27/08/2020 21:31 GMT+7

Thành phố Manaus giảm mạnh số ca COVID-19 nhờ 'miễn dịch cộng đồng'?

MINH HẢI (Theo Washington Post, The Times)
MINH HẢI (Theo Washington Post, The Times)

TTO - Thành phố Manaus của Brazil bỗng nhiên giảm mạnh số ca mắc COVID-19 mà không nhờ vắcxin hay bất cứ loại thuốc nào, điều này khiến một số nhà khoa học cho rằng nơi đây đã đạt được 'miễn dịch cộng đồng'.

Thành phố Manaus giảm mạnh số ca COVID-19 nhờ miễn dịch cộng đồng? - Ảnh 1.

Khả năng miễn dịch cộng đồng có nghĩa là một quốc gia không còn nguy cơ nhiễm COVID-19 nữa. Tuy nhiên để đạt được điều đó, phải có tới 70% dân số nhiễm virus, do đó có thể hàng triệu người sẽ chết. Hình ảnh ghi lại cách đây 4 tháng tại nghĩa trang Parque Taruma ở Manaus - Ảnh: AFP/GETTY

Thành phố Manaus từng là một trong những điểm tối nhất của đại dịch COVID-19 khi có số ca nhiễm và người tử vong lên đến hàng nghìn người. Xác chết của các nạn nhân phải chất đống trong các xe tải lạnh vì không đủ lực lượng giải quyết và thiếu nơi chôn cất.

Thế nhưng trong 2 tháng trở lại đây, mặc dù thiếu các biện pháp kiểm soát nhưng Manaus lại chứng kiến ​​sự sụt giảm rất nhanh các trường hợp mắc bệnh và tử vong vì COVID-19.

Manaus nằm giữa một khu rừng nhiệt đới tại bang Amazonas, từng gây xôn xao quốc tế cách đây 4 tháng khi hình ảnh máy bay không người lái ghi lại cảnh những chiếc xe ủi đất đang đào mồ chôn các nạn nhân cùng hàng trăm thi thể được cất giữ trong các xe tải đông lạnh.

Thị trưởng thành phố mô tả khung cảnh này giống như một 'bộ phim kinh dị'.

Nhưng không giống như phần lớn châu Á và châu Âu, thành phố này lại không áp đặt các quy tắc giãn cách xã hội hay quy định phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Amazonas là một trong những bang bị đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề nhất đất nước Brazil, với 116.579 ca mắc và 3.588 trường hợp tử vong, tính đến ngày 26-8. Hầu hết đều ở thành phố Manaus.

Thành phố Manaus giảm mạnh số ca COVID-19 nhờ miễn dịch cộng đồng? - Ảnh 2.

Biểu đồ cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại Amazonas đang giảm dần. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc chắn tỉ lệ tử vong của dịch COVID-19 nhưng tin rằng nó sẽ giết chết khoảng 0,6% tổng số bệnh nhân, hầu hết là người cao tuổi - Ảnh: Dữ liệu từ Bộ Y tế Brazil

Theo Bernardo Albuquerque - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Liên bang Amazonas, thành phố này có đến 80% các đơn vị chăm sóc đặc biệt và 80% bác sĩ chuyên ngành của toàn bang Amazonas.

Không có lệnh cấm chính thức nào được áp dụng cho thành phố. Việc đeo khẩu trang là tự nguyện.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - người từng bị nhiễm virus - đã bác bỏ tác động của virus và yêu cầu chấm dứt các biện pháp đóng cửa đất nước.

Trong khi nhiều quan chức đất nước không đồng tình với tổng thống và áp đặt các biện pháp kiểm dịch của riêng họ thì Manaus lại nghiêng theo ý của ông Jair Bolsonaro.

Vào ngày 6-5, Hội đồng lập pháp của bang Amazonas đã thông qua dự luật cho phép mở cửa trở lại các đền thờ, các cửa hàng bán lẻ 'không thiết yếu' được mở vào ngày 1-6. Các trường tư đã mở cửa trở lại vào tháng trước.

Thật bất ngờ là Manaus không thấy các trường hợp mắc COVID-19 gia tăng như các quốc gia khác, bao gồm cả Vương quốc Anh và các khu vực châu Âu.

Thậm chí, số ca tử vong cũng giảm khiến bệnh viện dã chiến của thành phố từng quá tải vì bệnh nhân phải đóng cửa.

Tính đến hiện tại, bang Amazonas ghi nhận khoảng 780 trường hợp mắc mới mỗi ngày và 10 trường hợp tử vong. Con số này vào cuối tháng 5 là 2.700 trường hợp mắc và 50-100 người chết mỗi ngày.

"Chúng tôi không có lời giải thích cụ thể nào. Manaus thực sự là một trường hợp thú vị", Jarbas Barbosa da Silva, thuộc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), cho biết.

Theo ông Barbosa, sự sụt giảm các ca bệnh tại Manaus gợi ý giả thuyết về "một động lực tự nhiên" hơn là ảnh hưởng của các sáng kiến ​​sức khỏe cộng đồng. Có thể vào thời kỳ đỉnh dịch ở Manaus, sự lan truyền trong cộng đồng rộng rãi đến mức nó có thể tạo ra một số loại miễn dịch tập thể.

Tuy nhiên, Manaus đã "phải trả một cái giá rất lớn" và số người chết "là một thảm kịch".

Miễn dịch cộng đồng có hay không?

Khả năng miễn dịch cộng đồng xảy ra khi dân chúng được bảo vệ khỏi một căn bệnh vì nhiều người đã tiếp xúc với bệnh, đã mắc bệnh hoặc đã được tiêm phòng, nên bệnh không thể lây lan.

Các nghiên cứu trước đây đặt giả thuyết rằng 60-70% dân số sẽ cần phải mắc COVID-19 hoặc được tiêm phòng thì mới đạt được trang thái "miễn dịch cộng đồng". Nhưng các nghiên cứu mô hình khác gần đây lại cho thấy chỉ cần 10-20% dân số mắc COVID-19 là đủ.

Hiện tại, một số nhà dịch tễ học đưa ra giả thuyết rằng các khu vực của London (Anh) và New York (Mỹ) cũng đã đạt được "khả năng miễn dịch đáng kể".

Các quan chức y tế ở những khu vực có mật độ cao như Mumbai và Delhi của Ấn Độ cũng nghiên cứu cho thấy có tới 1/4 số người có kháng thể chống lại căn bệnh này.

Các chuyên gia y tế Thụy Điển cũng tuyên bố đã đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng trong khi không thực hiện giãn cách xã hội.

Các nghiên cứu về kháng thể hiện được coi là cách chính xác nhất để tính toán số lượng dân số đã bị nhiễm bệnh. Bởi vì hàng triệu bệnh nhân bị nhiễm có thể đã không được xét nghiệm trong thời kỳ đỉnh dịch, vì thiếu cơ sở vật chất hoặc vì họ không có triệu chứng.

Dựa trên các nghiên cứu về kháng thể trước nay, không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ quốc gia nào trên thế giới từng phát triển miễn dịch cộng đồng.

Vấn đề miễn dịch cộng đồng hiện vẫn đang được giới khoa học thế giới mổ xẻ nghiên cứu.

WHO: Thế giới còn cách miễn dịch cộng đồng rất xa WHO: Thế giới còn cách miễn dịch cộng đồng rất xa

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói vắc xin là cách duy nhất thoát khỏi đại dịch COVID-19, nhưng nhiều khảo sát cho thấy một tỉ lệ lớn dân số sẽ nói "không" với vắc xin vì lo ngại về tính an toàn của sản phẩm này.

MINH HẢI (Theo Washington Post, The Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên