Sống trong thời online 24/24 và điện thoại thông minh (phải) cài nhiều ứng dụng nhắn tin khác nhau, người ta đang ao ước được trở lại những ngày đầu của việc chat qua mạng, khi còn có thể "treo biển đi vắng", mặc ai muốn tìm thì tìm, ta đây không tiếp.

Một buổi chiều cuối tuần, bạn mở điện thoại để kiểm tra tin nhắn người thân nhưng thứ đập vào mắt lại là cảnh tượng chán chường: ở đầu danh sách các cuộc trò chuyện mới nhất trên ứng dụng nhắn tin là tên và ảnh đại diện của sếp, bên cạnh dòng trạng thái "đang gõ…".

Một cuộc đấu tranh nội tâm nổ ra: Mình có được mong đợi là phải trả lời ngay không? Có thể đợi đến thứ hai không?


Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 1.


Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 2.

"Chào mừng đến với ứng dụng nơi bạn giao tiếp với sếp, thợ sửa ống nước, bà ngoại, bác sĩ và khách hàng - tất cả cùng lúc" - nhóm tác giả Isabel Migoya-Iriso và Mia Armstrong viết trên tạp chí Slate.

Với hàng triệu người làm công ăn lương trên khắp thế giới, mô tả này quen thuộc đến ám ảnh, dù ứng dụng mà bạn nghĩ đến trong đầu là WhatsApp, Messenger, Skype, Telegram, Zalo hay Viber.

Tại một số quốc gia, nhất là những nước đang phát triển, việc sử dụng (và lạm dụng) mạng xã hội như một công cụ phục vụ công việc là hiện tượng phổ biến bất kể ngành nghề. Đơn cử như tại Mexico, nền tảng WhatsApp được sử dụng để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè nhưng cũng là kênh kết nối chính với các mối quan hệ công việc và xã hội.

Ban quản lý chung cư có thể thông báo lịch cúp nước trên nhóm chat WhatsApp của tòa nhà, và bạn phải hết sức thận trọng để không gửi nhầm tin nhắn dành cho bạn bè vào nhóm chat có cả sếp.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 3.

Ở đây, chuyện đồng nghiệp gửi tin nhắn qua mạng xã hội để nhắc bạn kiểm tra hòm thư điện tử xảy ra như cơm bữa. "Trên WhatsApp, không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống" - bài viết của Slate nhấn mạnh.

WhatsApp ra đời vào thời điểm mà giá cước viễn thông tại Mexico là không rẻ. Mang đến một giải pháp thay thế hoàn toàn miễn phí cho tin nhắn SMS truyền thống, WhatsApp nhanh chóng trở thành "ứng dụng của mọi nhà" tại quốc gia Bắc Mỹ này.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 4.

Vấn đề với WhatsApp và một số app gắn liền với số điện thoại cá nhân khác là ranh giới giữa công việc và cuộc sống cũng vì thế mà bị xóa nhòa.

Cái giá của sự thuận tiện trong liên lạc là phải chấp nhận tự nguyện dâng hiến thời gian rảnh vào cuối tuần, ngày nghỉ và sau giờ làm cho công việc.

"Nếu bạn có thể online để trò chuyện với người yêu mình vào một buổi tối thứ tư, tức là bạn cũng có thể trả lời tin nhắn của đồng nghiệp" - các tác giả của Slate nhận xét.

Tất nhiên bạn có thể lựa chọn phớt lờ những tin nhắn kém duyên ấy, một số nơi như Pháp đã luật hóa quyền không kiểm tra email công việc ngoài giờ làm, nhưng thực tế là những tin nhắn chưa đọc vẫn được làm nổi bật về mặt thị giác trên các app chat như một lời nhắc nhở đầy ám ảnh về núi công việc bạn chưa hoàn thành.

Chuyện xử lý công việc thông qua những ứng dụng nhắn tin phổ thông cũng có nguy cơ lợi bất cập hại: nhắn cho đồng nghiệp một câu hỏi nhanh thay vì phải mất công soạn email nghe thì tiện nhưng thật ra khó mà tập trung vào một tác vụ khi cứ nghe âm báo tin nhắn liên tục mà không cách nào phân biệt đó là đồng nghiệp hay bạn bè.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 5.

Nhớ lại những năm cuối thập niên 1990, phần mềm AOL Instant Messenger (AIM) là công cụ nhắn tin tức thời mới mẻ lúc bấy giờ, là sự khởi đầu của một điều gì đó hoàn toàn lạ lẫm, một cánh cổng mở ra khả năng giao tiếp Internet mọi lúc mọi nơi cho những người dùng phổ thông.

"Nó còn là một mạng xã hội sống động. Một cánh cửa kỹ thuật số mở ra và hàng triệu người tranh nhau ngồi vào chỗ của mình để xem ai vừa đăng nhập, ai đang rảnh để cùng ta chuyện trò" - tác giả Lauren Goode viết cho tạp chí Wired.

Một trong những tính năng mà Goode nhớ nhất về AIM là khả năng thiết lập "away message" (tin nhắn đi vắng). "Mình không ngồi máy", "Mình đang ở trong lớp", "Ba mình đang xài máy"... là những dòng trạng thái gợi lại ký ức thời trẻ của nhiều người.


Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 6.

"Có lẽ tôi nhớ sự mới mẻ của Internet những năm 1990, và tôi cũng nhớ việc cho phép bản thân… đi vắng" - Goode viết. Tính năng away message chỉ là những dòng mã lệnh đơn giản nhưng đã giúp dựng lên vách ngăn đối với tình trạng sẵn sàng hầu chuyện của chúng ta trên mạng. Nó là một giới hạn cần thiết nhưng đang ngày một thiếu vắng trong các ứng dụng nhắn tin hiện đại sau này.

WhatsApp có tính năng tắt thông báo, Skype hay ứng dụng chat công sở Slack cũng cho phép thiết lập "trạng thái" - thứ có thể xem là giống nhất với away message năm xưa.

Nhưng chúng không phải là dải phân cách kiên cố giữa ta với những tin nhắn không mong muốn, mà chỉ là những cọc tiêu giao thông bằng nhựa phản quang mỏng manh: tác dụng cảnh báo thì có đấy, nhưng ai muốn thì vẫn có thể ủi qua dễ dàng. Âu cũng là do cách ta hành xử trên Internet ngày nay khác nhiều so với mươi năm trước.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 7.

Justin Santamaria, cựu kỹ sư trưởng của Apple và là người đứng sau ứng dụng nhắn tin iMessage mặc định trên các điện thoại iPhone, cho rằng nếu các cuộc điện thoại truyền thống thường bắt đầu bằng câu mào đầu "bạn có đang rảnh không?" như một cách tế nhị để cho phép người ở đầu dây bên kia từ chối cuộc trò chuyện, thì phép lịch sự này gần như đã biến mất khi văn hóa nhắn tin lên ngôi.

"Chúng ta cứ gửi tin nhắn mà chẳng cần cân nhắc. Làm phiền người khác là lựa chọn mặc định" - anh Santamaria nói với Wired.

Liệu có ai trong chúng ta dừng lại suy nghĩ rằng người mình sắp nhắn tin dường như đang tắt thông báo không? "Tôi nghĩ là không. Trái lại, chúng ta có xu hướng xem đó là một tín hiệu cho thấy nhắn tin ngay thời điểm đó lại càng không vấn đề gì, vì dù gì người ta cũng đâu bị làm phiền (khi đã tắt thông báo)" - anh Santamaria nói dí dỏm. Và thế là trừ khi tắt máy, ngắt mạng, ta sẽ không bao giờ thoát khỏi những tin nhắn.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 8.

Phải đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cô Sarah O’Dell (45 tuổi) mới phát hiện sức hấp dẫn của các nhóm chat trực tuyến. Mắc kẹt trong nhà tại một thị trấn nhỏ ở bang Connecticut (Mỹ) cùng chồng và hai con, cô xem các cuộc buôn chuyện bất tận trên điện thoại là sự phân tâm cần thiết, lại giúp trao đổi thông tin và hỗ trợ tinh thần lẫn nhau trong lúc khó khăn.

Nhóm chat 6 thành viên của O’Dell thảo luận mọi chủ đề trên trời dưới đất, từ sách báo, phim ảnh, nỗi lo lắng về cha mẹ lớn tuổi, cảnh báo những kẻ biến thái xuất hiện trong khu phố cho đến những tâm sự sâu lắng bất kể giờ giấc. Nhưng đó là chuyện quá khứ.

O’Dell bắt đầu nhận thấy những câu bông đùa hay chuyện phiếm trên nhóm chat thưa dần kể từ khoảng tháng 8-2021, khi mọi người bắt đầu "ngấm đòn" sau gần 2 năm sống chung với dịch. Đã có thời điểm cô lo lắng tự hỏi: "Chẳng lẽ đây là kết thúc sao?".

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 9.

Câu trả lời dành cho nhiều nhóm chat tương tự như của O’Dell là "đúng vậy".

Giống như rất nhiều thứ trong cuộc sống bình thường mới, những nhóm chat mọc lên trong dịch đang trải qua một quá trình sàng lọc khắc nghiệt mà kết quả là dù từng náo nhiệt đến đâu thì cuối cùng mọi cuộc trò chuyện rồi cũng phải đi đến hồi kết.

"Các nhóm chat xuất hiện và giữ chúng ta ở bên nhau trong những ngày đầu phong tỏa đã trở nên yên tĩnh hơn khi mọi người được ra khỏi nhà, tương tác giữa người và người thay đổi và mọi người đã chán ngán chuyện phàn nàn mãi về một chủ đề cũ" - tác giả Lauren Mechling viết trên The New York Times. Các nhóm chat, cũng như mọi cuộc trò chuyện ngoài đời, vốn dĩ không thể tiếp diễn mãi mãi.

Cứ thử cuộn giao diện ứng dụng đến những tin nhắn cũ hơn, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy những cuộc hội thoại đã chìm sâu vào quên lãng như nhóm chat để bàn chuyện đi chơi cùng hội bạn cấp 3 hoặc tổ chức tiệc sinh nhật bất ngờ cho một người trong nhóm.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 10.

Không cần có cãi vã hay lục đục nội bộ, tin nhắn cứ thế thưa dần, đến một ngày thì dừng hẳn, rồi chẳng ai thèm đoái hoài đến chúng nữa.

Nhưng thoát khỏi những nhóm chat mà ta hết hứng thú tưởng dễ mà không dễ. Về mặt thao tác, chỉ vài cái chạm màn hình là đủ.

Nhưng ra đi không lý do hay lời từ biệt có thể bị xem là khiếm nhã, thậm chí khiến người ở lại hoang mang không biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.

Một lựa chọn khác tế nhị hơn là tắt thông báo tin nhắn đối với những nhóm chat mà bạn không còn muốn dự phần.

Nhưng cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Một ngày nọ, chị Philyaw phát hiện các thành viên nhóm chat cũ đã lập một nhóm mới không có chị để tiếp tục trò chuyện sau khi biết việc chị làm.


Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 11.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 12.

Giới nhân viên văn phòng chắc hiểu hơn ai hết về nỗi phiền toái khi cả ngày phải sống trong các nhóm chat vì tính chất công việc.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 13.

Khánh Vân (25 tuổi) đang làm nhân viên quản lý dự án cho một công ty quảng cáo (agency) tại quận Bình Thạnh (TP.HCM).

Vì tính chất công việc là làm mắt xích giữa agency và khách hàng, mỗi dự án Vân phải tham gia ít nhất 3 nhóm chat: một nhóm chung giữa các nhân viên dự án và đội ngũ của khách hàng; một nhóm với trưởng bộ phận phía agency và lãnh đạo phía bên khách để chốt đề xuất, phương án, chiến lược; một nhóm nội bộ các thành viên thuộc agency để triển khai các đầu việc.

Có bao nhiêu dự án, số lượng nhóm chat Vân đeo bám sẽ được nhân lên tương ứng. Với 6 dự án đang triển khai, điện thoại của Vân liên tục nhấp nháy từ sáng đến tối với tin nhắn từ 18 nhóm chat khác nhau. Nhiều ngày, cô chỉ làm duy nhất chuyện đọc và phản hồi những thắc mắc liên tục trong các nhóm, và khi cả 18 nhóm không còn câu hỏi gì nữa thì đã hơn 19h.

Lại có hôm khách hàng ở Nhật mới 5h sáng đã nhắn đích danh cô, yêu cầu phía agency phải chỉnh sửa gấp một bài viết. Cũng có ngày tới tận 23h, khách phát tín hiệu SOS vào nhóm chat vì đối thủ "tấn công" đánh giá 1 sao cho fanpage.


Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 14.

"Quay cuồng" trong các nhóm, Vân nói cô buộc phải đọc hết mọi tin nhắn dù có những nội dung không liên quan. Là đầu mối của agency để khách hàng liên hệ trong suốt dự án, Vân phải nắm từng chi tiết để có thể trả lời nhanh những câu hỏi bất thình lình từ hai phía.

"Ngay cả khi các thành viên nội bộ của khách đã tranh cãi quyết liệt đến mức nặng lời với nhau, dù không liên can nhưng mình cũng phải đọc để biết chuyện gì đang xảy ra, liệu có ảnh hưởng tới dự án chung hay không" - cô nói.

Vì tham gia quá nhiều nhóm chat, công việc của Vân rất dễ bị ứ đọng; cô thường phải làm những đầu việc chính như viết báo cáo, hợp đồng, gửi email vào buổi tối hoặc "dùng ngày chủ nhật để "dọn kho", xử lý nốt những đầu việc chưa hoàn thành.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 15.

Anh Nguyễn Hiển (26 tuổi, ngụ quận 4) từng cảm thấy "sốc vô cùng" ngay sau khi nhận việc tại Viện Đào tạo quốc tế thuộc một trường đại học chuyên ngành kinh tế ở TP.HCM cũng vì có quá nhiều nhóm chat hoạt động mỗi ngày.

Chỉ riêng trong bộ phận marketing đã phát sinh cả chục thứ: nhóm toàn thể, nhóm nhân viên cùng trưởng phòng và phó phòng, nhóm nhân viên và trưởng phòng nhưng không có phó phòng, nhóm nhân viên và phó phòng nhưng không có trưởng phòng, nhóm chỉ có nhân viên…

"Khi có dự án cụ thể, chẳng hạn truyền thông cho một dự án du học, các bạn lại tạo thêm những nhóm riêng. Mình làm mảng nhân sự nên phải để mắt các nhóm này" - Hiển nói.

Trước đây khi đầu quân cho một doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự quốc tế tại TP.HCM và doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Bến Tre, mỗi nơi Hiển chỉ "cư ngụ" trong hai nhóm chat, một nhóm lớn cho toàn phòng ban nhân sự và một nhóm nhỏ hơn chỉ dành riêng cho mảng tuyển dụng.

Những gì cần trao đổi, mỗi nhân viên sẽ lên tiếng trong nhóm chung hoặc nhắn tin trực tiếp từng người, không tạo nhóm lẻ. Những nội dung cần thông báo trang trọng sẽ gửi bằng email.


Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 16.


Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 17.

Anh Nguyễn Quốc Bảo - trưởng bộ phận marketing phát triển tại Công ty FireGroup - chia sẻ bí quyết để không "chết vùi trong chat": phân loại các nhóm theo từng cấp độ - rất quan trọng, quan trọng và thông thường.

Giữa các nhóm trong cùng một loại, chẳng hạn "rất quan trọng", anh tiếp tục chẻ nhỏ thành những "việc gấp" và "việc không gấp". Đầu ngày, anh sẽ kiểm tra một lượt tất cả các tin nhắn theo thứ tự kể trên. Những việc gấp trong các nhóm rất quan trọng sẽ được ưu tiên giải quyết.

"Sau một thời gian, mình sẽ rút dần khỏi những nhóm "thông thường" để tránh nhiễu thông tin" - anh Bảo nói.

Nhiều người không chọn cách thoát nhóm chat, mà chuyển sang chế độ "read-only" (chỉ đọc). Anh Minh Thông (25 tuổi), hiện là nhân viên kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu ở quận 7, cho biết trong các nhóm chat ở công ty anh, chỉ có khoảng 3 - 4 thành viên "thường trực" thường lên tiếng, nêu ý kiến. Phần đông sẽ không nói gì cho tới khi được gắn thẻ (tag).


Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 18.

Tâm lý trên vô tình dồn áp lực phải trả lời tin nhắn cho một số người đứng đầu một bộ phận hay một dự án.

Cũng vì vậy, Minh Thông kể anh có nhiều lúc stress vì bị tag tên quá nhiều. Lắm khi bị "thập diện mai phục", vừa bị sếp "gí" vừa được nhân viên nhắc tên, anh mặc kệ, tắt hết WiFi và 4G mặc cho các nhóm chat liên tục réo gọi.

"Phải một lúc sau khi ổn định, mình mới mở các ứng dụng để lần lượt phản hồi. Mình nghiệm ra không thể thoát khỏi các nhóm chat ấy, bởi khi bạn đã là một phần quan trọng, các bộ phận cần tiếng nói của bạn trong nhóm để mọi việc có thể vận hành trơn tru" - anh nói.

Sống trong chat, chết vùi trong chat - Ảnh 19.


HOA KIM - TRỌNG NHÂN
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên