13/12/2021 19:42 GMT+7

'Thành phố trong thành phố đầu tiên mà đi đâu cũng kẹt'

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - 'TP.HCM đi đâu cũng kẹt. Nói TP Thủ Đức là thành phố trong thành phố đầu tiên nhưng bước ra là kẹt. Đi Bình Dương, Đồng Nai kẹt, đi Tây Nguyên kẹt, đi miền Tây cũng kẹt', nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nói.

Thành phố trong thành phố đầu tiên mà đi đâu cũng kẹt - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư - Ảnh: THẢO LÊ

Chiều 13-12, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.

Chưa phân cấp phân quyền rõ ràng

Tham luận tại hội nghị, bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - nói TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền đô thị nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể để TP vận hành mô hình chính quyền đô thị, nên khi triển khai chưa có sự phân cấp phân quyền rõ ràng.

Dẫn chứng, TP Thủ Đức hiện vẫn được nói là thành phố trong thành phố đầu tiên cả nước nhưng vẫn chưa có chính sách vận hành phù hợp, vẫn như một quận lớn của TP. 

Theo bà Thảo, TP xây dựng chính quyền đô thị trong bối cảnh ngân sách đầu tư vô cùng khó khăn, hạ tầng quá tải, nhiều điểm nghẽn. Ngân sách đầu tư của TP.HCM hiện rất hạn chế, nhất là sau thời gian dài TP tập trung phòng, chống dịch bên cạnh khó khăn khi những công việc tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có vấn đề Thủ Thiêm.

"TP.HCM đi đâu cũng kẹt. Nói TP Thủ Đức là thành phố trong thành phố đầu tiên nhưng bước ra là kẹt. Đi Bình Dương, Đồng Nai kẹt, đi Tây Nguyên kẹt, đi miền Tây cũng kẹt", bà Thảo nhấn mạnh.

Thành phố trong thành phố đầu tiên mà đi đâu cũng kẹt - Ảnh 2.

Theo bà Phạm Phương Thảo, cần gắn việc xây dựng chính quyền đô thị với chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - Ảnh: THẢO LÊ

Để xây dựng chính quyền đô thị, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng TP cần có sự phân cấp phân quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo. Cần tăng sự tự chủ cho chính quyền địa phương nhiều hơn.

"Nếu bộ máy với chức năng nhiệm vụ không rõ ràng, trách nhiệm của người đứng đầu không làm rõ thì rất chậm trễ. Người chịu trách nhiệm thì có đó nhưng xin ý kiến còn lòng vòng, chậm trễ lắm. Như thế thì làm thế nào để cải thiện môi trường đầu tư", bà Thảo đưa ý kiến.

Bên cạnh đó, bà Thảo cho rằng nên chăng TP cần đề xuất ổn định nguồn ngân sách để lại để có nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng và những vấn đề đô thị. Vừa qua, Quốc hội có tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 21%, tuy nhiên bà Thảo cho rằng vẫn còn quá ít.

"Tôi nghĩ nên chăng ổn định tỉ lệ điều tiết theo con số tuyệt đối. Một năm 400.000 - 500.000 tỉ gì đó, ổn định trong 5 năm. Để khi có nguồn dôi ra thì TP chủ động đầu tư phát triển. Cứ tính theo tỉ lệ thì TP rất khó chủ động trong những quyết sách để phát triển", bà Thảo nói.

1 công chức phục vụ 1.117 dân

Về vấn đề tinh giản biên chế trong thực hiện chính quyền đô thị, bà Phạm Phương Thảo cho rằng biên chế giảm nhưng nếu giảm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành. Bà Thảo cho rằng việc giảm biên chế phải dựa trên tỉ lệ dân cư.

Vừa rồi qua dịch TP phát hiện ra hạn chế của y tế cơ sở. Tỉ lệ nhân viên y tế tuyến phường xã tại TP.HCM chỉ đạt 2,3 trên 10.000 dân, trong khi tỉ lệ này của cả nước là 7, TP Hà Nội là 6. Bà Thảo cho rằng do chế độ chính sách không phù hợp nên không thu hút được nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, khi thực hiện nghị định 34, TP đã tiến hành tinh giản cán bộ không chuyên trách ở các phường xã gây nhiều khó khăn. TP có 182 phường xã trên 50.000 dân và 3 phường xã tới 100.000 dân. 

"Thử hình dung, mấy chục con người phải phục vụ 100.000 dân là rất khó khăn và không thể nào phục vụ chu đáo được", bà Thảo nói.

Bà Thảo cho rằng TP.HCM phải có kiến nghị để giải quyết thỏa đáng vấn đề công chức. Bên cạnh đó, nghiên cứu giao cho đơn vị ngoài công lập thực hiện một số dịch vụ công trên cơ sở có sự quản lý, kiểm tra. Hiện mô hình này được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đã giảm được áp lực cho bộ máy, đồng thời giảm bớt các tiêu cực.

Thành phố trong thành phố đầu tiên mà đi đâu cũng kẹt - Ảnh 3.

Ông Lê Hồng Sơn - phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ

Còn theo ông Lê Hồng Sơn - phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, trong bối cảnh TP triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức chính quyền đô thị, đội ngũ cán bộ càng có vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền.

Thực tiễn đặt ra cho TP yêu cầu ngày càng cao, đó là áp lực tăng dân số cơ học ngày càng nhanh, khối lượng công việc của công chức, viên chức rất lớn và hiện đang quá tải. Hiện nay, trung bình 1 công chức phải phục vụ khoảng 690 người dân. Nếu tính cả khách vãng lai thì 1 công chức phải phục vụ 1.117 người dân.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng đầu tiên phải làm tốt khâu tuyển dụng cán bộ. Đồng thời, phải thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc; thay thế những cán bộ yếu kém phẩm chất và năng lực. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm và phải có chính sách đãi ngộ phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân: 'Cần 3 đột phá để phát triển TP Thủ Đức'

TTO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để TP Thủ Đức phát triển như kỳ vọng thì cần 3 đột phá, cụ thể là tự chủ cao; hạ tầng 4.0 và đô thị; nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cũng phải đột phá về đầu tư nếu không, khó mà phát triển.

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên