Sử bịa cùng AI

HOA KIM 06/07/2023 06:58 GMT+7

TTCT - Thêu dệt lịch sử không còn là phép tu từ, mà đã là thực tại mà ta đang sống cùng.

Ảnh do AI tạo về "dịch hạch xanh" ở Liên Xô.

Ảnh do AI tạo về "dịch hạch xanh" ở Liên Xô.

Thay vì nhờ AI vẽ lịch sử với chữ "nếu", nhiều người lại tận dụng sức mạnh của chúng để ngụy tạo những tấm ảnh "tư liệu lịch sử" rất thuyết phục với nhiều mục đích từ giải trí, giáo dục cho đến lừa bịp. 

Thách thức trí nhớ

Từng có trận động đất kinh hoàng tàn phá bờ tây khu vực Bắc Mỹ năm 2001, bệnh dịch hạch xanh càn quét Liên Xô vào thập niên 1970, hay cơn bão mặt trời gây cúp điện diện rộng ở Mỹ năm 2012? Đó là thắc mắc của nhiều người khi nhìn vào những hình ảnh được cho là ghi lại các thảm họa lịch sử trên kênh Reddit chính thức của Midjourney - nơi người dùng khoe những sản phẩm do AI tạo ra.

Khung cảnh quan chức trả lời ký giả trước đống đổ nát của tòa thị chính, một người phụ nữ quỳ sụp xuống nền đất tan hoang và ôm mặt đau đớn sau thảm kịch, hay quân đội đi giữa cánh đồng nhuốm đầy màu xanh của vi rút bệnh dịch như được cắt ra từ những trang báo.

"Tổng thống Obama phát biểu trước toàn quốc vào tối 17-7. Các công tác chuẩn bị đang được thực hiện trên cả nước để giảm thiểu tác động dự kiến đối với lưới điện" - dòng chú thích của một bức trong loạt ảnh về bão mặt trời năm 2012 viết. 

"Cực quang lần này là một trong những cực quang mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Vương quốc Anh, và là lần đầu tiên chúng được nhìn thấy ở London kể từ sự kiện mặt trời Carrington năm 1859" là dòng chữ bên dưới một tấm ảnh khác ghi lại cực quang xuất hiện trên bầu trời cung điện Westminster.

Chỉ mất chút thời gian gõ những thông tin trên lên các công cụ tìm kiếm phổ biến là có thể xác nhận chúng hoàn toàn không có thật, chưa từng xảy ra, và tất nhiên cũng không có tài liệu sử sách nào ghi lại. Kiểm chứng thông tin nghe có vẻ là phản xạ tự nhiên trong thời buổi tin giả tràn lan, nhưng đó là khi ta đã biết trước chúng là hình ảnh do AI sáng tác.

Nếu vô tình lướt thấy những hình ảnh này trên mạng xã hội kèm theo thông tin mô tả cố tình đánh lừa người đọc, thử hỏi mấy ai trong chúng ta có đủ sự nghi ngờ và óc tò mò để cất công đi tìm thêm thông tin, hay sẽ xem như đó là một sự thật lịch sử thú vị mà mình vừa học được trên mạng? 

Câu trả lời của nhiều người, bao gồm tác giả, có lẽ sẽ là vế thứ hai. "Tôi cảm thấy Midjourney đã làm rất tốt trong việc nắm bắt được cái thần của những thước phim tin tức đầu năm 2010 hoặc các bức ảnh chụp cực quang xuất hiện bên trên những địa điểm nổi tiếng" - tài khoản Arctic_Chilean, chủ nhân loạt ảnh bão mặt trời, viết trong phần bình luận bên dưới bài đăng của mình trên Reddit.

"Ảnh tư liệu" về sự kiện con ngựa lớn nhất lịch sử, đăng trên Facebook Historical Photos.

"Ảnh tư liệu" về sự kiện con ngựa lớn nhất lịch sử, đăng trên Facebook Historical Photos.

Dĩ độc trị độc

Trong một bài đăng khác, người dùng Jordan Rhone khoe 4 bức ảnh ghi lại "hậu trường" dàn dựng cảnh phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng. Đây là một trong những thuyết âm mưu phổ biến (nhưng sai bét), thu hút một lượng lớn người tin rằng việc Mỹ lần đầu đưa con người lên Mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 11 năm 1969 chỉ là một cú lừa, và thực tế những tấm ảnh từ sự kiện này được chụp trong studio.

Trái với những tin giả vô thưởng vô phạt kiểu "không tin thì tốt, tin cũng chẳng sao" như ở trên, bên dưới bài đăng của Jordan Rhone một số người dùng để lại bình luận bày tỏ lo ngại rằng những hình ảnh này dù chỉ là đùa vui nhưng có thể bị lạm dụng làm công cụ để những người cổ xúy thuyết âm mưu phát tán thông tin sai lệch với bằng chứng thuyết phục. "Lại một ví dụ nữa về cách Midjourney sẽ thúc đẩy các thuyết âm mưu. Tôi đang sống trong thời gì thế này" - một người dùng bình luận.

Tuy nhiên, chủ nhân những tấm hình cho rằng mục tiêu của anh chính là châm biếm những người tin vào thuyết âm mưu và cho họ thấy niềm tin của mình phi thực tế ra sao. Theo Rhone, hiện nay thuyết âm mưu sở dĩ phổ biến vì chúng chỉ dừng lại ở mức là chuyện phiếm truyền miệng giữa những người cùng quan điểm và thường thiếu kiến thức.

Thấy tận mắt những gì mình tin vào được thể hiện qua hình ảnh trào phúng sẽ khiến họ nhận ra mình đang là trò cười cho thiên hạ và khiến họ im lặng. "Tôi hoàn toàn tin rằng càng nhiều người minh họa bằng hình ảnh các thuyết âm mưu thì càng ít người tin vào chúng. Nếu bạn cho họ thấy những gì họ luôn muốn xem thì nó sẽ không còn phù hợp với phiên bản cường điệu được vẽ ra trong chính tâm trí họ" - Rhone giải thích với trang Vice.

Trong thực tế, hiệu ứng mà Rhone mong đợi có thể còn xa vời khi vẫn có nhiều người bị đánh lừa bởi những hình ảnh do AI tạo ra. Cách đây không lâu, hình ảnh Đức Giáo hoàng Francis tản bộ trong bộ vía như bước ra từ sàn diễn thời trang với áo khoác phao trắng toát mang phong cách nhà tạo mốt Balenciaga khiến không ít người tin ngay từ cái nhìn đầu tiên. 

"Tôi đã nghĩ chiếc áo khoác phao của Đức Giáo hoàng là thật và không mảy may nghi ngờ. Chắc tôi không sống sót nổi trong thế giới công nghệ của tương lai mất thôi" - người mẫu Chrissy Teigen viết trên Twitter.

Tháng 3-2023, Eliot Higgins - người đồng sáng lập nhóm báo chí điều tra Bellingcat - đưa lên Twitter một số hình ảnh trông giống như cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đang chống cự trong lúc bị một nhóm cảnh sát vây bắt bên ngoài một tòa nhà. 

Bài đăng của Higgins không đi kèm bất kỳ chú thích nào. Dựa vào uy tín cũng như nghề nghiệp của ông, nhiều người theo dõi đã tin rằng cuộc bố ráp đó là thật mà không nghĩ rằng chúng do AI tạo ra và được chia sẻ với mục đích châm biếm.

Ảnh giả về Giáo hoàng Francis.

Ảnh giả về Giáo hoàng Francis.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận