03/02/2004 14:16 GMT+7

Ngân sách 2005 của Tổng thống Bush có gì mới?

DUY VĂN
DUY VĂN

Hôm qua (2-2), tổng thống Mỹ G. Bush đã giới thiệu với Quốc hội Mỹ chương trình tài khoá năm 2005, bắt đầu từ 1-10-2004 (có nghĩa đây sẽ là ngân sách trong năm bầu cử 2005 tại Mỹ). Dự thảo ngân sách đề nghị tăng chi phí quân sự lên 7% đồng thời giảm thâm thủng ngân sách 30%.

gYJ7QD6S.jpgPhóng to
Tổng thống Bush đã gởi dự thảo ngân sách 2,4 nghìn tỉ USD cho năm tài chính 2005 tới quốc hội
Hôm qua (2-2), tổng thống Mỹ G. Bush đã giới thiệu với Quốc hội Mỹ chương trình tài khoá năm 2005, bắt đầu từ 1-10-2004 (có nghĩa đây sẽ là ngân sách trong năm bầu cử 2005 tại Mỹ). Dự thảo ngân sách đề nghị tăng chi phí quân sự lên 7% đồng thời giảm thâm thủng ngân sách 30%.

Cụ thể tài khoá 2005 của chính quyền Bush có những nét mới như sau: chi tiêu quốc gia vào khoảng 2,39 nghìn tỉ USD (trong dự thảo 2004 của Mỹ G. Bush đề nghị là 2,23 nghìn tỉ), thu nhập quốc gia là 2, 03 nghìn tỉ ( dự thảo 2004 là 1,92 nghìn tỉ), thâm thủng khoảng 363 tỉ USD (đề nghị là 307 USD). Cũng như trong năm tài chính 2004, ngân sách mới tăng đáng kể chi phí quốc phòng: tổng thống đề nghị chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố tăng 10% vào mức 30 tỉ USD, chi cho Lầu năm góc trong năm 2005 tổng cộng 401,7 tỉ USD (tăng 7%) .

Các nhà quan sát phương tây nhận xét mức tăng này còn vượt cả mức trung bình của thời chiến tranh lạnh (và nhắc lại trong những năm từ 1985- 1990, trước khi kết thúc cuộc chiến này, ngân sách của Lầu nam góc còn giảm 12%). Cùng lúc, chi phí cho việc bảo đảm an ninh nội địa cũng tăng: tổng thống Bush đề xuất chi cho mục tiêu này 30,5 tỉ USD (10% nhiều hơn năm tài chính hiện nay và ba lần nhiều hơn năm 2001, khi bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố).

Trong thông điệp ngân sách gởi Quốc hội, tổng thống Bush đã biện luận cho các đề xuất tài chính của mình như sau: "Chúng ta sẽ tiếp tục làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ đất nước, ủng hộ trọn vẹn các binh lính của chúng ta đang với lòng danh dự chiến đấu ở nuớc ngoài. Chúng ta cũng bảo đảm tất cả những gì cần thiết cho người dân mình đang ủng hộ luật pháp đất nước và đối phó những tình huống khẩn cấp trong khi sẵn sàng đón nhận những đe doạ mới từ phía khủng bố" (CNN).

Về chương trình vũ trụ trong ngân sách 2005 có việc tổ chức chuyến bay lên Sao Hoả và lập một trạm thường trực tại Mặt Trăng mà Tổng thống Bush dự chi 12 tỉ USD. Tuy nhiên, số tiền này chỉ tăng 1 tỉ so ngân sách hiện nay của NASA (phần bổ sung còn lại để thực hiện chương trình không gian sẽ được bổ sung bằng việc phân bố lại ngân sách giữa các cơ quan không gian khác nhau).

Cùng lúc, chi tiêu cho các chương trình phi quốc phòng của chính phủ (trong đó có những chương trình xã hội) thì lại giảm đáng kể: 0,5%. Tỉ lệ này thấp hơn nhịp độ lạm phát ở Mỹ cho nên có thể nói về việc giảm thật sự những chi phí phi quốc phòng. (Cụ thể: ngân sách mới cắt giảm 65 chương trình của chính phủ, trong số này có 38 chương trình liên quan tới giáo dục; ngoài ra, chi phí cho việc bảo vệ môi trường cũng giảm 7%). Dễ hiểu vì sao các nhà phê bình chính sách tài chính của tổng thống Mỹ ngay lập tức tập trung chú ý vào đây: "Đây là ngân sách bài Do Thái, chống người lao động, chống lại việc bảo vệ sức khoẻ, chống giáo dục nhất trong thời đại chúng ta, nó không được phép cho thông qua" - như tuyên bố của thượng nghị sĩ Dân chủ bang Massachussets Edward Kennedy. Trong khi đó, G.Bush lập luận: "Chính phủ phải thể hiện trách nhiệm tài chính, giảm chi tiêu của mình và chú tâm nhiều hơn tới hiệu quả của các chương trình chính phủ cùng lúc với việc chống lại sự lãng phí".

Vấn đề là ngân sách 2005 đặt ra nhiệm vụ giảm mức thâm thủng khổng lồ trong năm 2004 (không phải là 307 tỉ USD như dự kiến trước đó mà đã vọt lên tới 521 tỉ USD). Trong thông điệp năm 2005 tổng thống đặt mục tiêu giảm số thâm thủng này xuống 1/3 - còn 363 tỉ USD. Trong những năm sau sẽ tiếp tục giảm: dự kiến năm 2006 còn 267 tỉ, năm 2007 còn 241 tỉ... Cho dẫu thế thì dự kiến tới năm 2009 nợ quốc gia của Mỹ sẽ tăng từ 8,1 nghìn tỉ lên tới 10,5 nghìn tỉ.

Bản tin điện tử "Kommersant" dẫn bình luận từ Quỹ tiền tệ thế giới nói thâm thủng ngân sách của Mỹ và nợ quốc gia của nước này có tác động trực tiếp tới tỉ giá đồng đôla. IMF đã nhiều lần chỉ ra rằng Mỹ có thể không thể trả nỗi nợ của mình và lối thoát chỉ có thể là giảm dần giá đôla để không dẫn tới một sự sụp đổ bất ngờ (ở đây IMF thấy có sự giống nhau giữa tình hình Mỹ với Argentina hay Nga thời khủng hoảng 1998). Từ quan điểm đó, thông điệp ngân sách của tổng thống Mỹ có hai mặt: từ một phía tổng thống Bush muốn giảm thâm thủng ngân sách, còn từ phía khác, ông chính thức nhìn nhận mức độ khổng lồ của nó hiện nay.

Theo CNN, hiện vẫn chưa rõ tổng thống G. Bush sẽ thuyết phục các nghị sĩ chế ngự việc cắt giảm chi tiêu như thế nào trong năm bầu cử. "Biết là cần có tiến bộ trong việc cắt giảm thâm thủng ngân sách, nhưng điều đó dường như khó thể xảy ra trong mùa bầu cử. Không ai muốn nện một đòn đau trong năm tranh cử cả", như David Wyss, kinh tế gia trưởng của Standard & Poor's tại NewYork, bình luận. Trên cơ sở này, các nhà phân tích nói nhiều hứa hẹn phe Dân chủ sẽ sử dụng việc thâm thủng ngân sách khổng lồ làm đề tài tấn công G. Bush trong cuộc tranh cử sắp tới. "Ông ta (tổng thống Bush) hứa cắt giảm thuế và một chuyến bay lên Sao Hoả nghìn tỉ đôla. Và ông ta có một nửa nghìn tỉ thâm thủng ngân sách", một trong các ứng viên Tổng thống của phía Dân chủ Howard Dean châm ngòi cho hướng tấn công này như thế hôm qua trên chương trình "Meet the Press" của NBC, ngay sau bản dự thảo ngân sách được công bố.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên