Tài trợ kinh phí lập quy hoạch: Cần sự minh bạch và công bằng

DƯƠNG NGỌC HÀ 18/09/2022 05:27 GMT+7

TTCT -Các địa phương khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ kinh phí lập quy hoạch, nhưng hiện nay chuyện này chưa có quy định rõ ràng.

Tài trợ kinh phí lập quy hoạch: Cần sự minh bạch và công bằng - Ảnh 1.

Khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các địa phương khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ kinh phí lập quy hoạch, nhưng hiện nay chuyện này chưa có quy định rõ ràng. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không quy định cụ thể sẽ khó đảm bảo công bằng và doanh nghiệp tài trợ kinh phí chẳng khác nào việc bỏ tiền để được ưu tiên giữ đất.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Vài năm trước, một tập đoàn bất động sản lớn đã tặng UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu về định hướng quy hoạch tại TP Phan Thiết do một công ty tư vấn được mời từ Mỹ về lập. 

Thỏa thuận phía sau giữa ông lớn này và chính quyền địa phương không được tiết lộ, nhưng sau khi quy hoạch TP Phan Thiết được phê duyệt, tập đoàn bất động sản này được triển khai hàng loạt dự án tại các vị trí đắc địa của TP Phan Thiết. 

Có thể kể như dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài diện tích 260ha; dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn diện tích 165,97ha tại TP Phan Thiết…

Tại Lâm Đồng, sau vụ lùm xùm về việc Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh tài trợ nghiên cứu phương án chỉnh trang, thiết kế lại khu Hòa Bình – Đồi Dinh của TP Đà Lạt năm 2020, dự án này đến nay chưa có tiến triển. 

Gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã đồng ý chủ trương cho công ty này tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án khác tại TP du lịch này. Đó là các dự án khách sạn tại khu vực Khu công viên văn hóa và đô thị TP Đà Lạt, quy hoạch khu đô thị mới phía đông TP Đà Lạt, khu vực thượng nguồn hồ Than Thở, khu đô thị mới phía đông: quy hoạch Công viên Ánh sáng…

Năm 2015, UBND TP.HCM duyệt quy hoạch 1/2000 khu đô thị mới Bình Quới -Thanh Đa và chỉ định Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư dự án khu đô thị này. Đồ án quy hoạch 1/2000 của Thanh Đa cũng do Bitexco nghiên cứu và tài trợ. 

Dự án sau đó được UBND quận Bình Thạnh đưa vào kế hoạch sử dụng đất ba năm liền, nhưng chủ đầu tư không triển khai được. Đến nay, sau hơn 20 năm chờ đợi, khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa vẫn trong tình trạng quy hoạch "treo".

Liệu có khách quan ?

Tháng 8-2021, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các sở ban ngành: chỉ nhận tài trợ bằng kinh phí, đơn vị tài trợ cam kết tự nguyện, không được bồi hoàn, không có điều kiện gì kèm theo, không có giá trị xác định đơn vị tài trợ là chủ đầu tư và không tham gia vào nội dung quy hoạch. 

Đơn vị tài trợ chi trả kinh phí trực tiếp cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch trên cơ sở nghiệm thu chất lượng sản phẩm.

Tháng 5-2022, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu doanh nghiệp được tài trợ kinh phí quy hoạch là đơn vị chưa được chấp thuận chủ đầu tư thực hiện dự án, không có quyền can thiệp vào nội dung quy hoạch. 

Việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, đảm bảo công khai, minh bạch. Các cơ quan nhà nước sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch đảm bảo đúng quy định pháp luật về quy hoạch. 

Đồng thời, tỉnh không nhận tài trợ quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các khu vực chưa có quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch chung. 

Trước đó, tháng 3-2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã nhận 30 tỉ đồng của Tập đoàn Hòa Phát tài trợ nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chung TP Bắc Giang mở rộng (gồm cả huyện Yên Dũng hiện tại).

Ngoài việc nhận kinh phí tài trợ lập quy hoạch, trước đó nhiều tỉnh thành cũng nhận tài trợ sản phẩm quy hoạch (tức đồ án quy hoạch được các doanh nghiệp thuê công ty tư vấn lập sẵn). 

Tuy nhiên từ tháng 5-2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương không nhận tài trợ lập quy hoạch bằng sản phẩm mà chỉ tiếp nhận tài trợ bằng kinh phí. 

Còn tại TP.HCM, một cán bộ Sở Quy hoạch - kiến trúc TP cho biết TP hiện không nhận tài trợ bằng tiền cũng như sản phẩm cho việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. 

Chỉ nhận kinh phí tài trợ

Tháng 4-2022, Bộ Xây dựng có văn bản gửi các tỉnh thành về tăng cường công tác quản lý lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Trong công văn trao đổi với các tỉnh thành, Bộ Xây dựng khẳng định chỉ nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, không nhận tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch.

Bộ Xây dựng yêu cầu việc sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch phải đúng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc triển khai lập các đồ án quy hoạch phải bảo đảm các trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, đất đai và các quy định khác có liên quan.

"Thực ra nhiều đơn vị muốn tài trợ lập quy hoạch bằng tiền, nhưng hiện TP chưa tiếp nhận. Tiền tài trợ của các đơn vị phải nộp ngân sách nhà nước, sau đó xuất chi cũng phải tuân thủ theo quy định chi ngân sách, tốn rất nhiều thời gian và thủ tục", cán bộ này cho biết.

Theo cán bộ trên, trong quá trình nghiên cứu và định hướng ý tưởng quy hoạch chung cho địa phương mình, các quận huyện có thể nhận tài trợ của của doanh nghiệp miễn sao mục tiêu cuối cùng phải tốt. 

Nhưng khi đồ án quy hoạch của quận, huyện đề xuất lên phải được Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP và các cơ quan chức năng thẩm định theo quy trình công bằng, khách quan", cán bộ trên nói.

Ông Nguyễn Thanh Hải, viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, cho biết hiện nay gần như không còn trường hợp nào nhận tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch mà nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch bằng tiền. 

Tuy nhiên, chưa có quy định chính thức nào về việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch: loại quy hoạch nào được nhận tài trợ, ai được tài trợ, sử dụng kinh phí tài trợ như thế nào… 

Theo ông Hải, trong khi ngân sách nhiều địa phương chưa đảm bảo chi cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch vốn khá tốn kém thì kinh phí từ xã hội hóa là một nguồn lực đáng kể nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và thực hiện quy hoạch. 

Nhưng việc nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch luôn có hai mặt. Mặt được là các cơ quan chức năng có kinh phí để đẩy nhanh và phủ kín quy hoạch, nhưng mặt trái là tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp muốn đầu tư dự án vào khu vực đang quy hoạch đó.

"Thực tế khó nói là địa phương không ưu tiên cho đơn vị tài trợ kinh phí lập quy hoạch. Ông hàng xóm thường xuyên tặng quà luôn chiếm được cảm tình và được ưu tiên hơn trong các mối quan hệ là chuyện khó tránh", ông Hải nhấn mạnh. 

Ông Hải đề xuất tất cả các khâu trong việc lập quy hoạch nên thực hiện theo quy định như đấu thầu chọn đơn vị tư vấn. "Điều này sẽ tránh được việc các nhà tài trợ chi phối các chỉ tiêu quy hoạch có lợi cho khu vực họ có ý định đầu tư", ông Hải nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, cho rằng quy định chỉ nên cho phép nhận tài trợ kinh phí làm quy hoạch tỉ lệ 1/2000 trở lên vì đó là những quy hoạch chưa có nhà đầu tư, chưa phân biệt ranh giới đất, quy hoạch lên cả một vùng rộng lớn, diện tích đất của chủ đầu tư không nhiều so với diện tích mà đồ án nghiên cứu. 

Ông Nam đề xuất Bộ Xây dựng nên sớm có những quy định cụ thể về việc nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để làm hành lang pháp lý cho các địa phương nhận tài trợ, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch của các địa phương. 

Đây cũng là cơ sở để việc nhận tài trợ được rõ ràng, bảo vệ cả những đơn vị tài trợ, người lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Theo ông Nam, ở một số nước tiên tiến, người dân tự thuê đơn vị tư vấn độc lập "có nghề" đại diện cho mình tham gia hội đồng quy hoạch kiến trúc của TP để cùng xem xét thông qua quy hoạch nhằm giữ cân bằng lợi ích giữa các bên trong quy hoạch. 

Bên cạnh đó, thành phần của hội đồng quy hoạch kiến trúc cần được lựa chọn phù hợp, có sự tham gia của nhiều ngành, có đại diện người dân để bảo đảm lợi ích hài hòa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - trưởng Phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM - đề xuất thành lập một quỹ riêng cho các khoản tài trợ lập quy hoạch. 

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước hay các tổ chức phi chính phủ tài trợ kinh phí lập quy hoạch thì toàn bộ tiền tài trợ đưa vô quỹ đó, việc thu chi có quy trình giám sát, hằng năm có kiểm toán quốc tế kiểm tra. 

Quan trọng là cách chi và quy trình chi phải nhanh gọn hơn so với chi ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả, sát thị trường và có thể phục vụ cho nghiên cứu ngoài lề, chi cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sâu hơn các đồ án. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng lập quỹ này. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận