04/08/2022 21:15 GMT+7

Sửa Luật đất đai, chưa tính tới việc cho người nước ngoài mua quyền sử dụng đất

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Từ xưa đến nay chưa bao giờ Luật đất đai mở cho người nước ngoài được tiếp cận và có quyền sử dụng đất. Luật nhà ở và Luật đầu tư quy định rõ các liên doanh thực hiện dự án sử dụng đất thì vốn đầu tư nước ngoài dưới 49%.

Sửa Luật đất đai, chưa tính tới việc cho người nước ngoài mua quyền sử dụng đất - Ảnh 1.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và môi trường lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật đất đai sửa đổi - Ảnh: B.NGỌC

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết tại hội thảo góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi, do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức chiều 4-8 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, một số nhà đầu tư đã đề cập tới việc cấp quyền sử dụng đất cho người nước ngoài trong sửa đổi luật lần này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm đây là vấn đề không chỉ Việt Nam, nhiều nước đã gặp phải, thậm chí có nước ban đầu rất mở, rất khuyến khích, giờ phải thu lại. Vì thế, sửa đổi Luật đất đai lần này không bàn đến tương lai rộng hơn.

Theo ông, việc sửa đổi Luật đất đai nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cả Nhà nước, người dân, doanh nghiệp đều thống nhất phải sửa bộ luật này để phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Đất đai là tài nguyên đặc biệt, phải nhìn nhận ở góc độ tài nguyên chứ không chỉ là bất động sản.

Góp ý dự thảo luật tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - bày tỏ thông cảm với cơ quan soạn thảo luật vì đây là bộ luật phức tạp. 

Theo ông Hiệp, có hàng trăm dự án bất động sản đang đắp chiếu vì vướng các quy định pháp luật hiện hành, trong đó có pháp luật về đất đai. Một dự án bất động sản liên quan tới 18 luật hiện hành, nên sự chồng chéo pháp luật trong triển khai dự án quá phổ biến, vướng cái nọ, cái kia nên dự án ách tắc. Trong đó, vướng nhiều nhất liên quan tới Luật đất đai và Luật đầu tư.

Việc sửa đổi Luật đất đai cần tránh tình trạng một vấn đề hai luật quy định khác nhau khiến cơ quan thực thi khó quyết định, ông Hiệp nêu.

Liên quan tới vấn đề bỏ khung giá đất, ông Hiệp cho hay trước Luật đất đai 2013 cứ 5 năm điều chỉnh khung giá đất một lần. Nhưng thực tế dự án nào cũng phải định giá đất 2 lần, cấp chuyên viên một lần, cấp lãnh đạo một lần. Giờ sửa đổi theo hướng mỗi năm ban hành 1 bảng giá đất là rất tiến bộ, tốt cho công tác đầu tư. Nhưng khái niệm hệ số biến động giá thị trường trong dự thảo luật rất khó hiểu, nên có quy định thật cụ thể để địa phương thực hiện.

Hơn nữa, dự thảo luật cần quy định rõ thế nào là giá thị trường vì hầu hết quan chức đều ngại, đến chủ tịch tỉnh cũng không dám quyết định vì khái niệm không rõ ràng trong luật.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - phó chủ tịch hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội - nhấn mạnh việc Luật đất đai phải giải quyết hài hòa nhiều mâu thuẫn trong xã hội nên rất khó.

Về các quy định liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo ông Tuyến, phải tính tới tính đặc thù địa phương, tính liên kết vùng miền. Cần kế thừa nguyên tắc này của Luật đất đai 2013. Nếu không địa phương nào cũng có cảng, sân bay, trường đại học, điều này làm phân tán nguồn lực, tạo cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư.

Đối với chủ trương bỏ khung giá đất và giao địa phương xây dựng bảng giá đất theo thị trường, ông Tuyến nhận định nếu không kiểm soát tốt thì sẽ mỗi nơi làm một kiểu.

Bày tỏ băn khoăn về chủ trương giao UBND cấp tỉnh quyết định giá đất, ông Tuyến nói chúng ta đã giao cho UBND cấp tỉnh rất nhiều quyền như cấp quyền sử dụng đất, quyền giao đất, thu hồi đất… nếu giao thêm quyền định giá đất (lập bảng giá đất hằng năm - PV) sẽ không khách quan. Nên có một cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh, độc lập với UBND cấp tỉnh.

Góp ý cho dự thảo Luật đất đai sửa đổi, ông Trương Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nhấn mạnh tình trạng khiếu kiện đất đai thời gian qua là do giải quyết không hài hòa lợi ích các bên.

Cùng một thửa đất ngày hôm trước đền bù 200.000 đồng/m2 nhưng ngay hôm sau quay lại giá đã tăng lên gấp chục lần. Nên nếu tiếp tục duy trì cơ chế trả cho người mất đất một khoản nhỏ theo giá của hội đồng định giá đất hiện nay, sẽ khó giảm được khiếu kiện đất đai.

Để giảm khiếu kiện đất đai, ông Tuấn gợi mở nên xây dựng cơ chế thu hồi đất mới, tạo điều kiện để người bị thu hồi đất cần trở thành một cổ đông trong dự án sử dụng đất. Theo đó, sẽ có 3 bên Nhà nước, người dân, nhà đầu tư đều là cổ đông dự án sử dụng đất đai. Cả Nhà nước và người dân đều nắm được nhà đầu tư làm gì với đất bị thu hồi. Và đương nhiên nhà đầu tư sẽ tính toán được lợi nhuận của họ khi làm dự án. Với cơ chế này tất cả cùng thắng nên sẽ giảm được khiếu kiện đất đai.

Tiếp thu các góp ý từ đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu góp ý đến ngày cuối cùng trước khi trình dự thảo luật lên Quốc hội.

Theo bộ trưởng, việc ban hành bảng giá đất thay cho khung giá hiện nay là đương nhiên vì khung giá nhiều khi chỉ bằng 1/10 giá thực tế. Vì thế, cần xây dựng bảng giá đất dựa theo dữ liệu giá đất trên thị trường, quan trọng là phải xây dựng được hệ thống dữ liệu về đất đai. Như vậy, mọi thửa đất đều có thể quy đổi, rõ ràng về giá rồi thì không khó khăn thu hồi đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đất xây condotel không phải đất ở

Đất ở và đất thương mại dịch vụ khác nhau, địa phương nào cấp cho nhà đầu tư (cấp sổ lâu dài cho nhà đầu tư condotel - PV) phải xem lại. Đất 50 năm vẫn cấp được sổ hồng, vẫn có thể mua bán, giao dịch. Và trong một dự án có thể có 30% đất ở, 70% đất thương mại dịch vụ, với điều kiện địa phương phải tuân thủ quy định về đầu tư hạ tầng với loại hình đất ở.

Sửa đổi Luật đất đai: Dự kiến bỏ khung giá đất, đẩy mạnh Sửa đổi Luật đất đai: Dự kiến bỏ khung giá đất, đẩy mạnh 'thương mại hóa quyền sử dụng đất'

TTO - Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang được xây dựng để thể chế hóa chủ trương như bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, thể chế hóa chủ trương "đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất".

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên