26/06/2004 19:12 GMT+7

Thế nào là chủ lực?

NGUYỄN VĂN CẦM
NGUYỄN VĂN CẦM

TTCN - Lần đầu tiên, lãnh đạo TP.HCM thừa nhận tại buổi làm việc với Sở Công nghiệp đầu tuần này rằng chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố dường như chọn nhầm sản phẩm. “Giấy vệ sinh, mì tôm cũng chọn làm sản phẩm chủ lực, người ta nghe họ cười cho” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết nhận xét.

Thật ra, bản thân sản phẩm giấy vệ sinh, mì tôm không có gì đáng cười cả. Vấn đề ở chỗ vì sao một thành phố đầu tàu trong phát triển kinh tế lại chọn chúng và một số mặt hàng khác như giấy vàng mã xuất khẩu, bút viết, sữa đậu nành... làm sản phẩm chủ lực - một cách làm và cách chọn, quả đúng là quá “lan man”.

Những sản phẩm dù nhỏ, giá trị không cao vẫn có thể là sản phẩm chủ lực cho một vùng, một địa phương. Ví dụ có một thời đũa gỗ mun là sản phẩm chủ lực của nhiều vùng trong huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, vì người dân ở đây có thể tận dụng khai thác gốc cây gỗ mun đã bị chặt đốn trước đó về làm đũa không nơi nào khác sản xuất được.

Một sản phẩm chủ lực của một địa phương phải là sản phẩm mang tính cạnh tranh đặc thù của địa phương đó, không nơi nào khác sánh kịp. Người tiêu dùng bỏ tiền mua sản phẩm ấy chính bởi những giá trị họ thấy được từ sản phẩm; đối thủ cạnh tranh cũng khó lòng bắt chước vì thiếu những điều kiện mang lợi thế cạnh tranh của địa phương. Và cuối cùng, đặc tính ưu thế này phải mang tính bền vững để có thể phát huy yếu tố chủ lực giúp phát triển các sản phẩm khác.

Lâu nay chúng ta thường có cái mốt tiếp cận cái mới một cách “hồ hởi, phấn khởi”, nên trong một thời gian dài TP.HCM từng khẳng định một trong những ngành mũi nhọn của mình là sản xuất vật liệu mới. Đến khi hỏi cho rõ vật liệu mới cụ thể là gì, sản xuất như thế nào, sản xuất ra để làm gì thì không ai có sẵn câu trả lời.

Lúng túng từ chuyện “vật liệu mới” đến chuyện “giấy vệ sinh” chứng tỏ TP.HCM vẫn chưa xác định được đâu là năng lực cốt lõi của nền công nghiệp thành phố để từ đó định ra chiến lược phát triển đúng đắn. TP.HCM chưa hình dung ra được năm mười năm nữa công nghiệp thành phố sẽ như thế nào, cạnh tranh bằng thế mạnh gì, giá trị gia tăng đem lại cho người tiêu dùng gồm những yếu tố ra sao...

Lấy ví dụ, một trong những ngành phát triển mạnh nhất ở Ấn Độ hiện nay là nhận gia công các loại công việc như cung cấp dịch vụ khách hàng, làm sổ sách kế toán... cho nhiều công ty Mỹ làm dân Mỹ than trời vì bị thất nghiệp. Không ai chê các loại công việc này “hàm lượng chất xám” ít cả. Cũng không ai đề ra chiến lược sản phẩm chủ lực gì - người Ấn giành được công việc này từ tay người Mỹ vì chi phí của họ thấp hơn, họ lại có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt và cơ sở hạ tầng Internet phát triển cao để làm nền cho loại dịch vụ gia công từ xa này.

Phải nói điều này vì nhiều người vẫn lầm tưởng thay cho mì tôm, giấy vệ sinh phải là những ngành chủ lực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học! Nếu TP.HCM không có những năng lực cốt lõi trong công nghệ cao mà vẫn cứ đổ tiền vào để hỗ trợ một hai công ty, một hai sản phẩm “công nghệ cao”, đấy vẫn là những khoản tiền đổ sông, đổ biển.

TP.HCM đã xác định phát triển dịch vụ là hướng đi trong những năm tới; tại sao không bắt đầu bằng cách đưa một số sản phẩm dịch vụ mà thành phố có thế mạnh vào danh sách các sản phẩm chủ lực để đầu tư, hỗ trợ thay cho mì tôm và giấy vệ sinh?

Không nói đâu xa, chỉ cần nhìn vào các trang quảng cáo trên báo chí hằng ngày, chúng ta cũng thấy được thế mạnh của thành phố nằm ở những dịch vụ như đào tạo với biết bao loại trường chiêu sinh học viên khắp cả nước. Đây cũng chỉ là một nhận xét mang nhiều cảm tính vì để xác định được năng lực cốt lõi của kinh tế thành phố, tiềm lực của nó nằm ở đâu, thế mạnh của nó là những gì cần nghiên cứu nghiêm túc, khách quan và biết mổ xẻ tận gốc vấn đề. Lúc đó, sản phẩm chủ lực tự nó sẽ xuất hiện không cần ai bình chọn và không ai cười chê.

NGUYỄN VĂN CẦM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên