22/07/2021 10:35 GMT+7

Thành phố trẻ bên núi già

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Núi Thiên Bút, biểu tượng của văn phong sĩ khí và tinh thần hiếu học của người Quảng Ngãi, nằm ngay trung tâm TP Quảng Ngãi. Càng thú vị hơn khi ngọn núi này như điểm nối giữa thành phố già hiện hữu và thành phố trẻ ở hướng đông dần thành hình.

Thành phố trẻ bên núi già - Ảnh 1.

Khu đô thị Phú Mỹ sẽ là điểm kết nối đầu tiên và quan trọng cho sự phát triển hướng về phía đông của TP Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Ngọn núi mang linh hồn xứ sở là 1 trong 12 kỳ cảnh của tỉnh từng được Tuần vũ Phủ Quảng Ngãi Nguyễn Cư Trinh đề vịnh Thiên Bút phê vân. Nay ngọn núi già mang một sứ mệnh mới, sẽ trở thành điểm nhấn cho thành phố trẻ tiến về phía biển.

Vì sao Thiên Bút phê vân?

"Núi Bút phê vân khéo lạ lùng
Cây điểm ra hoa, hoa điểm nhụy
Mây thành có sắc, sắc thành không
Giang sơn đúc lại còn danh giá
Cốt cách xinh vầy tự hóa công
Thêu dệt văn chương trên đế tọa
Hơn mười hai cảnh giữa non sôn
g" 

Bài thơ theo lối thất ngôn của Đại am Nguyễn Cư Trinh vịnh núi Thiên Bút mô tả ngọn núi tọa lạc ở một vùng đồng bằng rộng lớn, cảnh đẹp cũng được nhắc đến với cây cỏ, hoa lá, mây vờn... ít nhiều cũng khiến chúng ta hình dung vì sao núi Thiên Bút là 1 trong 12 cảnh đẹp của xứ Cẩm Thành xưa (Quảng Ngãi ngày nay).

Tiến sĩ văn hóa Nguyễn Đăng Vũ, một nhà nghiên cứu về Quảng Ngãi nổi tiếng, gọi núi Thiên Bút là "ngọn núi mồ côi" bởi ngọn núi này cô đơn giữa một đồng bằng rộng lớn. 

Trong suốt chiều dài lịch sử, những ghi chép của tiền nhân trong Đại Nam nhất thống chí, Quảng Ngãi nhất thống chí, Quảng Ngãi tỉnh chí, Địa dư Quảng Ngãi, Non nước xứ Quảng, Địa chí Quảng Ngãi... đều dành những trang ghi chép, mô tả về núi Thiên Bút. 

"Núi Bút tượng trưng cho văn phong sĩ khí, còn núi Thiên Ấn tượng trưng cho vương quyền. Cả hai ngọn núi đều được người Quảng Ngãi bao thế hệ xem trọng như linh hồn của vùng đất vậy", tiến sĩ Vũ chia sẻ.

Nhưng vì sao gọi là "Thiên Bút phê vân"? Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ chia sẻ rằng nhà nghiên cứu văn học Phạm Việt Tuyền từng viết "Bài Thiên Bút phê vân vịnh núi Thiên Bút. Hòn núi này nổi lên giữa đồng bằng như hình một cây bút phê lên giữa trời mây vậy". 

Còn nhà biên khảo Phạm Trung Việt giải thích thêm: "Núi Bút buổi sáng sương mù bốc lên chập chờn lưng chừng đồi, tỏa lần lên đỉnh núi chan hòa với mây xanh. Ngọn núi nhọn bị sương che lấp, xa xa như ngọn bút viết lên mây. Không phải lúc nào cũng có hiện tượng này, mà mỗi lần có bút phê vân thì dân địa phương tin có việc lớn diễn ra trong tỉnh".

Tiến sĩ Vũ tóm lược: "Có rất nhiều tài liệu giải thích cho bài thơ Thiên Bút phê vân của Nguyễn Cư Trinh viết năm 1750. Tất cả đều kiến giải ngọn núi Bút có hình chóp nhọn, tựa như ngọn bút nhô cao giữa cánh đồng. Khi có mây vây quanh trên đỉnh núi thì đó là lúc bút trời đã vẽ, viết".

Sách xưa là vậy, nhưng tiến sĩ Vũ vẫn có cách kiến giải riêng của mình sau khi cuộc khảo cổ trên đỉnh núi Thiên Bút (tháng 2-2017) phát hiện một nền tháp chính rộng hơn 400m2 cùng với hơn 100 hiện vật thuộc văn hóa Champa, đặc biệt là bộ sinh thực khí (linga - yoni) thuộc loại lớn nhất nước được tìm thấy. 

Nền móng của tháp Chăm trên núi Bút có nhiều điểm tương đồng với tháp chính của Tháp Bà (Nha Trang), tháp chính của tháp Bánh Ít (Bình Định)... Các nhà nghiên cứu cũng xác định niên đại của tháp Chăm trên núi Bút được xây dựng vào thế kỷ XI, có độ cao nhô lên đỉnh núi khoảng 25m.

Từ những cứ liệu khai quật, tiến sĩ Vũ cho rằng có thể thời Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Phủ Quảng Ngãi thì tháp Chăm trên núi Thiên Bút vẫn còn. 

"Tôi suy đoán có thể khi viết bài thơ, tác giả nhìn thấy tháp Chăm vươn trên đỉnh núi như ngọn bút của trời vờn mây giữa đồng trống, còn lắm cỏ hoa mà vịnh thơ rằng Thiên Bút phê vân. Nhất là khi đọc 2 câu kết của bài thơ "Thêu dệt văn chương trên đế tọa - Hơn mười hai cảnh giữa non sông". Ngọn bút có thể là tháp Chăm, đế tọa có thể là núi Thiên Bút", tiến sĩ Vũ lập luận.

Thành phố trẻ bên núi già - Ảnh 2.

Núi Thiên Bút sẽ là không gian công viên, tiện ích xã hội tuyệt đẹp của TP Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Thành phố trẻ dưới danh sơn

Thiên Bút của quá khứ được tiền nhân "chấp bút" như họa trời, tô đất. Vẻ đẹp ấy dường như đang được thế hệ tiếp sau kế thừa. 

Ông Hà Hoàng Việt Phương, chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, mở tấm bản đồ quy hoạch các trục chính cho sự phát triển của TP Quảng Ngãi, trong đó có một điểm xanh khá lớn hiện lên trên bản vẽ. Ông Phương bảo cụm xanh ấy là núi Thiên Bút, trong tương lai nơi đây sẽ là công viên lớn, điểm kết nối cho các đô thị xung quanh.

Quỹ đất dưới chân núi rộng lớn sẽ trở thành các điểm vui chơi cộng đồng, những công trình phục vụ dân sinh. Ông Phương chia sẻ rằng TP Quảng Ngãi sẽ có nhiều điểm nhấn nhưng lớn nhất phía bắc TP sẽ là núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc, còn phía nam sẽ là núi Thiên Bút, sông Bàu Giang. Cả TP Quảng Ngãi sẽ được ôm trọn trong những biểu tượng này.

"Chắc chắn TP Quảng Ngãi sẽ phát triển về phía đông, tương lai đây sẽ là một thành phố trẻ năng động. Như cách Đà Nẵng từng xây dựng nên quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Gần đây là khu Hòa Xuân, Hòa Quý". 

Đứng trên núi Thiên Bút, nhìn về tứ phía, chúng tôi càng hiểu thêm lời ông Phương nói. TP Quảng Ngãi đã quá chật chội ở các hướng với quy hoạch đô thị cũ, chỉ có vài trục đường chính, còn lại là hẻm phố.

Đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn, khi sự phát triển ngày một hiện đại thì chiếc áo quá chật chội sẽ được thay thế bằng một tấm áo mới. Từ đỉnh Thiên Bút nhìn về phía đông, một khu đô thị rộng lớn có tên khu đô thị Phú Mỹ được hình thành với khoảng 3.000 lô đất và các tiện ích kết nối. 

Phía xa xa về phía đông, một khoảng không gian rộng lớn là giai đoạn 2 của dự án này. Sắp đến, một công viên 10ha sẽ được chủ đầu tư dự án xây dựng trong lòng khu đô thị này.

Chúng tôi hỏi về dự tính cho khu đô thị sẽ khởi đầu cho quá trình "đông tiến" của TP Quảng Ngãi, đại diện chủ đầu tư cho biết quỹ đất cho giai đoạn 2 đã được đền bù xong, việc triển khai thi công chỉ là vấn đề thời gian. Giai đoạn 1 của khu đô thị này đang dần lấp đầy dân cư, những cư dân trẻ tìm đến không gian thoáng hơn đã chọn dịch chuyển ra khỏi thành phố hiện hữu. 

Anh Nhân, một người dân sống trong khu đô thị Phú Mỹ, chia sẻ: "Tôi là một trong những người đến sinh sống đầu tiên ở đây. Với tôi, phía đông Quảng Ngãi vẫn là khu đáng sống. Trong quá trình lựa chọn các khu đô thị ở phía đông, tôi chọn Phú Mỹ bởi ông bà nói "Nhất cận thị, nhị cận giang". 

Nơi tôi đang sống đáp ứng được điều này khi nằm ngay bên cạnh sông Bàu Giang, gần chợ, bến xe, bệnh viện và sắp đến sẽ là công viên núi Thiên Bút".

Thiên Bút là núi già khi nhìn vào niên đại của tháp Chăm được khai quật. Nhưng hiện tại, ngọn núi ấy đang rất trẻ. Sự trẻ trung đến từ một thành phố vây quanh ngọn núi của văn phong sĩ khí đất này...

Quảng Ngãi đề xuất xây sân bay ở đảo Lý Sơn Quảng Ngãi đề xuất xây sân bay ở đảo Lý Sơn

TTO - Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng cảng hàng không quốc tế tại đảo Lý Sơn. Sân bay sẽ đáp ứng 3 - 3,5 triệu hành khách/năm, khai thác các loại tàu bay A320, 321 và tương đương.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên