29/08/2019 11:21 GMT+7

Sòng phẳng với người nộp thuế, được không?

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Các ý nguyện để đạt được sự sòng phẳng về thuế thu nhập cá nhân đã được nhiều chuyên gia góp ý. Chỉ có lắng nghe, Bộ Tài chính mới đặt những viên gạch vững chắc cho mục tiêu sòng phẳng với người nộp thuế. Được không?

Sòng phẳng với người nộp thuế, được không? - Ảnh 1.

Vào một buổi sáng, mở báo đọc tin tức, mọi người chú ý ngay đến bản tin: Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người dân, lý do trượt giá trong 6 năm qua đã vượt 20%.

Đó là mong mỏi của mọi người dân, là điều mà theo Luật thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phải làm ngay bởi điều đó đã quy định trong luật. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng, thực tế không phải như vậy.

Thực tế là ngày 22-8, Tuổi Trẻ có bài "Mức giảm trừ gia cảnh: qua 6 năm vẫn không đổi".

Trả lời Tuổi Trẻ cùng ngày, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đến ngày 22-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội chưa nhận được sự tham mưu cũng như tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Phải sáu ngày sau khi Tuổi Trẻ lên tiếng, tin tốt lành cũng đã đến: Tổng cục Thuế cho biết đã báo cáo Bộ Tài chính xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh (Tuổi Trẻ ngày 28-8).

Vì sao Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính không chủ động, Ủy ban Tài chính - ngân sách không nhắc nhở? Phải làm gì, khi nào, đơn vị nào thực hiện... để đảm bảo quyền lợi người nộp thuế, tất cả đã quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân.

Tiếc rằng, mọi thứ chỉ chuyển động khi báo chí lên tiếng...

Giả sử cơ quan có trách nhiệm đã chủ động nâng mức giảm trừ gia cảnh, thông tin này đâu đến mức độ "mật", nếu được truyền thông sớm sẽ tạo sự hứng khởi trong xã hội, Nhà nước sòng phẳng với dân, thay cho bức xúc sao chưa thấy điều chỉnh.

Số thu từ thuế thu nhập cá nhân đã gấp 2,5 lần thu từ dầu thô cho thấy người dân đã "chuyên nghiệp" khi chấp hành thuế thu nhập cá nhân. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính... chưa chủ động điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là thiếu sòng phẳng với người nộp thuế.

Khi Tuổi Trẻ nêu vấn đề vì sao chậm điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng khái: bộ đã nắm được chỉ số giá biến động đến mức phải xem xét điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, đang rà soát để tính toán, đánh giá đầy đủ, báo cáo Chính phủ trên tinh thần không phải vì thu thêm mấy đồng mà phải làm theo luật, đảm bảo công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế.

Sòng phẳng lợi cả đôi đàng. Sòng phẳng chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo đồng thuận trong xã hội về nghĩa vụ thuế, gieo niềm tin thu - chi của ngân sách quốc gia không quá căng thẳng, Nhà nước không quá tận thu.

Có đồng thuận, người dân chia sẻ, Nhà nước thuận lợi khi ban hành và thực thi các luật thuế.

Vậy tới đây phải sòng phẳng như thế nào? Với người nộp thuế, đó là Bộ Tài chính phải chủ động điều chỉnh giảm trừ gia cảnh kịp thời.

Là phải tính đúng, tính đủ để đảm bảo mức sống của người chịu thuế. Là rà soát và đề xuất Quốc hội xem xét lại biểu thuế suất thuế thu nhập cá nhân được xem là có mức điều tiết thuế quá cao.

Là phải nới tay hơn với các khoản giúp nâng cao chất lượng sống của người lao động như mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí...

Các ý nguyện để đạt được sự sòng phẳng về thuế thu nhập cá nhân được nhiều chuyên gia góp ý trên Tuổi Trẻ. Chỉ có lắng nghe, Bộ Tài chính mới đặt những viên gạch vững chắc cho mục tiêu sòng phẳng với người nộp thuế.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên