"Siêu âm" công trình giao thông để lập hồ sơ số

THU DUNG 10/02/2024 10:29 GMT+7

TTCT - Mỗi công trình giao thông sẽ có một hồ sơ số mô hình 3D thể hiện toàn bộ kích thước, hình dáng, vị trí… các cấu kiện lộ thiên cũng như những bộ phận bị che khuất theo thực tế.

Một kỹ sư đang xem mô hình 3D cầu Công Lý (quận 3). Ảnh T.T.D.

Một kỹ sư đang xem mô hình 3D cầu Công Lý (quận 3). Ảnh T.T.D.

Mỗi công trình giao thông sẽ có một hồ sơ số gồm mô hình 3D thể hiện toàn bộ kích thước, hình dáng, vị trí… các cấu kiện lộ thiên cũng như những bộ phận bị che khuất theo thực tế. Cách này đang được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan chức năng lên kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa kịp thời, nhất là tránh xảy ra sự cố khi thi công.

Hồ sơ một đằng, thực tế một nẻo

Một đơn vị thi công dự án lắp đặt hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) cho biết dự án này phải dừng thi công không dưới ba lần để khắc phục sự cố vì bất ngờ đụng các công trình ngầm. Theo hồ sơ kỹ thuật thì dưới lòng đường Nguyễn Duy Trinh có đường ống cấp nước với những vị trí cụ thể. Dựa trên đó, đơn vị này thiết kế bản vẽ thi công cống thoát nước ở vị trí khác.

Tuy nhiên, khi đang đào đường theo bản vẽ thì gàu múc đụng bể ống cấp nước gây ngập công trường và nguy cơ làm mất nước những khu vực xung quanh. Dự án phải ngừng thi công chờ khắc phục sự cố bể ống nước, đơn vị thi công phải chịu toàn bộ chi phí và bị xử phạt vì thi công trễ hạn.

Năm 2020, một công trình trên đường Nguyễn Thị Định thi công làm vỡ ống nước và đứt cáp quang khiến khu vực này bị mất nước và Internet một thời gian. Phía đơn vị thi công khẳng định ống nước và cáp quang ngầm này đặt sai vị trí so với tài liệu do đơn vị chức năng cung cấp là nguyên nhân chính gây ra sự cố.

Năm 2023, nhiều đơn vị thi công phản ảnh với HĐND TP.HCM về tình trạng các công trình hạ tầng có "hồ sơ một đằng, thực tế một nẻo", vị trí các công trình hạ tầng ngầm trên bản vẽ có khoảng cách rất lớn so với thực tế. Các đơn vị thi công hạ tầng ngầm sau đó phải mất nhiều thời gian để thăm dò, khảo sát lại các công trình hiện hữu. Và rất nhiều sự cố xảy ra trong quá trình thi công như đứt cáp quang, bể ống nước… gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, làm tăng chi phí và thời gian thi công.

Tháng 9-2022, cơ quan chức năng phát hiện cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt cáp ngầm dự ứng lực. Theo đó, bốn bó cáp ngầm ở nhịp chính cầu bị đứt khi sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh trước thời điểm phát hiện gần 18 tháng.

Đơn vị thi công sửa chữa đường (liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng và Công ty CP đầu tư hạ tầng Đông Sơn) không hề biết sự cố này cho đến khi được cơ quan chức năng thông báo. Bất ngờ hơn, sau đó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết đơn vị này không có có hồ sơ hoàn công của công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Vì thế, đơn vị thi công không biết chính xác vị trí của cáp ngầm dự ứng lực dẫn đến làm đứt khi sửa chữa và thời gian dài sau vụ việc mới được phát hiện.

Sau sự cố cầu Nguyễn Hữu Cảnh, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng phát hiện nhiều cầu giao thông do sở quản lý thiếu rất nhiều hồ sơ, tài liệu, bản vẽ kỹ thuật. Điều này đồng nghĩa với việc hoàn toàn có thể xảy ra thêm một "sự cố cầu Nguyễn Hữu Cảnh" nữa bất cứ lúc nào. Theo sở, các công trình này xây dựng nhiều năm, hồ sơ thất lạc trong quá trình lưu trữ, chuyển giao.

Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết hiện có nhiều công trình hạ tầng ngầm cũng không có hồ sơ như trường hợp cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh. Vì vậy, đơn vị thi công các dự án liên quan đến những công trình này như "người mù sờ voi", không biết dưới lòng đất có công trình ngầm gì, vị trí nào.

Có nhiều nguyên nhân như công trình xây dựng đã lâu, hồ sơ chuyển qua nhiều cơ quan quản lý nên thất lạc hoặc đơn vị thi công thuộc các ngành khác không bàn giao hồ sơ hoàn công cho ngành giao thông, hoặc dự án trước xong chưa bàn giao đã có đơn vị thi công dự án sau…

Mô hình 3D độ sâu kênh Thanh Đa đoạn đi qua cầu Kinh. Ảnh: Portcoast

Mô hình 3D độ sâu kênh Thanh Đa đoạn đi qua cầu Kinh. Ảnh: Portcoast

Tuy nhiên, có nhiều công trình ngầm có hồ sơ hoàn công, có bản vẽ nhưng đơn vị thi công sau vẫn gặp sự cố như thường. Theo các chuyên gia giao thông, nguyên nhân là hồ sơ hoàn công không chính xác mà đơn vị giám sát, nghiệm thu công trình trước đó đã không phát hiện. Thường thấy nhất là trong quá trình thi công gặp sự cố nên đơn vị thi công điều chỉnh vị trí đặt thiết bị ngầm nhưng vẫn hoàn công theo bản vẽ thiết kế. Trường hợp khác là nhà thầu thi công sai vị trí, sai thiết kế mà vẫn báo cáo đúng.

"Siêu âm" đường để vẽ lại hệ thống ngầm

Để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các đơn vị liên quan đang xây dựng hệ thống dữ liệu cho các công trình giao thông cả cũ và mới trên địa bàn TP bằng công nghệ BIM - GIS. Theo đó, các công trình giao thông được quét bằng công nghệ 3D laser để khảo sát hiện trạng.

Công nghệ này sẽ lưu lại tất cả các cấu kiện, hạng mục công trình theo thực tế, đồng thời vẽ lại sơ đồ, vị trí của các cấu kiện và các hạng mục này theo hiện trạng. Đặc biệt là các cấu kiện, các hạng mục bị che khuất, các công trình ngầm dưới lòng đất cũng được thể hiện rõ trong hình ảnh 3D.

Những dữ liệu trên sẽ được dựng thành mô hình thông tin công trình (viết tắt là BIM), sau đó tích hợp với hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phục vụ công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Quan trọng hơn, thông tin của các công trình có thể được cập nhật những thay đổi theo thời gian. Trước mắt, công nghệ BIM - GIS đang được sử dụng để thu thập dữ liệu tại các công trình mới như hệ thống metro, vành đai 3 TP.HCM, nút giao thông An Phú…

Bên cạnh số hóa hồ sơ những công trình mới, công nghệ BIM - GIS còn khôi phục hồ sơ kỹ thuật của những công trình hạ tầng cũ. Công nghệ này sẽ khảo sát, "siêu âm" để vẽ lại thiết kế, sơ đồ các công trình hiện hữu, kể cả các kết cấu lắp đặt ngầm.

Ông Lương Minh Phúc cho biết việc số hóa thông tin công trình như trên giúp xây dựng được vòng đời của công trình. Từ hình ảnh 3D, các công trình giao thông sẽ được đánh giá hiện trạng, chất lượng, những khiếm khuyết, hư hỏng đã xuất hiện hoặc tiềm ẩn… Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý lên kế hoạch bảo trì, duy tu, sửa chữa kịp thời những công trình giao thông.

"Hồ sơ số hóa rất quan trọng trong quá trình duy tu, sửa chữa hoặc thi công các dự án khác liên quan đến công trình giao thông. Có hồ sơ số hóa, chắc chắn những sự cố thi công như vụ cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hay đào đường làm bể ống nước, đứt cáp quang sẽ không còn xảy ra. Qua đó, đơn vị thi công rút ngắn được thời gian thi công, tiết kiệm chi phí cho cả nhà thầu lẫn cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý theo dõi được hiện trạng, khả năng vận hành khai thác của công trình để tính toán thời gian bảo hành, sửa chữa. Khi cần hồ sơ để đối chiếu, vận hành, bảo trì thì đã có đủ dữ liệu mà không lo thiết sót hay bất cập", ông Phúc cho hay. ■

Trong năm 2023, Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông vận tải TP.HCM sử dụng công nghệ BIM - GIS số hóa thông tin, số liệu của 82 tuyến (523km) đường thủy, trong đó có 217 cầu và cống, 146 cảng và bến thủy nội địa, thiết kế cảnh quan điển hình hai bên bờ sông, kênh.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), cho biết dự án số hóa của trung tâm này có mục tiêu nắm bắt chính xác độ sâu đáy luồng, xác định tim tuyến, lý trình và kết cấu hạ tầng giao thông để từ đó đề xuất nạo vét duy tu, chỉnh trị luồng đường thủy.

Ngoài ra đây cũng là nguồn dữ liệu cần để đơn vị quản lý dự báo sự cố và thời gian xảy ra để kịp thời kiểm tra, khắc phục. Ví dụ như trên cơ sở các thông tin về kết cấu bờ sông, lưu lượng và tốc độ dòng chảy…, đơn vị quản lý có thể khoanh vùng các khu vực có thể xảy ra xói lở ở lòng sông và các vị trí sạt lở bờ sông vào những thời điểm nhất định.

Từ dự báo này, đơn vị quản lý sẽ lên kế hoạch kiểm tra, khắc phục để bảo vệ an toàn khu dân cư tại các khu vực ven sông, kênh, rạch. Trung tâm có thể đưa ra phương án khai thác, cải tạo, thậm chí cập nhật các thay đổi theo từng vị trí chính xác nhất.

Nhà hát TP.HCM hơn 120 tuổi xây dựng từ năm 1898, đưa vào sử dụng năm 1900 có thiết kế độc đáo thịnh hành cuối thế kỷ 19. Năm 2019, lãnh đạo Nhà hát TP đã mời một đơn vị khảo sát dùng công nghệ BIM - GIS để số hóa toàn bộ thông tin của nhà hát từ kiến trúc của tòa nhà, không gian bên trong và xung quanh… Tòa nhà được quét laser tại 350 vị trí, chụp ảnh, số hóa dữ liệu 1.000 chi tiết, dựng mô hình 3D để quản lý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận