12/01/2021 15:38 GMT+7

Sửa điều kiện để thu hút nhà đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng dự thảo sửa nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ vì còn nhiều điều chưa phù hợp với thực tế, bổ sung danh mục công nghiệp hỗ trợ phù hợp với xu thế phát triển của doanh nghiệp.

Sửa điều kiện để thu hút nhà đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp FDI tham gia đóng góp chính sách tại hội nghị - Ảnh: T.V.N.

Ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết hiện Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng dự thảo sửa nghị định 111/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ vì "còn nhiều điều chưa phù hợp với thực tế nên cần sửa, cũng như bổ sung danh mục công nghiệp hỗ trợ phù hợp với xu thế và thực tế phát triển đối với doanh nghiệp hơn".

Ông Tuấn Anh phát biểu như vậy tại hội nghị "Cải cách cơ chế chính sách và quy định hành chính nhằm phát triển ngành da giày túi xách Việt Nam", do Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức ngày 12-1.

Trong đó, việc xây dựng nhiều chính sách nhằm giúp doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi, "ví dụ như hỗ trợ 50% tối đa mức vay tín dụng khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cũng được đề nghị đưa vào dự thảo xem xét", ông Tuấn Anh nói.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch Lefaso, cho hay ngành da giày, túi xách chịu tác động rất lớn từ dịch COVID-19 khi cơ cấu sản xuất giày dép của Việt Nam đến 95% sản lượng dành để xuất khẩu, trong đó hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU chiếm đến 70% tổng sản lượng xuất khẩu của cả ngành. Do đó, không chỉ nhà mua hàng thay đổi phương thức đặt hàng mà nhà cung cấp cũng phải thay đổi năng lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao hàng.

"Nhà cung ứng cần đáp ứng tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và lao động. Nâng cao kỹ năng lao động. Chấp nhận đơn hàng nhỏ. Còn nhà mua hàng hiện nay đặt yêu cầu rất cao về việc nhà cung ứng phản ứng nhanh trước nhu cầu của thị trường, chú trọng hàng cơ bản, tối giản, chỉ tập trung vào nguyên vật liệu và chất lượng", bà Xuân chia sẻ.

Thậm chí, theo bà Xuân, nhà cung ứng "phải chấp nhận và đáp ứng điều kiện khắc nghiệt hơn", trong đó thời gian giao hàng rút ngắn 30%, giá FOB giảm, minh bạch chuỗi cung ứng để người mua kiểm soát chuỗi, có khả năng làm nhiều phương thức để đáp ứng các nhãn hàng, mặt hàng khác nhau… dần trở nên phổ biến.

Lefaso cũng cho biết giá trung bình xuất khẩu giày dép của Việt Nam được Hiệp hội Giày dép thế giới ghi nhận cao gần 1,7 lần so với giá trung bình thế giới (khoảng 16,64 USD/đôi), trong khi cao nhất thuộc về EU 26,5 USD/đôi.

Năm 2020, toàn ngành da giày, túi xách Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 20 tỉ USD, giảm gần 11% so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu trở về mốc của năm 2018.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên