04/01/2024 18:34 GMT+7

Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chưa có quyền xử phạt hành chính?

Sở Tư pháp TP.HCM vừa có hướng dẫn về thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đơn vị vừa được công bố thành lập ngày 31-12-2023.

Lực lượng chức năng thanh tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: TT

Lực lượng chức năng thanh tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: TT

Công văn của Sở Tư pháp TP.HCM gửi ngày 26-12-2023 - trước thời điểm công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.

Theo Sở Tư pháp TP, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính - PV), thanh tra sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền xử phạt.

Luật này cũng nêu Chính phủ sẽ quy định cụ thể các nội dung như hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh...

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 quy định về vị trí, chức năng của thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc thành lập cơ quan thanh tra cấp sở được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Chánh thanh tra sở là chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp TP, quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu các chức danh có thẩm quyền xử phạt phải được Chính phủ quy định tại nghị định xử phạt trong lĩnh vực chuyên ngành.

Trong khi, chánh thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP là chức danh mới và có những chức năng, nhiệm vụ mới do tiếp nhận thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ chánh thanh tra Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Do đó, Sở Tư pháp đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm (nay là Sở An toàn thực phẩm TP) xem xét, trao đổi với Thanh tra TP về việc thành lập thanh tra Sở An toàn thực phẩm và tham mưu UBND TP có văn bản gửi Chính phủ báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn về thẩm quyền xử phạt của chức danh chánh thanh tra Sở An toàn thực phẩm để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính chặt chẽ, đúng quy định.

Chưa có quy định về thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra Sở An toàn thực phẩm

Trong văn bản gửi trước đó, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM nêu tại nghị quyết 24 năm 2023 của HĐND TP.HCM quy định Sở An toàn thực phẩm có nhiệm vụ, quyền hạn được kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của UBND TP.HCM.

Tuy nhiên, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm không quy định thẩm quyền của chánh thanh tra Sở An toàn thực phẩm.

Vì vậy, ban đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn chánh thanh tra Sở An toàn thực phẩm có được áp dụng thẩm quyền xử phạt về lĩnh vực an toàn thực phẩm tương đương với các chức danh chánh thanh tra được quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm hay không.

TP.HCM có Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nướcTP.HCM có Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM được thành lập để thay thế Ban An toàn thực phẩm đã hoạt động 7 năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên