30/09/2018 16:47 GMT+7

Tác giả Lê Hồng Lâm: Phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận

MINH TRANG thực hiện
MINH TRANG thực hiện

TTO - Lợi thế của một cây bút chuyên viết mảng điện ảnh trong hơn 20 năm là cơ hội để Lê Hồng Lâm có dịp trải nghiệm, theo dõi sát sao dòng chảy điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ.

Tác giả Lê Hồng Lâm: Phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận - Ảnh 1.

Cha và con... xuất hiện trong cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất của tác giả Lê Hồng Lâm - Ảnh: ĐPCC

Có một điều thú vị là thời kỳ điện ảnh Việt Nam luôn là âm thịnh dương suy - những biểu tượng phụ nữ trong phim Việt luôn có sức ảnh hưởng lớn hơn nam giới, mà tên tuổi của họ đều được khán giả nằm lòng như Trà Giang, Như Quỳnh, Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi, Hồng Ánh, Đỗ Hải Yến, Ngô Thanh Vân...

Lê Hồng Lâm

Cuốn sách "tham chiếu" về điện ảnh dày dặn của anh - 101 bộ phim Việt Nam hay nhất - đã được gần 1.000 độc giả đặt mua khi sách chưa ra mắt.

Tuổi Trẻ trò chuyện cùng tác giả về bức tranh điện ảnh Việt, nhân dự án này vừa hoàn thiện.

Định kiến dành cho phim Việt đến từ đâu?

* Ý tưởng của cuốn sách này đã được nung nấu từ khi nào? Và cú hích nào khiến anh quyết định bắt tay vào thực hiện nó?

- Tôi nhận ra phần lớn khán giả trẻ chỉ biết đến một khoảng hẹp về phim Việt, bắt đầu từ thời kỳ phim "mì ăn liền" vào khoảng những năm 1990 đến điện ảnh giải trí sau này. Còn trước đó, điện ảnh cách mạng, dòng phim hậu chiến hay những bộ phim của các đạo diễn Việt kiều những năm 1990 gần như ít được khán giả trẻ quan tâm.

Nhiều bộ phim xưa gần như đã bị lãng quên hoàn toàn ở thời điểm hiện tại. Và với tôi, đó là sự thiệt thòi cho phim ảnh và di sản điện ảnh Việt Nam. Lúc khởi xướng ý tưởng này, tôi muốn có một tham chiếu rộng hơn dành cho khán giả để họ quan tâm hơn đến điện ảnh Việt, phá vỡ định kiến cố hữu phim Việt Nam chỉ là phim tầm xàm như dòng phim giải trí sau này. Cuối cùng 101 bộ phim Việt Nam hay nhất theo chọn lựa của tôi đã ra đời.

* Phần đông khán giả đều có một câu cửa miệng "nghe mà đắng": Phim Việt Nam mà, xem làm gì? Định kiến ấy, theo anh, xuất phát từ đâu?

- Thực ra những năm 1980-1990 điện ảnh Việt cực kỳ được yêu thích. Giờ đây ngồi xem lại những bộ phim Việt thời kỳ này tôi vẫn thấy rất nhuần nhị, rất đẹp. Tất nhiên họ vẫn bị hạn chế bởi kỹ thuật thô sơ, nhưng người xem vẫn cảm được sự chân thành từ diễn xuất của diễn viên. Thời kỳ đầu của phim "mì ăn liền", khi các liên hoan phim diễn ra ở Hà Nội, Hải Phòng, có chuyện vui là các diễn viên như Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Lê Công Tuấn Anh... mỗi lần xuất hiện là bị khán giả lao vào... sờ một cái cho thỏa lòng mến mộ!

Sau đó, dòng phim "mì ăn liền" chết đi cũng là lúc phim nhà nước thời hậu chiến không còn nữa. Khán giả chán chường khi vào rạp xem những bộ phim Việt đi vào khuôn mẫu. Sự ngán ngẩm phim Việt dẫn đến định kiến cố hữu ấy có lẽ là vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, những bộ phim được Nhà nước bỏ tiền tỉ ra làm để rồi không bán được vé. Cho đến gần đây vẫn còn quá nhiều phim thảm họa với mục đích thương mại dễ dãi, tấu hài rẻ tiền, thế nên định kiến ấy càng bị tô đậm thêm.

Tác giả Lê Hồng Lâm: Phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận - Ảnh 3.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm ...xuất hiện trong cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất của tác giả Lê Hồng Lâm - Ảnh: ĐPCC

Những hời hợt và những màu sắc mới

* Anh có cho rằng điện ảnh hiện đại hầu như lại chỉ tập trung phục vụ việc giải trí đơn thuần, mà gần như thiếu vắng hẳn sự phản biện xã hội của nhà làm phim?

- Tôi nghĩ điều này đúng. Cụ thể là phim ảnh trong khoảng mười năm gần đây gần như mất hẳn đi tính phản biện, thay vào đó chỉ là mua vui một vài trống canh. Tất nhiên không thể phủ nhận rằng có nhiều phim giải trí làm rất chỉn chu.

Nhưng thân phận con người, những trăn trở thời cuộc trong phim gần như không có, mặc dù đời sống hiện tại cũng rất bừa bộn, báo chí hằng ngày thôi đã có biết bao chất liệu hay. Phim hiện nay phần lớn hời hợt trên bề mặt, rất chịu khó cập nhật những xu hướng mới nhưng lại lãng quên hoàn toàn những số phận nông dân nghèo khó, một thời là những biểu tượng rất đẹp của điện ảnh Việt Nam trong Thương nhớ đồng quê hay các bộ phim thời kỳ đổi mới như Chuyến xe bão táp, Mùi đu đủ xanh, Mùa len trâu...

Tuy nhiên, trong hơn một năm trở lại đây, tôi lại thấy có một vài tín hiệu rất đáng mừng khi một số đạo diễn trẻ đã quay về nguồn cội của văn hóa Việt như Song Lang của Leon Lê hay Vợ ba của Nguyễn Phương Anh (bộ phim này hiện đang "chinh chiến" ở các giải thưởng quốc tế trước khi ra mắt công chúng Việt - PV). Bắt đầu thấy được những màu sắc mới hơn, thấy những dấu hiệu của sự bứt phá, dám lội ngược dòng của những đạo diễn trẻ đi tìm những câu chuyện hơi "ngoài lề" so với đám đông.

* Dữ liệu để thực hiện cuốn sách này khá đồ sộ, vì mốc thời gian anh chọn kéo dài hơn 7 thập niên (từ năm 1950) đến tận bây giờ. Chắc hẳn xử lý kho dữ liệu này không hề đơn giản?

- Từ hơn 1.000 bộ phim trải dài qua các thời kỳ, tôi chọn ra khoảng 200 phim để xem lại trong khoảng thời gian hơn một năm trời. Tiêu chí của tôi là chọn những bộ phim vang bóng một thời, những bộ phim gắn liền với bối cảnh của đất nước, thời cuộc và có những giá trị nhất định với thời đại đó. Cuối cùng, từ danh sách 200 phim đó, tôi tiếp tục sàng lọc lại thành hơn 100 phim để... xem lại một lần nữa và bắt đầu viết.

101 bộ phim được trình bày tuần tự theo thời gian, năm sản xuất, hãng sản xuất, êkip sáng tạo, các giải thưởng phim đã đạt được để khán giả có một hình dung cơ bản về bộ phim. Sau đó mới đi vào phần đánh giá vì sao tôi chọn bộ phim này, những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim. Tất nhiên không phải phim nào trong danh sách này tôi cũng chấm điểm cao, mà có một thang điểm cá nhân từ thấp nhất khoảng 6,5 đến 8,9 điểm.

Tư liệu cho cuốn sách này tôi tham khảo từ rất nhiều nguồn khác nhau. Nhưng tư liệu lịch sử không phải là điều quan trọng nhất, mà chính là sự soi chiếu bằng con mắt cá nhân về những giá trị của mỗi bộ phim, mỗi thời kỳ điện ảnh. Tôi nhận ra rằng trước đây điện ảnh Việt Nam đa dạng hơn rất nhiều chứ không phải như hiện tại, điện ảnh chủ yếu tập trung vào mảng giải trí và tập trung ở một số địa phương nhất định.

Điện ảnh trong giai đoạn trước phản ánh rất rõ cuộc đời, thân phận con người, những không gian văn hóa khác nhau, như Vợ chồng A Phủ là không gian Tây Bắc đậm đặc hay Đến hẹn lại lên là vùng đất Kinh Bắc - vùng đất của quan họ. Hay Đời cát là dải đất miền Trung nắng gió. Qua những bộ phim, ta thấy được rất rõ đất nước và hình ảnh của con người Việt Nam. Đặc biệt là hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam. Họ như những "nàng thơ", những nguồn cảm hứng bất tận của điện ảnh Việt...

Tác giả Lê Hồng Lâm: Phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận - Ảnh 4.

Mùi đu đủ xanh...xuất hiện trong cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất của tác giả Lê Hồng Lâm - Ảnh: ĐPCC

Tác giả Lê Hồng Lâm: Phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận - Ảnh 5.

Đời cát... xuất hiện trong cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất của tác giả Lê Hồng Lâm - Ảnh: ĐPCC

Bức tranh tương đối toàn cảnh về điện ảnh Việt Nam

lê hồng lâm

Bức tranh tương đối toàn cảnh về điện ảnh Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi đặt tựa sách là 101 bộ phim Việt Nam hay nhất bởi muốn đây là một cuốn sách mở. Con số bộ phim Việt được chọn lọc chắc chắn không dừng lại ở đây. Như tôi đã chia sẻ, đây là một cuốn sách mang tính phổ thông, tham chiếu, khơi gợi cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, một bức tranh tương đối toàn cảnh về điện ảnh Việt Nam, chứ không mang tính hàn lâm hay quá bác học.

MINH TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên