29/06/2004 14:02 GMT+7

Làm gì trước một thực tế xót xa?

NAM CHƯƠNG
NAM CHƯƠNG

TTO - Năm nào cũng vậy, qua báo Tuổi Trẻ, chuyện phản ánh về môn văn của các cô tú, cậu tú ("Ôi văn chương cô tú cậu tú!") đã khiến bạn đọc chúng tôi không còn chỉ dừng lại ở cảnh cười ra nước mắt, hoặc những cái lắc đầu chào thua, chán nản...

Căn bệnh nay y này đối với chúng tôi đã trở thành nỗi tuyệt vọng bởi nó đã kéo dài quá lâu, càng ngày càng tệ hại mà đặc biệt, những người có trách nhiệm lại không thèm "chữa".

Chúng tôi cũng đã từng là nạn nhân khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cái cảnh thầy đọc trò chép hay thầy giảng sơ qua vì sợ cháy giáo án, cảnh chép những bài văn mẫu trong giờ kiểm tra đã khiến chúng tôi bất mãn cao độ...

Cười các em ư? Chê bai các em ư? Không! Các em chính là nạn nhân của các thầy cô dạy môn văn. Và chịu trách nhiệm cao hơn các thầy cô là ai?

Thêm một lần nữa tôi không khỏi xót xa cho chất lượng dạy và học văn ở nhà trường phổ thông hiện nay.

Chúng ta có thể chấp nhận một bài văn sai một vài lỗi chính tả, ngữ pháp do bất cẩn nhầm lẫn, thế nhưng với một bài văn sai chính tả bét nhè, câu cú không đầu không cuối, ý tứ lộn xộn, lủng củng và ngớ ngẩn đến mức khiến người đọc phải buồn cười như thế thì quả là rất khó chấp nhận với những học sinh sắp tốt nghiệp THPT.

Thế nhưng, những lỗi chính tả, ngữ pháp như thế vẫn chưa được giáo viên, học sinh cho là nghiêm trọng lắm. Thậm chí có những bài thi sai tới 31 lỗi chính tả vẫn được chấm cho điểm tối đa ( Tuổi Trẻ 25-6-2004). Thử hỏi mai này những cô tú cậu tú ấy sẽ ra đời làm việc như thế nào nếu như trong một văn bản do họ soạn thảo người ta bắt gặp hàng chục, hoặc có khi nhiều hơn những lỗi chính tả, ngữ pháp như thế?

Thêm nữa, rõ ràng là phương pháp dạy và học văn chú trọng nhiều đến khả năng học thuộc lòng hiện nay không phát huy được khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của mỗi học sinh, cũng không rèn luyện được cho các em khả năng sử dụng ngôn từ một cách nhuần nhuyễn để diễn đạt những ý kiến, những cảm nhận, những suy luận logic của mình.

Nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là phương pháp giảng dạy văn học ở nhà trường hiện nay chưa hướng được học sinh đến với tình yêu văn học, không hướng được các em đến với việc cảm nhận tác phẩm theo một cách riêng thoát khỏi lối mòn của những bài văn mẫu.

Là một giáo sinh sắp sửa ra trường, tôi thật sự cảm thấy bi quan và đau lòng trước thực trạng học văn của học sinh ngày nay.

Phủ nhận môn văn và tiếng Việt cũng chính là phủ nhận tất cả những gì thuộc về quá khứ cũng như tương lai của chính mình, phủ nhận tất cả giá trị văn hoá và nhân cách của con người VN. Chúng ta có ngôn ngữ riêng, có bản sắc riêng, thế nhưng tại sao chúng ta lại không giữ gìn nó ngay chính trong cuộc sống của mình. Thử hỏi rồi những thế hệ VN ngày sau sẽ ra sao nếu các em nói tiếng Anh, tiếng Pháp... hay hơn nói Tiếng Việt, lúc đó họ có thật sự còn là người Việt nữa không?

Và rồi đây ra trường tôi phải dạy ra sao, thay đổi cách dạy mới liệu có dược không khi tôi chỉ mới là một giáo viên thực tập? Ai sẽ tán thành cách làm của tôi và sẵn sàng đứng về phía tôi, ủng hộ tôi?

NAM CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên