Ấn Độ đang trở thành nơi chứa rác của các nước phát triển

THẾ PHƯƠNG 26/06/2004 22:06 GMT+7

TTCN - Khi nhập và xử lý hơn một triệu chất thải độc hại mỗi năm, Ân Độ đang đối diện với những thảm họa y tế khủng khiếp. Đó là lời báo động của tạp chí Outlook ở New Dehli, và được tờ Courrier International dịch đăng lại trong một số báo phát hành tháng hai năm nay.

Năm 1988, Chính phủ Ân Độ đã ký hiệp định Bâle ngăn cấm vận chuyển xuyên biên giới những chất thải nguy hiểm. Đến năm 1989, Quốc hội Ân Độ cũng đã thông qua một đạo luật về quản lý và xử lý các chất thải độc hại. Nhưng dường như người ta đã không tuân thủ nghiêm chỉnh những văn bản pháp luật này. Mỗi năm vẫn có gần 1 triệu tấn chất thải độc hại được nhập bất hợp pháp vào Ấn Độ, mà 90% là đến từ các nước phát triển.

Tình hình lên đến mức vào cuối năm ngoái. Tòa án tối cao của Ân Độ đã phải ra phán quyết buộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp bổ sung những điểm còn thiếu sót trong luật lệ. Tòa án tối cao còn giao cho Ủy ban môi trường trung ương nhiệm vụ kiểm tra khối lượng và đặc tính của các chất thải nhập vào Ân Độ qua đường biển. Thế nhưng, theo lời một giới chức Bộ Môi trường Ân Độ, những qui định nghiêm ngặt nói trên cũng không ngăn được tệ nạn nhập chất thải trái phép.

Lý do thứ nhất là mối lợi kinh tế. Các nhà nhập khẩu cỡ nhỏ nhập rác để trích ra từ đó các kim loại nặng như chì, kẽm và đồng, rồi sau đó đem bán lại cho thị trường nội địa. Dịch vụ tháo dỡ các chiến hạm “phế thải” từ các hiệp định giải trừ vũ khí cũng là một nguồn cung cấp đáng kể cho thị trường sắt thép tái chế.

Hoạt động này tập trung ở một số thành phố cảng và sử dụng một lực lượng nhân công lên đến 50.000 người. Những công nhân này phải tiếp xúc thường xuyên với những chất cực kỳ độc hại như hơi bốc ra từ sơn, bụi chất amiăng hay chì. Vào tháng mười một năm ngoái, Tổ chức Greenpeace Ân Độ đã lên tiếng báo động về vụ chiếc tàu Genova-Bridge, chiếc tàu cũ của Anh được sử dụng để chở chất độc hại, nay sắp được tháo dỡ.

Vấn đề còn nghiêm trọng ở chỗ ngành công nghiệp xử lý chất thải của Ân Độ không được trang bị máy móc đầy đủ để tiêu hủy một cách an toàn những chất liệu độc hại trong khi không phải ai cũng có ý thức về những hiểm họa y tế và môi trường từ những bãi rác lộ thiên gây ra. Những dư chất chì, kẽm, thủy ngân, arsenic và amiăng có thể làm ô nhiễm không khí và các mạch nước ngầm do thẩm thấu. Sử dụng nước bị ô nhiễm thủy ngân có thể gây nhiều bệnh hiểm nghèo, nhưng trong khoảng thời gian từ năm 1996 - 2002 khối lượng thủy ngân nhập vào Ân Độ đã tăng gấp sáu lần .

Theo một giới chức Trung tâm khoa học và môi trường, hiện 99% lượng thủy ngân nhập vào Ân Độ thoát khỏi mọi sự kiểm soát. Chất amiăng gây ung thư và bệnh đường hô hấp đã bị cấm ở gần 40 nước trên thế giới. Thế nhưng, bất chấp các khuyến cáo của Bộ Y tế, năm ngoái vẫn có 120.000 tấn chất amiăng được nhập lậu vào Ân Độ (chủ yếu là từ Canada, nơi mà chất này đã bị cấm).

Hơn nữa, việc đốt các chất thải từ việc tháo dỡ những chiếc tàu và những máy móc dùng điện có thể phát ra nhiều chất khí độc hại nếu không được tiến hành ở một nhiệt độ nhất định. Các chất thải từ các máy vi tính và máy điện tử gia dụng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề ngày càng nghiêm trọng cho Ân Độ.

Một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Toxics Link cho thấy là mỗi tháng có khoảng 30 tấn chất thải loại này được nhập vào Ân Độ. Một máy vi tính chứa hơn 1.000 mảnh chất liệu độc hại.

Giám đốc Tổ chức Toxics Link, Rawi Aganwal, đưa ra một số liệu gây rùng mình: “Vào năm tới sẽ có khoảng 300 triệu máy vi tính được thải ra ở Hoa Kỳ’’. Kể từ khi Trung Quốc không còn nhập loại chất thải điện tử này, Ân Độ đã trở thành thùng chứa rác tin học lớn nhất thế giới. Tạp chí Outlook kết luận với lời báo động nếu Ân Độ tiếp tục nhận rác từ khắp nơi trên thế giới đến, chẳng bao lâu nữa nước này sẽ trở thành nghĩa địa cả trong nghĩa đen.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận