20/04/2024 05:55 GMT+7

Thất nghiệp, chịu thương chịu khó tảo tần thì vẫn sống được

Nghỉ việc vì thất nghiệp hay bị giảm lương, một số người lao động chuyển qua bán những món ăn sáng bình dân như xôi đậu, bánh mì…

Chị Trần Xuân Trang bán há cảo ở quận 10 (TP.HCM) thay cho công việc trước đây - Ảnh: YẾN TRINH

Chị Trần Xuân Trang bán há cảo ở quận 10 (TP.HCM) thay cho công việc trước đây - Ảnh: YẾN TRINH

Giữa dòng xe cộ xuôi ngược, những anh chị công nhân thất nghiệp vẫn cần mẫn mưu sinh nơi góc phố, "gói" giấc mơ trụ lại TP.HCM bằng những phần bán 10.000 - 20.000 đồng.

Sáng sớm, nơi góc đường Điện Biên Phủ (quận 10), đông người bày hàng ăn sáng. Bên này bánh mì chả cá, xôi bắp, bên kia là nui, mì xào… Chị Trần Xuân Trang (42 tuổi, quê Cần Thơ) sắp xếp lại mớ hộp, lau tủ kiếng. Mở nồi há cảo hấp còn lưng lửng, chị dõi mắt ra đường ngóng những người khách ghé vô.

Tự làm, không phụ thuộc ai

Giọng chân chất, chị Trang cho biết mình bán xe há cảo này từ tháng 10 năm ngoái. Trước đây làm nhân viên bán hàng cho một công ty sản xuất đồ nội thất, ngày nào chị cũng đi làm tới tối muộn với thu nhập chưa tới 10 triệu đồng mỗi tháng. Sau này, người ta chuộng mua online, công ty làm ăn khó khăn hơn nên chị nghỉ việc.

Ai mới thôi việc thường chông chênh và chị cũng vậy. Chị nhớ lại: "Nghỉ xong, tôi làm tùm lum nghề như bảo mẫu, lao công, giúp việc. Rồi tôi học cách làm há cảo. Bán như vầy tạm sống được, tự mình làm, ngày nào mệt thì nghỉ".

Ban đầu người phụ nữ vóc dáng mảnh mai chạy xe máy chở theo tủ há cảo bán lòng vòng khu quận 10. Không chọn bán gần chợ vì tốn tiền mặt bằng, chị hay ghé gần mấy trường học vì học sinh thường chạy ra ăn cái vèo, còn khách vãng lai thì bán chậm hơn.

"Sức mình xoay trở cái xe, quẹo tới quẹo lui nặng lắm. Có người quen chỉ tôi chỗ này, không tốn tiền thuê chỗ. Mỗi ngày tôi bán hai buổi, từ sáng sớm tới 9h, về nghỉ rồi chiều ra bán tiếp, mỗi hộp 20.000 đồng", chị nói.

Ngược về phía đông TP, nơi vỉa hè đường song hành xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), chị Trần Bích Ngũ (40 tuổi) lẹ làng cho phần xôi bắp vào miếng lá chuối lót giấy vuông vức, thêm đậu xanh và chà bông. Khách quen đón lấy gói xôi, nói rằng xôi ngon nên hay ghé mua. "Vị đậm đà, thơm, dẻo mềm, ăn không ngán", khách nhận xét.

Tạm biệt nhà máy, tạm biệt 16 năm đời công nhân, chị Ngũ gắn với nghề bán xôi 5 năm nay và mới chuyển đến vị trí này hơn 2 năm. Chị kể: "Lúc mới ra ít người bán như mình lắm, nay nhiều người nên bán chậm hơn một chút".

Theo gia đình từ Nghệ An vào Đắk Lắk rồi đến Sài Gòn mưu sinh, chị nhận thấy hiện tại thu nhập từ việc buôn bán cao hơn đi làm công ty.

Chịu thương chịu khó là vốn quý nhất

Hơn 8h, trời Sài Gòn đã chang chang nắng, chị Ngũ ngồi chút cho đỡ mỏi chân. Ngó thúng xôi thấy đơn giản nhưng nghe chị nói chúng tôi mới biết công đoạn chuẩn bị cầu kỳ ra sao.

Chất giọng miền Trung, chị hào hứng: "Khuya hai vợ chồng tôi dậy từ 2h, còn nếp thì ngâm từ chiều hôm trước. Xôi khúc thì xào thịt với đậu xanh trước, vo viên, sau đó nếp làm mềm trộn bột lá rau khúc bọc ngoài nhân rồi mới nấu xôi. Xôi xéo dễ hơn, ngâm nếp rồi bỏ bột nghệ, không dùng nghệ tươi vì mùi sẽ nồng".

Xôi bắp là công phu nhất vì bắp phơi khô, ngâm vôi cho lớp mày nổi lên. Chị nấu rồi vớt, chà khi nào vỏ lụa của hạt bay ra hết rồi nấu lại. Mỗi sáng chị bán 30kg xôi.

Chị Ngũ tâm niệm buôn bán nhỏ nhưng chất lượng luôn đặt lên hàng đầu. Như ngày trước chị lấy chà bông ngọt không hợp lắm, sau đó lặn lội tìm gặp đại lý làm vị đậm đà đúng ý mình. Nguyên liệu chị lấy giá sỉ, riêng bắp tận dụng thêm nguồn mẹ chị trồng ở Đắk Lắk rẻ hơn đôi chút. Xôi được gói bằng giấy tự hủy, lót miếng lá chuối nhằm giữ xôi mềm lâu, thơm dẻo hơn.

Rời công ty để ra làm ăn riêng cần gì? Chị cười: "Tôi lên mạng coi cách nấu, riêng xôi khúc thì học khóa online 500.000 đồng. Tôi nấu thử mỗi ngày một ít ăn xem ổn không rồi chỉnh từ từ. Mấy ngày đầu, xôi nhão nhoẹt, sống, khô đủ các kiểu con đà điểu luôn".

Chừng hai tháng, chất lượng ổn định, chị bung ra bán chính thức. Chỉ vô cái xe đẩy bằng tre, chị nói hồi đó thuê người ta đóng 2,5 triệu đồng. Thấy được, chồng chị nghỉ việc, bán thêm ở nơi khác.

Còn với chị Trang, ngoài chi phí mua xe đẩy hơn 2 triệu đồng thì tiền mua nồi hấp, bình gas, nguyên liệu chừng 3 triệu. Vất vả nhưng chị cho biết khâu làm vỏ, làm nhân há cảo có người nhà phụ giúp. Một ngày của chị bắt đầu từ 4h sáng, mỗi loại há cảo là một loại nhân khác nhau như thịt, rau củ… Chị bán mỗi hộp 6 cái bánh đẹp mắt, thêm ít rau răm.

"Mấy ngày đầu tuần bán đắt, cuối tuần chậm hơn. Mỗi ngày lời cỡ 300.000 đồng, đủ chợ búa nọ kia", chị bộc bạch. Ngoài cùng chồng nuôi nấng con gái học lớp 10, chị còn gửi một ít phụng dưỡng mẹ già ở quê.

Phải chịu thương chịu khó

Chị Ngũ cho rằng sự chịu thương chịu khó là quan trọng nhất. Chị tâm sự: "Nghỉ việc là tôi trải nhiều nghề, lên bờ xuống ruộng rồi. Tôi từng đạp xe đi bán rau. 2h-3h sáng tôi vô vườn người ta mua rau về rửa, chất lên đi bán dạo, có chỗ đứng còn đỡ, không thì cực lắm. Bán một tháng xuống 5kg, người đen thui luôn".

Chị Trần Bích Ngũ với xe bán xôi xéo, xôi khúc và xôi bắp

Chị Trần Bích Ngũ với xe bán xôi xéo, xôi khúc và xôi bắp

Trước khi ra mắt xe xôi, với sự nhạy bén chị học cách của người ta đi phát tờ rơi trước các công ty. Chị kể mấy ngày đó anh chị em công nhân kéo đến ủng hộ bán không kịp. Đặc biệt là món xôi xéo có tên lạ, khách tò mò ăn thử, lần sau mua tiếp.

Những "ông bà chủ" tương lai

Xe xôi chị Ngũ mộc mạc là vậy nhưng chị cho biết ngoài chỗ bán của mình và chồng, chị còn thuê sinh viên bán hai chỗ khác và bỏ xôi giá sỉ cho hai điểm bán nữa.

Chị cười: "Tôi bỏ sỉ xôi và đậu xanh kèm, nếu họ cần thì tôi bán kèm chà bông, hành phi luôn. Ai cũng có thể nấu xôi nhưng mỗi người có bí quyết khác nhau. Có người nói tôi bán bí quyết để cho bà xã họ trước kia cũng là công nhân ra bán xôi…".

Giờ đây, mỗi ngày chị thu về 1,5-2 triệu đồng. Sắp tới chị sẽ thuê thêm người bán, mở rộng kinh doanh. Chị cho biết việc quản lý nhân viên là yếu tố quan trọng, phải kiểm soát lượng xôi đã giao, số tiền dự định thu về... Nhoẻn cười, nghĩ xa hơn, chị nói sau này muốn làm chủ một chuỗi thương hiệu về xôi, không đứng bán mà chỉ quản lý.

Còn chị Trang bộc bạch việc bán xe há cảo dần ổn định. Gắn bó TP 24 năm nay, trải nhiều nghề, chị tâm niệm: "Sài Gòn dễ sống, chịu khó đi ra đường là có việc làm".

Nói rồi, chị bán nốt hộp há cảo cuối, dọn dẹp về nghỉ trưa. Dáng chị tần tảo xa dần như một minh chứng cho sự chịu khó, linh hoạt và thích nghi của cư dân nơi TP này.

Ông trời không bít đường sống của ai. Làm công ty có cái sướng mỗi tháng lãnh lương, không lăn tăn chuyện lời lỗ, nguồn khách hàng… như khi buôn bán. Nhưng trong thời buổi việc làm bấp bênh, chuyện người lao động chuyển qua buôn bán với số vốn nhỏ, làm mới cuộc sống với cách mưu sinh mới cũng là hướng sáng sủa nếu chuẩn bị tốt và chịu khó làm ăn.

Xoay nhiều việc để thu nhập tốt hơn

Ngoài bán xôi, chị Trần Bích Ngũ còn bán mỹ phẩm thiên nhiên qua kênh Facebook, Zalo. Hai năm trước, vợ chồng chị mua được căn nhà nhỏ ở Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và đã trả dứt nợ vay.

Còn với anh Trần Văn Hội (25 tuổi), ngoài công việc phân phối sản phẩm cho một hệ thống dược, sáng nào từ 5h30 anh cũng bày xe bán bánh cuốn Bình Định ở đường song hành xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức). Buôn bán ổn, anh thuê thêm một nam sinh viên cùng quê phụ giúp. Bán tới cỡ 10h anh dọn về, đi chợ mua nguyên liệu để chiều ra bán tiếp.

Hotgirl bỏ việc lương cao về làm nghề nuôi lợnHotgirl bỏ việc lương cao về làm nghề nuôi lợn

Cô gái 26 tuổi, tốt nghiệp đại học chuyên ngành văn học, đã khiến nhiều người bất ngờ khi từ bỏ công việc văn phòng ổn định để về quê nuôi lợn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên