20/03/2017 10:58 GMT+7

Sớm có quy hoạch không gian ngầm Sài Gòn

D.N.HÀ - N.ẨN
D.N.HÀ - N.ẨN

TTO - Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cho biết sở đang xây dựng đề cương quy hoạch không gian ngầm của TP, báo cáo với TP về lộ trình, cách làm và đề xuất những sản phẩm, khu vực cụ thể.

Phối cảnh lối đi bộ ngầm từ Nhà hát TP
Phối cảnh lối đi bộ ngầm từ Nhà hát TP

“Quy hoạch không gian ngầm của TP là một trong những giải pháp để chỉnh trang đô thị, chống ùn tắc giao thông. Dự kiến đến cuối nhiệm kỳ này phải có sản phẩm” - ông Nguyễn Đình Hưng cho biết.

Ông Hưng khẳng định quy hoạch không gian ngầm của TP là một phần của quy hoạch nhưng từ trước đến giờ TP chưa tính đến do những lần thực hiện quy hoạch gần đây thì nhu cầu về không gian ngầm chưa bức thiết lắm.

Trước đây, rải rác trong các chỉ đạo của TP có định hướng những khu vực phát triển không gian ngầm nhưng thực tế không thực hiện được.

Những khu vực định hướng phát triển không gian ngầm thường là không gian công cộng dành làm bãi đỗ xe ngầm như công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, Hoa Lư... Khu vực công viên 23-9 (Q.1) cũng có chủ đầu tư nghiên cứu và đề xuất làm dự án nhưng đến nay chưa có công trình cụ thể.

Khi nghiên cứu lập quy hoạch 1/2.000 cho khu trung tâm 930ha của TP, cũng do chưa có nhu cầu nên TP không “đặt hàng” cho đơn vị tư vấn về quy hoạch không gian ngầm.

Tuy nhiên, trong đồ án quy hoạch 1/2.000, đơn vị tư vấn cũng đề xuất một số khu vực sử dụng không gian ngầm của TP như đường ngầm Tôn Đức Thắng, khu vực ngầm công trường Mê Linh, không gian ngầm dưới công viên 23-9...

Đó chỉ mới là những không gian ngầm rời rạc, chưa trở thành một liên kết đầy đủ, hệ thống.

Và đơn vị này cũng đặt ra những quy định về phát triển không gian ngầm tại TP.HCM như cấm làm nhà ở, trường học, bệnh viện, căn hộ, ký túc xá, khách sạn, rạp hát, chiếu phim, hội trường triển lãm, khán phòng... dưới tầng hầm; cấm làm kho hoặc nhà máy xử lý chất độc hại; tường, cột sàn và xà phải chống cháy, vật liệu hoàn thiện và vật liệu tường hay trần phải chống cháy, khoảng cách từ bất kỳ điểm nào tới cầu thang bộ cũng không tới 50m...

Thực tế, tại TP.HCM do nhu cầu phải tăng thêm diện tích trong khi bị hạn chế tầng cao, các chủ đầu tư đã xây dựng thêm nhiều tầng hầm để làm trung tâm thương mại và chỗ để xe.

Cụ thể, như công trình 72 Lê Thánh Tôn đã xây 6 tầng hầm để bố trí một phần làm trung tâm thương mại, dịch vụ, dự án tại tứ giác Bến Thành cũng được cơ quan chức năng duyệt cho xây dựng đến 6 tầng hầm.

Theo thông tin từ chủ đầu tư thương xá Tax mới thì công trình này cũng có 6 tầng hầm.

Ông Hưng cho biết do chưa có quy hoạch nên từ trước đến nay, các công trình xây dựng có đầu tư tầng hầm thì được cơ quan chức năng phê duyệt riêng lẻ, nghĩa là không gian ngầm của công trình nào thì chỉ phục vụ cho công trình ấy, chứ chưa hề có phương án kết nối với nhau.

“Hiện lưu lượng giao thông tại trung tâm TP lớn lên nên việc quy hoạch không gian ngầm của TP trở thành một nhiệm vụ cấp bách. TP phải khởi động lại việc quy hoạch không gian ngầm.

Trước mắt, sở sẽ đề xuất nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm trong khu 930ha. Sau khi thực hiện, có kinh nghiệm sẽ mở rộng dần ra những khu lân cận” - ông Hưng cho biết.

Trong khi đó, Sở GTVT TP.HCM cho biết do không còn đất để làm chỗ đậu nên đã phối hợp với các quận xác định quy hoạch 18 bãi đậu xe ngầm và hiện nay mới có 4 nhà đầu tư có dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, công viên Tào Đàn, sân khấu Trống Đồng và sân vận động Hoa Lư (Q.1).

Theo một số nhà đầu tư dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm, nếu chỉ thực hiện xây dựng bãi đậu ôtô ngầm sẽ không thể thu hồi vốn.

Bởi vì việc đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm trong lòng đất tại các công viên đều đặt ra yêu cầu sau khi xây dựng xong phần ngầm phải trả lại không gian, cảnh quan trên mặt đất.

Trong khi đó, vốn đầu tư xây dựng các tầng hầm rất cao, còn khoản thu phí đậu xe lại rất thấp.

Do đó, để bảo đảm thu hồi vốn và có lợi nhuận, các nhà đầu tư đều đề xuất xây dựng không gian ngầm trong lòng đất kết hợp giữa bãi đậu xe là trung tâm thương mại dịch vụ.

Theo Sở GTVT, phần lớn các nhà đầu tư bãi đậu xe đã dành từ 30-50% diện tích xây dựng không gian ngầm làm trung tâm thương mại dịch vụ.

Cụ thể ở dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Không Gian Ngầm đầu tư 1.700 tỉ đồng xây dựng 4 tầng đậu xe có diện tích 76.798m2 có sức chứa 1.260 ôtô và hơn 2.000 xe máy đã tính toán xây dựng 3 tầng ngầm thương mại có diện tích 32.839m2.

Tương tự, Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương đầu tư 741 tỉ đồng xây dựng 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi, trong đó có đến 5 tầng thương mại và 1 tầng sân khấu, còn lại là các tầng hầm đậu xe cho 890 ôtô và 400 xe máy... 

Những không gian ngầm ở trung tâm TP

Theo quyết định của UBND TP.HCM năm 2012 về đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu TP, các không gian ngầm sẽ được phát triển tại những khu vực sau:

Phối cảnh cổng vào ga metro Bến Thành (trước chợ Bến Thành).
Phối cảnh cổng vào ga metro Bến Thành (trước chợ Bến Thành).

- Bên dưới đường Lê Lợi, giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát TP làm đường bộ ngầm và trung tâm mua sắm ngầm.

- Bên dưới đường Nguyễn Huệ, giữa ga Nhà hát TP và đường Tôn Đức Thắng làm đường bộ, bãi đậu xe và trung tâm mua sắm.

Sau đó, do xây dựng phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ, UBND TP chuyển vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm và trung tâm mua sắm xây dựng dưới lòng đường Hàm Nghi.

- Không gian ngầm bên dưới ga Bến Thành làm quảng trường ga và trung tâm mua sắm.

- Không gian bên dưới công viên 23-9 làm đường bộ ngầm, bãi đậu xe, bến xe buýt và trung tâm mua sắm.

- Không gian bên dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn (dọc đường Tôn Đức Thắng) và Công trường Mê Linh làm bãi đậu xe và trung tâm mua sắm. 

N.ẨN

D.N.HÀ - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên