08/08/2019 10:10 GMT+7

Sinh viên ĐH Fulbright chạy xe ôm làm dự án giúp trẻ vùng cao

MINH GIẢNG thực hiện
MINH GIẢNG thực hiện

TTO - 'Tôi không muốn làm anh hùng, nhưng sẽ luôn lựa chọn làm những điều tốt đẹp cho gia đình và xã hội trong tầm khả năng của mình nên tôi lựa chọn làm vậy thôi', chàng sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam Khang A Tủa chia sẻ.

Sinh viên ĐH Fulbright chạy xe ôm làm dự án giúp trẻ vùng cao - Ảnh 1.

Khang A Tủa và cộng sự hướng dẫn các em trong dự án - Ảnh: V.M

Ngay khi nghỉ hè, Khang A Tủa - sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam, ra Hà Nội chạy xe ôm công nghệ để có tiền chi trả sinh hoạt phí, thực hiện dự án cộng đồng Vườn Mơ cho 22 trẻ em vùng cao Tây Bắc.

Khang A Tủa là 1 trong số 54 sinh viên năm học Đồng kiến tạo đầu tiên của ĐH Fulbright Việt Nam với hành trình đến với trường ĐH nhiều khát vọng.

Tủa tâm sự rằng thực ra công việc chạy xe ôm công nghệ giúp Tủa có kinh phí để chi trả sinh hoạt phí ở Hà Nội và giúp gia đình đong gạo trong lúc Tủa dồn sức vào chạy dự án Vườn Mơ. Toàn bộ số tiền thực hiện dự án Vườn Mơ hoàn toàn được tài trợ.

* Nhà bạn ở Mù Cang Chải và bản thân cũng còn rất khó khăn, sao lại dồn sức vào một dự án cho các em nhỏ Tây Bắc mà không phải là giúp gia đình và chính bản thân mình trước?

- Tôi đọc được một ý rằng muốn thay đổi cuộc sống của những cộng đồng sống ở mức dưới (chuẩn nghèo), ta cần tập trung vào giáo dục và y tế cơ bản. Tôi chia sẻ cách nghĩ này bởi mình có thể tập trung làm giàu cho vài ba người nhưng cộng đồng muốn phát triển bền vững thì rõ ràng tri thức là điều đầu tiên để người ta tự tin, tự chủ và tự đi lên trong cuộc sống.

Đại loại, tôi chẳng có ý gì to tát cả. Tôi cũng không muốn làm anh hùng, nhưng sẽ luôn lựa chọn làm những điều tốt đẹp cho gia đình và xã hội trong tầm khả năng của mình nên tôi lựa chọn làm vậy thôi, không có lý do gì quá sâu sắc đâu.

* Bạn có thể nói rõ hơn về dự án này? Vì sao tên dự án là Vườn Mơ?

- Vườn Mơ là một dự án được tôi xây dựng nhằm tăng sự trải nghiệm trong các môi trường đa dạng dành cho các em nhỏ dân tộc ít người từ 12 đến 15 tuổi để các em có sự tự tin, tự chủ hơn trong những quyết định của mình.

Tuổi 16 là bước ngoặt, các em chuẩn bị phải đưa ra những quyết định đầu đời. Các em hoặc trở thành những cô cậu học sinh cấp III, tiếp tục phát triển trên con đường học hành, hoặc trở thành những "ông bố - bà mẹ trẻ con" và sống mãi trong vòng luẩn quẩn quanh năm suốt tháng với đói nghèo.

Tôi và những người thực hiện dự án đặt tên dự án là Vườn Mơ vì tôn chỉ đầu tiên và quan trọng nhất là ở đó, những đứa trẻ sẽ được lắng nghe, được tôn trọng để lớn lên chậm rãi mà chắc chắn như những cây mơ - một loại cây thân gỗ, lớn chậm nhưng sống rất khỏe với mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Lý do nữa là chúng tôi muốn thúc đẩy những ước mơ đa dạng cho các em nhỏ và giúp các em thêm phần tự chủ hơn với ước mơ của mình, bởi chữ "vườn" tượng trưng cho đa dạng, thay vì "nương" là sự đơn lẻ. Lý do cuối cùng: đồng hành với trẻ em dân tộc ít người là ước mơ từ nhỏ của tôi, nhất là sau khi chứng kiến những đứa trẻ quanh mình dần lấy vợ lấy chồng ở tuổi 16.

Sinh viên ĐH Fulbright chạy xe ôm làm dự án giúp trẻ vùng cao - Ảnh 2.

Các bạn trẻ tham gia dự án Vườn Mơ, tìm kiếm những trải nghiệm mà trẻ em vùng dân tộc ít người chưa có - Ảnh V.M.

* Bạn đóng vai trò thế nào trong dự án này? Những ai đồng hành với bạn?

- Vườn Mơ xuất phát từ câu chuyện cá nhân của tôi, khi tôi không muốn em gái sớm trở thành "bà mẹ trẻ con" và ban đầu chỉ đáp ứng nguyện vọng của em gái là đưa em ra khỏi quê để có những trải nghiệm mới, những trải nghiệm mà ở quê không có.

Tuy vậy, trong quá trình tìm kiếm một cơ hội cho em gái, tôi và các bạn bè cộng sự đều ngỡ ngàng khi số lượng và chất lượng các chương trình trải nghiệm cho trẻ em miền xuôi là đếm không xuể, nhưng không sao tìm nổi một chương trình phù hợp với em gái mình - một đứa trẻ người dân tộc ít người.

Có thể là vì chưa ai thật sự quan tâm đến những môi trường phát triển đa dạng cho trẻ em dân tộc ít người, mà mọi người đang quá tập trung vào việc tặng vật chất cũng như tiền bạc. Dĩ nhiên, vật chất cần, nhưng để vươn lên thì những đứa trẻ cần được quan tâm đến ước mơ song song với việc có đủ cơ sở vật chất.

Do đó, chúng tôi đi đến quyết định tổ chức Vườn Mơ như một trại hè gồm trải nghiệm những sự đa dạng của cuộc sống và những kiến thức, cách học mới dành cho các em người dân tộc ít người.

* Dự án đem đến điều gì cho những bạn trẻ tham gia?

- Trại hè Vườn Mơ với sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) và Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) cùng một số tổ chức và cá nhân khác.

Các em đã được tham gia hai mạch hoạt động chính. Thứ nhất, từ những kỳ vọng của bản thân các em được giao lưu với các anh chị đi trước với rất nhiều câu chuyện đa dạng để hình dung rõ hơn về những sự lựa chọn, từ đó tự làm chủ những sự lựa chọn của mình.

Thứ hai, từ những chất liệu cuộc sống quen thuộc nơi các em đang sống nhìn ra thế giới bên ngoài như vải lanh, thổ cẩm, nhuộm chàm, sáo, đàn môi... trong văn hóa Mông đang được xã hội và thế giới nhìn nhận và sử dụng ra sao để từ đó hiểu hơn về thế giới quanh mình và củng cố sự hình dung về những con đường mình có thể đi gắn liền với tri thức bản địa, sản vật quê hương.

Sau trại hè 2019, dự án sẽ tiếp tục đồng hành cùng các em trên con đường trở thành một cây mơ vững vàng.

Dự án Vườn Mơ là một trong năm sáng kiến được hỗ trợ từ Quỹ sáng kiến cộng đồng với các tiêu chí: ý tưởng xuất phát từ chính cộng đồng, dựa trên vấn đề của cộng đồng, do người của cộng đồng đề xuất và có sự huy động, tổ chức cộng đồng cùng thực hiện.

Khi nhận lời hỗ trợ Vườn Mơ, chúng tôi hi vọng tạo được cơ hội cho nhóm dự án bước đầu thực hiện được ý tưởng của mình, từ đó có niềm tin, động lực, kinh nghiệm và hướng hoàn thiện tiếp theo. Với các bạn trẻ tham gia Vườn Mơ, chúng tôi tin rằng các bạn đã có một trải nghiệm đẹp, chưa từng có và mở rộng được tầm nhìn. Từ đó gieo vào đầu các bạn những ước mơ khác, những lựa chọn khác cho tương lai".

Chị Nguyễn Thùy Linh - điều phối viên dự án Tôi tin tôi có thể

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa Đường đến Fulbright của Khang A Tủa

TTO - 24 tuổi, Khang A Tủa là một trong 54 sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV).

MINH GIẢNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên