29/12/2019 08:33 GMT+7

Tan vỡ hôn nhân, ngại lập gia đình, 'một mình xây tổ'...

TẤN KHÔI thực hiện
TẤN KHÔI thực hiện

TTO - Cụm từ đơn thân nuôi con (trong sự chọn lựa chủ động hoặc bị động) thời nay đã trở nên bình thường, một phần vì xu hướng ngại lập gia đình, phần khác, tình trạng hôn nhân tan vỡ cũng tăng lên.

Tan vỡ hôn nhân, ngại lập gia đình, một mình xây tổ... - Ảnh 1.

Gia đình có đầy đủ cha mẹ, mọi người trong gia đình thương yêu nhau sẽ đúng như tên của một gia đình, là tổ ấm - Ảnh minh họa: Q.ĐỊNH

Thực sự, trong vai người làm công tác tham vấn tâm lý, tôi luôn đau đáu rằng nếu những người trong cuộc học được kỹ năng vợ chồng, làm cha mẹ, cách thức xử lý các xung đột trong gia đình thì có lẽ nhiều việc đã khác.

TS Phạm Thị Thúy

Tổ ấm khép lại năm 2019 bằng cuộc trò chuyện với TS PHẠM THỊ THÚY, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM về việc "một mình xây tổ ấm".

* Theo tiến sĩ, xu hướng chủ động nuôi con một mình được bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

- Thực ra, việc một mình nuôi con là một dạng thức gia đình đã có từ xưa, nhiều lý do dẫn tới như một trong hai người (vợ hoặc chồng) không may mất đi, người còn lại phải cáng đáng nuôi con, giữ gìn kỷ cương gia đình, nuôi dạy con cái. Có rất nhiều người đã trải qua tình huống đó và họ thành công trong việc giáo dưỡng con cái.

Tuy nhiên, ngày nay có lẽ nhiều người đã có thể tự chủ về mọi thứ, độc lập trong suy nghĩ, tài chính nên họ không cần có một người vợ hoặc chồng vẫn có thể sống ổn, vẫn thấy mình đảm bảo được việc nuôi con một mình nên lựa chọn làm cha/mẹ đơn thân.

Cũng có nhiều trường hợp khác là do ly hôn. Khi hôn nhân không hạnh phúc, việc chia tay người bạn đời là điều không thể tránh. Sau khi cả hai đã cố gắng cứu vãn mà không thành công thì quyết định không nên tiếp tục để đảm bảo một môi trường mới tốt hơn cho cả hai và cho con cái. 

Tôi cho rằng đó là quyết định dũng cảm và ở một khía cạnh nào đó, người trong cuộc nên chấp nhận sự thật đó để có khởi đầu tốt hơn. Điều đó còn hơn là cố duy trì mối quan hệ mà giữa vợ chồng không còn ấm êm, con cái chứng kiến những hục hặc dẫn tới tổn thương lâu dài về sau.

* Trong trường hợp chẳng đặng đừng, hôn nhân đổ vỡ thì việc "một mình xây tổ ấm" một cách bị động này, những người trong cuộc cần làm gì để ổn định, nhất là với trẻ em?

- Ly hôn là chuyện không ai muốn nhưng khi buộc phải dẫn tới kết cuộc đó, cả hai phải luôn nghĩ đến con cái, đặt ưu tiên con cái lên cao nhất. Không nên kể tội nhau sau khi ly hôn vì điều đó không những gây tổn thương cho nhau mà còn gây tổn thương cho con cái. Do vậy, điều quan trọng nhất tôi thường chia sẻ với các cặp đôi trong tình huống này là ổn định tâm lý cho con cái.

Thẳng thắn trao đổi với con về mối quan hệ của cha mẹ, để con hiểu rằng dẫu cha mẹ không còn sống chung, nhưng tình yêu dành cho con không có gì thay đổi cả. Cả cha và mẹ đều thương yêu con như chưa từng có gì xảy ra.

Tuyệt đối tránh việc kéo con về phía mình, tìm "đồng minh" từ các con để tiếp tục cuộc chiến của cha mẹ hậu ly hôn.

Theo đó, việc cư xử của cha mẹ sau ly hôn rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Đừng lấy tổn thương của chính mình thành "quả bom" giội lên đầu các con. Bản thân cha mẹ phải vượt qua được tự ti, mặc cảm của đổ vỡ để xây dựng niềm tin cho con trẻ.

Tóm lại, phải chân thật và chân thành với con, báo cho con biết tình trạng hôn nhân của cha mẹ, tiếp tục thương yêu, chăm sóc con, không để trẻ cảm thấy thiếu thốn hoặc trở thành công cụ cho cuộc chiến mới của người lớn!

* Trước thềm năm mới, tiến sĩ có lời khuyên nào cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình?

- Trên Facebook tôi có lập một nhóm "Hạnh phúc gia đình", ở đó tôi chia sẻ những bài báo, góc nhìn, câu chuyện thật từ những người mình đã gặp, lắng nghe. Có rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ mà người trong cuộc không mong muốn, nhưng rồi họ phải chấp nhận để giải thoát cho nhau, cho con.

Thực sự, trong vai người làm công tác tham vấn tâm lý, tôi luôn đau đáu rằng nếu những người trong cuộc học được kỹ năng vợ chồng, làm cha mẹ, cách thức xử lý các xung đột trong gia đình thì có lẽ nhiều việc đã khác.

Trong cuộc sống nhanh, gấp gáp hiện nay, nếu mọi người có thời gian sống chậm lại để xây dựng hạnh phúc gia đình thực sự là "tổ ấm" chứ không phải là "tổ lạnh" bằng cách chấp nhận, bao dung cho nhau, có thể "yêu nhau lại từ đầu", lắng nghe, nhìn lại... thì tốt biết bao. Hi vọng "Hạnh phúc gia đình" là một trong những kênh tiếp cận được người trẻ để họ có thể tìm thấy đâu đó một tia sáng trong việc bắt đầu xây dựng hạnh phúc, để có hạnh phúc bền vững hơn.

Nãy giờ chúng ta đang bàn theo chiều xuôi của câu chuyện là khi không thể kéo hôn nhân trở lại nên mới phải một mình xây tổ ấm, còn tốt nhất là mô hình gia đình có đầy đủ cha mẹ, mọi người trong gia đình thương yêu nhau, đúng như tên của một gia đình là tổ ấm.

Có lần con hỏi ba con đâu?

Chị kể, có lần con mình đã hỏi như thế. Chị im lặng nói qua hướng khác. Nhưng rồi sau đó thằng bé vẫn hỏi nữa. "Thằng bé đến trường và cô giáo, các bạn chắc có xầm xì chuyện con không có ba", chị rơm rớm chia sẻ.

Tôi nghe và im lặng, đồng cảm và hiểu cảm giác đó! Rồi chị lại nói: "Bây giờ, mọi người để tâm tới việc một đứa trẻ thiếu cha hoặc mẹ vẫn còn nhiều. Đó chính là điều tồi tệ cho trẻ. Do vậy, việc không thể ở cùng ba mẹ của một đứa trẻ (dù với nguyên nhân nào) đã là một tổn thương, thiếu hụt cần bù đắp thì người khác lại xem đó là đề tài để tán chuyện, tò mò. Từ đó, biến đứa trẻ thành đề tài, lâu ngày dài tháng sao tâm hồn trẻ thơ không bị hoang mang, không cảm thấy mình khác người".

cahcon-xedap(2 2(read-only)

Người cha tốt sẽ trở thành một hình mẫu quan trọng trong mắt con trẻ - Ảnh minh họa: T.T.D.

Tôi giật mình khi nghe nhận định đó vì mình cũng từng được nghe những lời xầm xì nhỏ to như vậy. Có gì lạ lẫm khi một đứa trẻ chỉ có mẹ hoặc cha? Nếu cha mẹ ly hôn thì việc trẻ ở với một trong hai người cũng là chuyện bình thường vì đó là một phần cuộc sống. Đem điều đó làm đề tài chỉ làm tổn thương bạn nhỏ nhiều hơn.

Những vết thương đó có thể dẫn đến tự ti ít nhiều nơi trẻ. "Ba con đâu?" là câu hỏi của tôi và những đứa trẻ trong xóm nghèo - nơi có những công trình thủy lợi thời bao cấp, những đứa trẻ "rơi rớt" là kết quả tình yêu của những cô gái quê và những anh công nhân công trình. Khi công trình xong, cũng là lúc những đứa trẻ tượng hình hoặc được vài tuổi, mẹ các bạn nhỏ phải chờ lời hứa cưới xin biền biệt của người cha đã vô tình "quên" mất.

Tất nhiên, những đứa trẻ rồi cũng lớn lên theo cách của mình, có người thành công, có người không, nhưng hẳn câu hỏi ngày xưa vẫn chập chờn trong giấc mơ của các bạn. Cũng may, có những đứa trẻ lớn lên trong tình thương chỉ của mẹ và mẹ chúng không gieo vào đầu con ý niệm "phản bội", bằng từ "hận", thậm chí khắc vào cả giấy khai sinh con cái tên "Hoài Hận"...

Giữa những cơn đau, cơn giận của người lớn vì lỗi của người này hay sự lầm của người kia, một chút nóng nảy, một chút nhẹ dạ, một chút thiếu suy nghĩ... đôi khi người lớn đã làm cho cuộc sống mình thêm bế tắc, bóp chết một mầm xanh hi vọng, niềm tin yêu đời nơi một đứa trẻ do mình sinh ra. Đó là điều chị rút ra như bài học cho riêng mình, khắc cốt.

Làm sao để một mình xây tổ ấm? Câu trả lời tôi hồi âm cho chị là dù gì cũng phải bình tĩnh, tư duy tích cực trong mọi tình huống, nhận diện sự thật đang diễn ra để có cách sống tốt nhất với nó chứ đừng bao giờ tìm cách làm cho mọi thứ xấu thêm chỉ vì mình không đủ bao dung, yêu thương không đủ lớn trong khi ích kỷ luôn có thừa!

LƯU ĐÌNH LONG

Muốn xây tổ ấm phải dạy con ngoan Muốn xây tổ ấm phải dạy con ngoan

TTO - Làm gì để xây dựng, bảo vệ gia đình? Vai trò của người phụ nữ thế nào trong gìn giữ nếp nhà, nhất là trong thời hiện đại?

TẤN KHÔI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên