiểm tra đủ mạnh, có thể độc lập hoặc nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Việc áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn thế giới cũng là rất cần thiết.
Giám sát thế nào mà để những chuyến xe chở trăm ngàn tỉ từ ngân hàng về nhà bà Trương Mỹ Lan?Giám sát thế nào mà để những chuyến xe chở trăm ngàn tỉ từ ngân hàng về nhà bà Trương Mỹ Lan?

Đó là câu hỏi mà chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành đặt ra trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh vụ Vạn Thịnh Phát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên