16/12/2012 07:38 GMT+7

Sửa quy định để tránh "mua đất hai lần"

D.NGỌC HÀ
D.NGỌC HÀ

TT - Ngày 15-12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi tọa đàm với các doanh nghiệp của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM về biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

LujRTpNr.jpgPhóng to
Kỹ sư Nguyễn Văn Đức, phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, phát biểu kiến nghị các giải pháp về thị trường bất động sản- Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Các doanh nghiệp cho rằng những trở ngại của thị trường BĐS TP.HCM hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường, bồi thường đất giá cao, chịu lãi suất ngân hàng cao...

Nên thu thuế bằng 15-20% giá đất

Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm nhất là tiền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước theo giá thị trường là quá cao, gần như doanh nghiệp phải “mua đất hai lần”. Một lần khi thỏa thuận bồi thường đất với người dân giá cao nhưng chỉ được khấu trừ giá thấp và một lần khi đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường cho Nhà nước.

Ông Phạm Đình Cường, cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho rằng kiến nghị của doanh nghiệp về việc “mua đất hai lần” đã phần nào được gỡ. Gần đây, cơ quan chức năng đã cho phép doanh nghiệp được khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp bằng với mức bồi thường và hỗ trợ đất nông nghiệp của những dự án tương đương (cộng thêm tiền hỗ trợ bằng 1-5 lần giá đất bồi thường). Như vậy, doanh nghiệp phần nào đã được nhẹ gánh tiền sử dụng đất.

Với tư cách là một chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng chuyện doanh nghiệp gần như phải “mua đất hai lần” là có thật. Ông Tuấn cho rằng: “Chúng ta đã đủ thời gian và số lượng vụ việc để đánh giá lại tác động của điều 11, nghị định 69 về giá đất đối với thị trường BĐS. Theo tôi, nên thay tiền sử dụng đất bằng thuế chuyển quyền sử dụng đất bằng 15-20% giá đất thị trường. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và giải quyết được nút thắt của thị trường BĐS”.

Ông Bùi Ngọc Tuân, cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên - môi trường), cho biết hiện nay Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu đánh giá để sửa đổi, bổ sung quy định về đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường của nghị định 69 và các quy định liên quan. Những kiến nghị của các doanh nghiệp và chuyên gia sẽ được nghiên cứu để đưa vào nội dung sửa đổi sắp tới.

Đề nghị cấm thu phí “ngăn bàn”

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay bằng lãi suất mà ngân hàng huy động tiền gửi tối đa cộng với 2,5-3% (phí quản lý). Đặc biệt, cấm các ngân hàng áp dụng các loại phí “ngăn bàn” (phí ngoài quy định) để làm khó doanh nghiệp.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng chỉ có các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp, hộ nghèo... mới được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi. Còn người dân vay để xây nhà, mua nhà, doanh nghiệp vay để kinh doanh thì phải chịu lãi suất theo cơ chế thỏa thuận với tổ chức tín dụng chứ Nhà nước không thể can thiệp lãi suất. Hiện nay, do tình hình thị trường cộng với mức lạm phát của nước ta còn cao nên lãi suất cho doanh nghiệp vay 17-20%/năm là quá cao. Để hạ lãi suất này, một mình Ngân hàng Nhà nước không quyết định được.

Các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều chính sách tài chính bất hợp lý mà họ phải chịu như khi xây dựng nhà ở xã hội phải đóng tiền hạ tầng trên dân số (5-10 triệu đồng/người dân tăng so với chỉ tiêu quy hoạch). Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng UBND TP.HCM không nên thu tiền hạ tầng trên đầu người này đối với các dự án nhà ở xã hội vì sẽ làm đội giá nhà ở và người nghèo, người thu nhập thấp khó mua được.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn lưu ý TP.HCM và các tỉnh không nên tính tiền sử dụng đất của các dự án dựa trên hệ số sử dụng đất sau khi có quy hoạch 1/500 mà nên tính dựa vào vị trí đất. “Doanh nghiệp không phải đóng tiền sử dụng đất cho diện tích đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài “giấy đỏ”, vì diện tích này phải giao lại cho Nhà nước quản lý. Nên miễn tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với diện tích nhà ở mà doanh nghiệp xây dựng xong nhưng chưa bán” - ông Tuấn nhấn mạnh thêm.

Giảm thu để tăng thu

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp là giảm thu để tăng thu. Tới đây sẽ có giải pháp tài chính cụ thể để giải quyết khó khăn cho thị trường BĐS, kèm theo đó là thị trường vật liệu xây dựng. Về mặt tổng cầu, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phát hành trái phiếu địa phương, TP.HCM đã phát hành thành công hơn 3.000 tỉ đồng, tới đây là Đà Nẵng, Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Việc huy động này nhằm tăng đầu tư phát triển. Chúng tôi cũng đề xuất giải pháp đẩy nhanh huy động vốn trái phiếu Chính phủ bảo lãnh để đầu tư quốc lộ 1 và quốc lộ 14, trong năm 2013 dự kiến là 6.000 tỉ đồng.

Chúng tôi đề nghị một gói hỗ trợ lãi suất liên quan đến thị trường vật liệu xây dựng với thuế suất 0% từ tín dụng đầu tư phát triển chứ không phải tín dụng thương mại, rồi chương trình nông nghiệp nông thôn, đường liên huyện, một số tỉnh lộ và ưu tiên cho chương trình bêtông hóa... Cụ thể và cách thức như thế nào chúng tôi sẽ tính toán để trình Chính phủ. Cái này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Tài chính đề xuất và Thủ tướng quyết định. Đây là những gói liên quan trực tiếp đến thị trường vật liệu xây dựng, cũng liên quan đến BĐS.

D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên