17/04/2022 06:58 GMT+7

Sông Sài Gòn lướt đi trong ánh sáng

KTS ĐẶNG QUỐC TRỤ
KTS ĐẶNG QUỐC TRỤ

TTO - Muốn sông Sài Gòn "sống động" trong suy nghĩ và văn hóa đời sống của cư dân đô thị TP.HCM thì không thể chỉ tuyên truyền, mà phải làm sao để người dân có cơ hội tiếp cận sông, hưởng được các giá trị sông một cách trực tiếp, trực quan.

Sông Sài Gòn lướt đi trong ánh sáng - Ảnh 1.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua quận 1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chỉ có tiếp cận tiện lợi và trực quan hưởng thụ các giá trị của sông, hình ảnh của sông mới có thể len lỏi và trở thành một phần trong đời sống tinh thần của cư dân đô thị.

Và khi càng nhiều người quan tâm đến sông, nhận thức giá trị vô cùng quý giá của sông thì sẽ tạo thành một xu thế của xã hội đầu tư phát triển nâng cao các giá trị đó. Và khi càng có nhiều người đầu tư trí tuệ, tiền bạc, công sức... thì sự phát triển của khu vực sông sẽ càng đi về hướng đúng đắn, tốt đẹp hơn và mang đến những giá trị to lớn hơn nữa.

Vì thế, phương hướng tôi đề xuất để phát triển con sông là: Tạo sức hút để ngày càng nhiều người quan tâm đến sông, và như một hệ quả, sự quan tâm đủ nhiều sẽ dẫn đến sự phát triển.

Tôi đề xuất có 3 bước thực thi:

1. Làm cho mọi người nhìn thấy viễn cảnh một con sông đẹp, hấp dẫn và có nhiều lợi ích (kinh tế + xã hội). Đây là bước đầu tiên để khơi gợi sự quan tâm chú ý của xã hội đến con sông.

2. Thu hút càng nhiều người đến sinh hoạt tại khu vực không gian ven bờ sông càng tốt.

Để làm việc này, chúng ta phải xác định rõ các loại hình hoạt động nào sẽ thu hút mọi người đến đây; các tiêu chí nào về quy hoạch giao thông, xây dựng giúp việc tiếp cận thuận tiện; các nhân tố nào giúp người tham quan, sinh hoạt sẽ dành nhiều thời gian ở lại khu vực...

Bước này được xem là bước thăng cấp sự quan tâm thành sự tham gia thụ hưởng trực tiếp.

3. Từng bước phân kỳ thu hút và cho phép sự đầu tư của các thành phần xã hội quan tâm đến sự phát triển của con sông theo viễn cảnh quy hoạch đã lập.

Khi tham gia đầu tư phát triển, bên cạnh việc hưởng thụ các lợi ích kinh tế, nhà đầu tư cần có giải pháp giữ gìn bảo vệ môi trường, hệ sinh thái khu vực sông cũng như nâng cao văn hóa văn minh cộng đồng xã hội. Sự cân bằng giữa 3 nhân tố: bảo vệ môi trường sinh thái, văn minh đô thị và kinh tế là mấu chốt vô cùng quan trọng.

Cần thực hiện quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan cho hai bên bờ sông: cần nhất là phải tạo ra một viễn cảnh đẹp mà người dân không chỉ có hưởng thụ cảnh quan sinh thái, hoạt động công cộng tốt cho sức khỏe, tinh thần mà còn có thể thu được lợi ích kinh tế khi nhìn vào quy hoạch.

Quy hoạch cần đảm bảo sự tiện lợi khi tiếp cận, có đủ các chức năng cần để việc sinh hoạt cộng đồng đảm bảo vệ sinh, an toàn, tiện lợi và thu hút: ví dụ cần có khu vệ sinh công cộng, khu gửi xe, khu trú mưa nắng, khu bán hàng ăn uống nhẹ, khu vực trưng bày triển lãm, vận động, dạo ngắm cảnh...

Cần thực thi một hành động mấu chốt nhằm kích hoạt/thúc đẩy sự phát triển. "Đầu tư làm đèn chiếu sáng dưới mặt nước hai bên ven bờ sông". Điện cho hệ thống đèn chiếu sáng này có thể dùng từ điện mặt trời vốn rất thuận tiện lắp đặt cho các không gian trống trải và rộng lớn của sông và bờ sông.

Việc đầu tư này có 2 lợi ích:

- Tạo không gian an toàn và hấp dẫn hơn cho các hoạt động ban đêm: sông thường đẹp ban ngày nhưng lại tối đen về đêm tạo một cảm giác sâu hút, nguy hiểm.

Ánh sáng chiếu dưới mặt nước giúp mở rộng không gian cảm nhận khi về đêm, khiến tầm nhìn trong đêm được mở rộng một phần ra phía mặt sông tạo cảm giác an toàn rộng hơn.

Hơn nữa, khi chiếu sáng như vậy sẽ giúp không gian con sông nhìn lung linh hấp dẫn về đêm, tạo ra những dãy ánh sáng đẹp, thu hút khi nhìn từ trên bờ hay nhìn về phía bờ đối diện.

- Tạo nét viền ánh sáng cho dòng sông: Nhìn từ trên không trung hoặc từ các nhà cao tầng có view nhìn ra hướng sông, dòng sông sẽ được định hình bởi đường viền lung linh như một dãy sáng huyền diệu.

Nếu được thực thi thành công, tôi tin rằng hình ảnh dòng sông Sài Gòn sẽ càng trở nên lung linh không chỉ trên bình diện cảnh quan đô thị mà còn cả trong tâm trí đời sống tinh thần của cư dân.

Đồng thời, sông sẽ trở thành điểm nhấn ấn tượng trong mắt khách du lịch: hình ảnh một cung đường cong ánh sáng tuyệt đẹp được nhìn xa từ không trung, hình ảnh dãy ánh sáng hòa mặt nước lung linh khi đứng nhìn trực diện từ trên bờ chắc chắn sẽ để lại dấu ấn đậm nét trong tâm trí, và hơn thế nữa, nếu có bước lên một tàu nhỏ dạo đêm trên sông, đó thực sự là một lần lướt trên dãy ánh sáng để du hí nhân gian…

Sông Sài Gòn lướt đi trong ánh sáng - Ảnh 2.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Bảo tồn và phát triển Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Bảo tồn và phát triển

TTO - Tôi đề xuất khu vực sông Sài Gòn và hành lang ven sông cần bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của vùng đất song song phát triển kinh tế bền vững.

KTS ĐẶNG QUỐC TRỤ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên