24/07/2004 05:00 GMT+7

HDV tiếng Hàn, Nhật: Không thiếu mà lại thiếu

NGUYỄN TẬP
NGUYỄN TẬP

TT - TP.HCM chỉ có 13 hướng dẫn viên (HDV) tiếng Hàn có thẻ HDV quốc tế. HDV tiếng Nhật có thẻ tuy nhiều hơn (168 người) song cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.

nPbDHg1A.jpgPhóng to
Du khách Hàn Quốc vào TP.HCM ngày càng tăng (ảnh chụp sáng 21-7-2004)

Từ khi có quyết định bãi bỏ visa, du khách Nhật, Hàn chiếm vị trí cao nhất trong số du khách vào VN. Vì thế HDV hai ngôn ngữ này trở thành vấn đề nóng...

Với 44 HDV, cộng tác viên (CTV) phục vụ du khách Nhật, lúc cao điểm Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist vẫn không đủ người, phải ghép đoàn, vận dụng cả sinh viên, người biết tiếng Nhật đi kèm với một HDV để dẫn tour.

Anh Quang Huy - CTV tiếng Nhật của Saigontourist - cho biết: “Có lúc dẫn khách đi tour trong TP đến 20 giờ lại phải “chạy sô” tiễn đoàn khác ra sân bay, ngồi đón chuyến bay của một đoàn khác, không còn thời gian cập nhật thông tin để nâng cao nghiệp vụ”.

Lượng khách Nhật vào TP ngày càng đông nhưng chỉ có 168 HDV tiếng Nhật có thẻ hành nghề nên đa số công ty lữ hành quốc tế đều sử dụng HDV, CTV không thẻ. Lượng HDV, CTV tiếng Nhật không thẻ ở VN Tourism là 17/30 người, Saigontourist là 17/44 người.

Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức thi lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc và kiểm tra ngoại ngữ chuyên môn, ngoại ngữ dành cho HDV ngoại ngữ hiếm để xét cấp thẻ hành nghề HDV du lịch tạm thời (có giá trị trong hai năm).

Đây là cách để “hợp thức hóa” cho những HDV tiếng hiếm tự học, không có bằng đại học ngoại ngữ chuyên ngành nhưng có đủ năng lực để trở thành HDV du lịch quốc tế. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời nếu không gỡ từ Tổng cục Du lịch.

Đối với tiếng Hàn, Công ty liên doanh VTB (Vietnam Travel Bureau) sử dụng bảy, tám HDV đều là người Hàn. Ông Đinh Vũ Tý - phó giám đốc công ty - cho biết: “Sáu tháng qua công ty tiếp lượng khách Hàn lên đến 5.400 người, HDV người Việt có thẻ thì quá ít và chưa đủ khả năng nghiệp vụ, người đạt yêu cầu lại không có thẻ”. Để hợp thức hóa, Công ty VTB sử dụng một HDV người Việt kèm một HDV người Hàn để dẫn khách.

Theo qui định tại TP.HCM, ngoài bằng đại học ngoại ngữ chuyên môn (đối với những tiếng hiếm như Hàn, Nhật, Ý... yêu cầu bằng C hoặc ba năm ở nước ngoài) chỉ cần theo học theo kiểu A, B, C... như tiếng Anh, thế là học viên lại lúng túng, những trường hợp tự học càng gay hơn. Buồn cười hơn, các SV tốt nghiệp (hệ bốn năm) ngành du lịch từ chính ba trường đại học được chỉ định cũng phải quay lại học thêm khóa bồi dưỡng ngắn hạn trên rồi mới được cấp thẻ. “Tại sao phải chỉ định trường đào tạo?”. Thạc sĩ Quỳnh Xuân, hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn, bức xúc: “Chỉ cần tổ chức một kỳ thi về kiến thức nghiệp vụ, ngoại ngữ (do một hội đồng uy tín soạn thảo và thẩm định), ai đáp ứng sẽ được cấp bằng HDV du lịch quốc tế”.

Một số công ty du lịch cũng khẳng định tại TP.HCM số người biết tiếng Nhật hoàn toàn không thiếu (gần 10 cơ sở đào tạo lớn: Đông Du, Sakura, Nikko, các trường đại học...). Lượng người biết tiếng Hàn tuy ít nhưng cũng không đến nỗi khan hiếm trầm trọng.

Qui định về đào tạo không hợp lý nên việc kiểm tra đã trở nên ám ảnh. Có người đang dẫn tour thấy đoàn kiểm tra đến liền bỏ chạy để khách bơ vơ không biết xử lý thế nào, có khi đứng đôi co với đoàn kiểm tra vừa mất lịch sự, vừa gây phản cảm đối với du khách. Cuối năm 2003, hơn 100 HDV đang làm tại các công ty du lịch ở TP.HCM đã gửi bản kiến nghị tập thể đến Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch TP.HCM xoay quanh những bức xúc về việc kiểm tra, cấp thẻ hành nghề.

NGUYỄN TẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên