17/10/2023 09:11 GMT+7

Sóng ngầm thị trường xăng dầu

Kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực đặc thù nên lâu nay ít có ai ngoài ngành có được thông tin tường tận.

Xuyên Việt Oil mặc dù nợ thuế, Bộ Công Thương vẫn đề nghị tháo gỡ khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xuyên Việt Oil mặc dù nợ thuế, Bộ Công Thương vẫn đề nghị tháo gỡ khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gần đây khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil để điều tra thì "cây kim trong bọc" mới dần hé lộ.

Hai lãnh đạo Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) là giám đốc Mai Thị Hồng Hạnh và phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương bị bắt hồi tháng 9 để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan việc nợ thuế và chiếm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu tại công ty này.

Nợ thuế trăm tỉ đồng vẫn được đề nghị hỗ trợ

Xuyên Việt Oil là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu.

Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, những bất cập trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đã bắt đầu phát sinh từ những năm trước, đáng chú ý là khoản nợ thuế ở thời điểm tháng 10-2022 lên tới 684,4 tỉ đồng. Tuy vậy, lúc đó Bộ Công Thương vẫn có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối thông quan hàng hóa.

Trong danh sách này gồm có cả những doanh nghiệp nợ thuế như Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty CP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty Xuyên Việt Oil.

Trả lời đề nghị này, Bộ Tài chính cho biết đã có công văn gửi cục hải quan các tỉnh thành yêu cầu bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát, xử lý vướng mắc của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu 24/7.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính nhấn mạnh là cơ quan hải quan không nhận được bất kỳ phản ánh vướng mắc nào của doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục. Với trường hợp cụ thể là Công ty Xuyên Việt Oil, Bộ Tài chính cho hay công ty này có số tiền thuế quá hạn nộp (với số tiền cưỡng chế là 684,4 tỉ đồng) nên Cục Thuế TP.HCM đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục là đúng quy định pháp luật về quản lý thuế.

"Các vướng mắc doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với các công ty để rà soát thực hiện theo đúng quy định", Bộ Tài chính cho hay.

Đến tháng 9-2023, khi Công ty Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu và lãnh đạo công ty bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra thì số tiền nợ thuế đã lên tới 1.244 tỉ đồng. Đây là số tiền thuế bảo vệ môi trường được tính trong cơ cấu giá xăng dầu mà doanh nghiệp này còn nợ, phát sinh trên tờ khai từ kỳ tháng 10-2021 đến kỳ tháng 7-2022.

Bộ Tài chính cho biết một số doanh nghiệp xăng dầu có vi phạm trong quản lý, trong đó có doanh nghiệp xăng dầu Hải Hà nợ thuế - Ảnh: KHÁNH LINH

Bộ Tài chính cho biết một số doanh nghiệp xăng dầu có vi phạm trong quản lý, trong đó có doanh nghiệp xăng dầu Hải Hà nợ thuế - Ảnh: KHÁNH LINH

Lọt khỏi danh sách thanh tra

Không những phát sinh nợ thuế, doanh nghiệp này từng được nhắc đến trong các hoạt động thanh tra của Bộ Công Thương. Tài liệu của Tuổi Trẻ thể hiện khi báo cáo tới Thanh tra Chính phủ các thông tin, tài liệu để phục vụ công tác thanh tra năm 2022 về xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhắc tới Xuyên Việt Oil trong đối tượng bị thanh tra.

Cụ thể, vào tháng 12-2020 bộ đã ban hành quyết định kiểm tra năm 2021 về việc tuân thủ các điều kiện, quy định về kinh doanh xăng dầu, gồm có Công ty Xuyên Việt Oil, Công ty thủy bộ Hải Hà, Công ty CP thương mại dầu khí Đại Long.

Tuy nhiên, đến tháng 5-2021 bộ này lại ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trong đó rút hai doanh nghiệp ra khỏi kế hoạch là Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty Hải Hà với lý do "đã có trong kế hoạch kiểm tra của chương trình khác".

Tuy nhiên tại báo cáo cho cơ quan thanh tra, bộ này lại không nêu cụ thể "chương trình khác" với các doanh nghiệp này là gì.

Thêm nữa lấy lý do tình hình dịch bệnh bùng phát vào tháng 5-2021 và Chính phủ ban hành nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, yêu cầu dừng, giãn hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra chưa cần thiết, Bộ Công Thương đã rút các chương trình kiểm tra trên ra khỏi kế hoạch năm 2021.

Vì vậy đến tháng 12-2021 dù ban hành quyết định số 3103 về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2022 với khoảng 20 doanh nghiệp, nhưng trong số này không có tên của Công ty Xuyên Việt Oil.

Đến tháng 7-2023, tức là chỉ hai tháng trước khi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an (A09) khởi tố vụ án tại Công ty Xuyên Việt Oil, Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật kinh doanh xăng dầu năm 2023 đối với bốn doanh nghiệp. Lúc này Xuyên Việt Oil mới được đưa vào diện thanh tra, kiểm tra cùng với ba doanh nghiệp khác là Công ty Hưng Phát, Công ty Thiên Minh Đức và Công ty Hải Hà.

Sau hoạt động thanh tra này, Bộ Công Thương chính thức rút giấy phép thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu đối với Xuyên Việt Oil, đề nghị doanh nghiệp này nộp lại tiền quỹ bình ổn. Tuy nhiên, trên thực tế khi lãnh đạo công ty này bị khởi tố, bắt tạm giam, Bộ Tài chính vẫn chưa thể đòi được quỹ bình ổn do người dân đóng góp từ doanh nghiệp này.

Trao đổi Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng cùng với việc cấp phép hoạt động, cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát với doanh nghiệp. Đặc biệt liên quan đến những nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện như nộp thuế, quản lý sử dụng quỹ bình ổn, do đây là tiền của người dân, của Nhà nước với số lượng rất lớn.

Đặc biệt khi tiền quỹ bình ổn không phải do Nhà nước quản lý tập trung mà để cho doanh nghiệp quản lý và gửi vào ngân hàng, theo ông Long, hai bộ Tài chính - Công Thương cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ.

"Vừa qua để tình trạng doanh nghiệp bị khởi tố, rút giấy phép đến khi truy lại thì tiền quỹ cũng không còn là không hợp lý. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ hơn, yêu cầu thường xuyên báo cáo phải có hậu kiểm, xem xét, không thể để như vừa qua, cơ quan điều tra vào phát hiện doanh nghiệp chiếm dụng quỹ của người dân song vẫn chưa truy thu lại được", ông Long nói.

Trong khi đó theo một lãnh đạo ngành, có tình trạng doanh nghiệp xăng dầu chiếm dụng tiền thuế, quỹ bình ổn để dùng vào việc khác. Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục thông tin.

Loạt doanh nghiệp đầu mối nợ thuế bị điểm tên

Số doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế bị cục thuế các địa phương điểm tên ngày càng nhiều. Trong số này có những doanh nghiệp được xem là "đại gia" xăng dầu, có quy mô hoạt động lớn ở nhiều địa phương.

Điển hình là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà có số tiền nợ thuế lên tới hơn 1.700 tỉ đồng vừa bị Cục Thuế tỉnh Thái Bình ra thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh với giám đốc công ty. Hay như Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức có chuỗi xăng dầu tại miền Trung bị cơ quan thuế Nghệ An thông báo cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn do không nộp tiền nợ thuế lên đến hơn 700 tỉ đồng...

Đây đều là những doanh nghiệp đã từng được Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu vào tháng 10-2022.

Bộ Công Thương im lặng

Trước thực trạng bất cập trên thị trường xăng dầu, các doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế, chiếm dụng quỹ bình ổn và lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu bị khởi tố, điều tra, ngày 27-9 báo Tuổi Trẻ đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị giải đáp thông tin liên quan đến quản lý về xăng dầu.

Trong đó, báo Tuổi Trẻ đặt một số câu hỏi liên quan đến tình trạng một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị khởi tố, lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt để điều tra, tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, việc quản lý và cấp phép với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu..., các biện pháp quản lý doanh nghiệp và lành mạnh thị trường, việc sửa đổi quy định tại nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay Bộ Công Thương chưa có phản hồi về các vấn đề này.

Quỹ bình ổn của người tiêu dùng nhưng có doanh nghiệp đã tranh thủ chiếm dụng - Ảnh minh họa: Q.Đ.

Quỹ bình ổn của người tiêu dùng nhưng có doanh nghiệp đã tranh thủ chiếm dụng - Ảnh minh họa: Q.Đ.

Bộ Tài chính cảnh báo tình trạng chiếm dụng quỹ bình ổn

Tình trạng bất cập trong quản lý, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu không chỉ tại Công ty Xuyên Việt Oil mà còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp đầu mối khác.

Gần đây nhất vào giữa tháng 9, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo tới Bộ Công Thương khi phát hiện có năm doanh nghiệp kết chuyển không đúng quy định quỹ bình ổn xăng dầu. Những cái tên được nhắc đến cũng không xa lạ, bao gồm: Công ty Hải Hà, Công ty CP dầu khí Phương Đông, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P và Công ty TNHH Trung Linh Phát. Đáng chú ý trong số này có ba doanh nghiệp không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu là Công ty dầu khí Phương Đông, Công ty TNHH Trung Linh Phát và Công ty CP Appollo Oil.

Trong khi đó nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá. Việc trích lập, chi sử dụng và quản lý quỹ bình ổn giá gắn với thương nhân đầu mối được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Do đó Bộ Tài chính đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tiếp tục rà soát thông tin hoạt động kinh doanh của thương nhân đầu mối xăng dầu đáp ứng điều kiện theo quy định, trong đó có việc sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương.

Trong trường hợp phát sinh những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chủ động rà soát theo thẩm quyền.

Hiện nay theo quy định, quỹ bình ổn xăng dầu được doanh nghiệp quản lý bằng tài khoản riêng. Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng quỹ bình ổn có quy định trích lập, quản lý, sử dụng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Việc quản lý quỹ ngày càng hoàn thiện, công khai và minh bạch.

Tuy nhiên thời gian gần đây việc trích lập quỹ và xả quỹ không được chú ý, do diễn biến giá không tăng quá đột biến, nên có thể việc kiểm tra giám sát có lơi lỏng. Trong khi đó, một số đơn vị khó khăn kinh doanh và chiếm dụng quỹ này không theo đúng quy định.

Việc trích lập quỹ đáng lẽ phải chuyển về cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính quản lý, mặc dù có thể dẫn tới phức tạp khi thực hiện xả quỹ. Chính phủ quy định tiền trích lập quỹ này để lại doanh nghiệp đầu mối, khiến doanh nghiệp có cơ hội lợi dụng, sử dụng quỹ bừa bãi.

Ông Thịnh cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc làm rõ với trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng quỹ, sớm truy thu quỹ.

Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm thường xuyên quản lý toàn diện về vấn đề quỹ bình ổn, thông thường một tháng/lần phải kiểm tra, báo cáo, nhưng có thể kiểm tra giám sát không đầy đủ nên doanh nghiệp lợi dụng. Vì vậy khâu quan trọng nhất là phải thường xuyên kiểm tra giám sát quỹ này, đặc biệt khi có những trường hợp doanh nghiệp lợi dụng để chiếm dụng quỹ thời gian qua.

Đề xuất tiếp tục giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầuĐề xuất tiếp tục giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024. Cụ thể đối với xăng, mức giảm là 2.000 đồng/lít, dầu là 600 - 1.000 đồng/lít,kg.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên