"Con ma sông"

ĐẶNG THÁI HUYỀN 27/06/2004 19:06 GMT+7

TTCN - Nhiều người hỏi ông với ý mỉa mai là dân địa chất sao không lo tìm mỏ mà lại nhảy sang nghiên cứu sông ngòi kênh rạch rồi bỏ cả đời vắt óc tìm giải pháp trị hà bá? Ông biết đó là phần việc của ngành thủy lợi, nhưng bao nhiêu năm đồng bằng sông Cửu Long năm nào cũng có người bị chết vì lũ lụt.

Phóng to

Và ông bắt đầu mày mò tìm chiêu pháp trị thủy sông Mêkông cũng như ấp ủ tham vọng vẽ lại bản đồ các dòng sông trên đất Việt bằng con mắt một nhà khoa học biết nhìn xa trông rộng. Ông là tiến sĩ Phạm Văn Quang, 70 tuổi, viện phó Viện Địa chất & môi trường.

Đam mê “qui phục” các dòng sông bám lấy ông như một thứ bùa ngải. Ông duyên nợ với sông bởi hai lý do: thuở nhỏ nghe chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, và quặn ruột mỗi khi gặp lũ lụt tang thương; thứ hai, những tri thức về địa chất đã giúp ông hiểu sâu sắc hơn qui luật các dòng sông.

Đắm mình vì sông!

Duyên nợ ấy lại chỉ tình cờ. Từ bỏ khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội vì ý nghĩ “văn học không làm được gì”, ông hăm hở vào ngành địa chất với giấc mộng đi tìm “vàng” cho đất nước. Một lớp chuyên gia địa chất, trong đó có ông và Chủ tịch nước Trần Đức Lương, được chuyên gia Liên Xô đào tạo vẽ bản đồ.

Đó là thế hệ chuyên gia địa chất đầu tiên ở VN khi vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Hơn 20 năm lang thang vẽ bản đồ, tìm mỏ trong và ngoài nước, ông đã chạm mặt bao nhiêu dòng sông con suối nhưng không nghĩ sau này chúng lại cuốn cả cuộc đời, sự nghiệp ông theo.

Cho đến năm 1976 ông được Viện Nghiên cứu ảnh viễn thám Ân Độ mời sang học lớp nghiên cứu ảnh viễn thám (“đọc” ảnh chụp bề mặt trái đất từ vệ tinh để tìm mỏ). Một giáo sư Hà Lan lại khuyên ông nên nghiên cứu môn địa chất thủy văn. Ông lắc đầu: “Tôi phải nghiên cứu mỏ, nước tôi đang cần mỏ”.

Giáo sư Hà Lan bảo: “Cái gì tạo nên đặc điểm, hình trạng bề mặt trái đất? Không phải tạo hóa mà là nước mưa”. Câu nói này khiến ông tỉnh giấc. Vị giáo sư đó còn tặng ông một cuốn sách viết về sự hình thành các con suối trên thế giới bằng phương pháp toán học và kết luận tất cả sông, suối trên trái đất đều chảy theo một qui luật toán học.

Ông như người bị bỏ bùa để rồi 50 năm qua ông cứ lặn ngụp nghiên cứu các dòng sông của VN và thế giới như một công việc tay trái, dùng tri thức địa chất để “mổ xẻ” từng dòng sông, đặc biệt là hệ thống sông ngòi thuộc Đông Nam Á với câu hỏi làm sao biến chúng thành nguồn lợi?

Có người bảo ông là “con ma sông” vì sông nước nào ông cũng đọc tên vanh vách. Ông bảo: “Tôi nắm rõ từng centimet sông Seine của Pháp và sông Hằng của Ân Độ”. Không chỉ soi xét những con sông lớn, ngay cả những lạch suối nhỏ không thể vẽ trên bản đồ địa chất tỉnh, chỉ trong chu vi 9m2 ông cũng lần mò khám phá. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá ông là một tiến sĩ địa chất đẳng cấp quốc tế và thậm chí họ còn không rành rẽ hệ thống sông ngòi của nước họ bằng ông.

Phóng to
Năm 1992, khi tăm tiếng nổi như cồn, Chính phủ Lào “thuê” ông sang vẽ bản đồ địa hình, địa chất và nước sông Mêkông để xây dựng đập thủy điện Nậm Thơm. Sau đó ông tiếp tục sang Thái Lan vẽ bản đồ mỏ. Cũng nhờ những chuyến viễn du ấy ông đã tranh thủ tìm hiểu kỹ các con sông Đông Nam Á. Tất cả đều khởi nguồn từ ý tưởng sáng tạo cá nhân chứ không nằm trong chương trình Chính phủ.

Mê mải đuổi theo các dòng sông, ông “lạc” sang sân thủy lợi tự khi nào không rõ. Gần nửa thế kỷ lặn ngụp với sông không phải là một thú vui hay để thỏa mãn cơn khát tri thức mà là để kiên trì một tham vọng... chống lại trời: cải tạo các dòng sông ở VN, bắt hà bá phải “qui hàng” cho dân bớt khổ.

Năm 1982, một lần lang thang từ biển Cửa Việt ngược dòng Thạch Hãn lên làng Cát, nằm khuất lấp giữa thung lũng Khe Sanh, ông chết mê dải đứt gãy tuyệt vời nhất dãy Trường Sơn vẫn được coi là hiểm trở trong tưởng tượng của nhiều người. Rồi ông lại lạnh người bắt gặp dòng Xêbănghiêng (Lào) đang lượn vào sát chân làng Troại (VN) chạy mất hút về phía tây đổ vào sông mẹ Mêkông.

Một ý nghĩ như tia chớp lóe trong đầu: có thể đặt một đường kẻ nối sông Xêbănghiêng mé tây Trường Sơn với sông Rào Quán - Quảng Trị phía đông để dẫn nước ngọt từ sông Mêkông ra Cửa Việt (biển Đông) không? Mọi ý nghĩ của nhà khoa học đều không cho phép siêu tưởng.

Ông lóe nghĩ như vậy bởi đã quan sát rất kỹ địa hình, địa chất Khe Sanh là một thung lũng khá thấp trong khi dải đứt gãy phía tây làm biên giới chia Việt-Lào lại có những quả núi không hiểm trở. Và ông lao vào nghiên cứu dù biết công trình của mình đang mạo hiểm chẳng kém gì... Ngu Công dời núi, có khi còn bị bia miệng để đời.

“Để nghiên cứu sông Mêkông tôi phải nghiên cứu cả lưu vực sông Mêkông, qui luật dòng chảy của toàn bán đảo Đông Dương”- ông nói. Ông vẽ bản đồ chi tiết hệ thống sông ngòi khu vực, tính toán diện tích lưu vực và lượng nước mưa, sau đó tính ra tổng trữ lượng nước mỗi năm lưu vực đón nhận rồi dốc xuống đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án trị thủy sông Mêkông chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi công trình dày cộp đầy táo bạo của ông. Tất cả dòng sông lớn của VN đều đã được ông soi kính hiển vi cũng như đưa danh sách các hà bá vào trong “sổ đen”. Chẳng hạn dự án trị thủy sông Mã, sông Chu, sông Cả, dự án “cứu hộ” đập thủy điện sông Đà, dự án phá đê cải tạo đồng bằng sông Hồng… “Mới đây nhất tôi đang viết dự án trị thủy sông Thu Bồn để cứu thị xã Hội An và thánh địa Mỹ Sơn”. Nhiều ý tưởng và dự án ông “khoe” với Chính phủ được các nhà khoa học vỗ đùi thán phục. Họ bảo ông đích thực là “khắc tinh của hà bá”.

Tuy nhiên, trong số đó đến nay mới chỉ có dự án lấp vịnh Hà Cối - Đồng Rui kéo dài từ Vân Đồn lên Móng Cái để lấn cho Quảng Ninh một bán đảo rộng gấp 1,5 lần lãnh thổ Singapore là đang nhận được hưởng ứng nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Cuối năm 2003, Tổng hội Địa chất VN cũng tuyên bố dự án trên của ông đã được mở rộng thành dự án cấp nhà nước.

Còn lại hàng chục “công trình thế kỷ”, trong đó có “kênh đào Panama VN”, vẫn cứ nằm trên giấy. Ông không buồn bởi những dự án của ông là dự án của tương lai, có khi phải tính bằng thế kỷ, nó cũng giống như nghề trồng bonsai cổ thụ, đời này trồng nhưng đời cháu, chắt mới hưởng. Trong một lần góp ý văn kiện Đại hội lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông nói: “Các văn bản của Nhà nước mới chỉ dám vạch ra kế hoạch 10, 20 năm tới phải làm gì là quá ngắn, chúng ta phải vạch ra những kế hoạch dài hơi hơn: 100, 200 năm mới làm được nhiều thứ cho con cháu”.

Ngày đi bỏ mối cà phê, đêm làm “vua” bản đồ

Căn phòng của ông chật cứng những cuộn bản đồ. Trong đó có những cuộn ông phải săn của người khác, mua từ nước ngoài, từ những nguồn “độc” cùng phần lớn là sản phẩm do ông vẽ. Cả đời ông đã vẽ hàng ngàn bản đồ các loại. Vẽ nhanh tới mức chỉ cần vài đường là nên chân dung một quốc gia, một lưu vực với cả hệ thống sông ngòi chằng chịt. Vẽ nhiều tới mức có cảm giác những sợi nơron thần kinh trong đầu ông cũng bị xoắn lại như những khúc cuộn liên hồi của một dòng sông! Ông bảo: “Vẽ bản đồ là ngành khoa học chìa khóa của mọi ngành khoa học địa chất khác”.

Chính năm tháng lang bang vẽ bản đồ địa chất ông đã mò ra bản đồ của từng con sông. Ông cùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương là hai trong nhóm tác giả vẽ và viết cuốn bản đồ địa chất đầu tiên của VN, hiện là cuốn gối đầu giường của ngành địa chất. Không chỉ trổ tài ở VN, ông còn giúp nhiều nước khác thành lập bản đồ địa chất như Lào, Thái Lan, Ân Độ...

Năm 1976, Ân Độ mời ông sang vẽ cả một vùng địa chất trong sáu tháng. Và để vẽ được một tấm bản đồ hệ thống sông, hồ cũng như nghiên cứu được tính khả thi của kênh dẫn nước Đông Dương, ông phải vẽ cả bản đồ hệ thống đứt gãy của toàn thế giới và từng khu vực. Gần đây công việc vẽ bản đồ địa chất có nhàn hơn khi sử dụng các ảnh chụp từ vệ tinh nhưng để sở hữu được chúng ông phải đổi một khoản tiền rất lớn.

Có những công trình như kênh đào Đông Dương ông phải vẽ vài trăm bản đồ mới nghiên cứu được để sau đó hoàn thiện một bản đồ chung tổng thể. Có những bản đồ “độc” ngoài ông ra không ai có, bán giấy chỉ đáng vài ngàn song để có nó ông phải miệt mài suốt sáu tháng liền và cả quá trình trước đó.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng hiện ông vẫn là viện phó Viện Địa chất - môi trường (thuộc Tổng hội Địa chất VN). Đó là công việc mất thì giờ nhưng làm vì anh em tín nhiệm. Làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, Nhà nước không tài trợ. Nhiều người cứ ngỡ viện phó là to, nhưng để có tiền săn ảnh viễn thám chụp VN của Mỹ và để duy trì đời sống gia đình, suốt 30 năm qua ông tiến sĩ vẫn phải làm một nghề cả khu phố biết: mỗi ngày hai lần rang xay cà phê rồi đạp xe lóc cóc đi bỏ mối khắp Hà Nội.

“Kênh đào Đông Dương”

Có hai nghịch lý: trong khi cứ về mùa mưa dòng Mêkông hùng vĩ lại trút túi nước khổng lồ vào đồng bằng sông Cửu Long gây mất mùa, chết chóc thì ở suốt dải miền Trung từ Quảng Bình qua Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế, từ biên giới Việt-Lào ra biển lại khát cháy. Cho nên chặn cơn cuồng nộ của Mêkông với đồng bằng sông Cửu Long và “giải khát” cho miền Trung là bức thiết. Và công trình của ông Quang khi loan ra đã gieo vào hàng ngàn người giấc mơ một kênh đào tương tự kênh đào Panama của châu Mỹ để kéo nước ngọt từ Mêkông chảy cắt qua dải Trường Sơn đổ tắt ra biển Đông ở ngay địa phận tỉnh Quảng Trị. (khi mà dự án thoát nước Mêkông ra biển tây gần như phá sản).

Một kênh đào Panama của VN không phải là điều viễn tưởng. Mọi tính toán của ông Quang đều cho thấy tính khả thi của dự án: từ điểm A (1) cao 175m đến điểm B (12) cao 80m dự kiến đào con kênh dẫn - xem bản đồ - có đỉnh cao nhất tại điểm 9 là 365m thì chỉ cần hạ thấp độ cao tại 10 vị trí xuống mực 175m (bằng độ cao của làng Troại) và đắp một con đập chỉ cao 80-100m tại cửa sông Xêbănghiêng (có độ cao mực nước 135m về mùa khô) để nâng cao trình nước sông Xêbănghiêng và Mêkông lên mức 235m, thậm chí đập chỉ cần cao 60m đã tạo độ chênh lệch khiến dòng Xêbănghiêng ngoan ngoãn đổi chiều.

Mặt khác tại điểm 12 (cách làng Cát 200m) chỉ cao có 80m (điểm 13-làng Cát còn thấp hơn: 40m và đoạn kênh dẫn chạm sông Quảng Trị chỉ 14m) so với mức nước tại điểm 11 được hạ xuống còn 175-200m chênh nhau 95-120m thì một công trình thủy điện nằm trong tầm tay VN. Chỉ cần 6-10 tỉ đôla là có được một kênh đào tay sờ mắt thấy, số tiền đó không phải nhiều nếu phải làm một công trình lịch sử nhiều lợi ích.

Trước năm 2003, nhiều nhà khoa học vẫn hoài nghi “câu chuyện thần thoại” của ông Quang, nhưng mới đây nhiều người mới ngã ngửa khi phát hiện Trung Quốc đang có dự án giống hệt dự án của ông Quang: đào hàng loạt kênh dẫn với tổng chiều dài 1.300km từ sông Dương Tử phía nam đưa nước ngược lên châu thổ Hoàng Hà khô khát phía bắc với tổng vốn đầu tư 50 tỉ đôla trong 50 năm. Ân Độ cũng đã vào cuộc với dự án vẽ lại bản đồ các dòng sông khi họ đào 30 kênh dài trên 10.000km, tốn 120 tỉ đôla, chỉ trong 13 năm để “xin” nước sông Hằng phía bắc luôn nhấn chìm cả châu thổ Bangladesh sẻ chia cho miền nam hạn hán. Còn dự án “trị hà bá sông Mêkông”, ông vẫn đánh cược: “Nếu có ai tìm ra giải pháp tuyệt hơn thì tôi xin cầm dự án rút lui, nhưng nếu không ai hơn tôi thì tôi vẫn bảo vệ đến cùng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận