02/04/2016 08:00 GMT+7

Thầy đồi bại trò để lại nhiều sang chấn tâm lý

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN

TTO - Dư luận lại thêm một phen bàng hoàng trước thông tin thầy giáo giở trò đồi bại với học sinh.

Trẻ bị lạm dụng tình dục sẽ chịu rất nhiều sang chấn về tâm lý.

Trẻ bị lạm dụng tình dục sẽ chịu rất nhiều sang chấn về tâm lý.

Những vụ án thầy cô giáo sàm sỡ học sinh là không mới. Gần đây nhất là vụ một nữ sinh lớp 5 ở Lào Cai bị thầy giáo giở trò đồi bại đến không dám đi học. Trước đó có vụ thầy giáo tin học giở trò đồi bại với nhiều nữ sinh tại trường tiểu học ở Nghệ An, thầy giáo này đã bị nhà trường kỷ luật và chấm dứt hợp đồng lao động.

Cách đây vài năm cũng đã có vụ cô giáo thể dục phạt nam sinh nghịch ngợm bằng cách nhéo vào đùi non của các em này. Cô giáo này sau đó bị nhà trường khiển trách. Clip một thầy giáo quân sự tổ chức trò chơi bịt mắt “sờ soạng” nữ sinh cũng bị dư luận phản ứng dữ dội.

Không chỉ thầy cô giáo mà cũng có những vụ nhân viên nhà trường hay thậm chí là phụ huynh của những học sinh khác cũng có hành vi dâm ô với trẻ em ngay tại trường học. Một phụ huynh ở Bình Phước và một bảo vệ ở Lào Cai cũng đã bị khởi tố vì có hành vi dâm ô với học sinh tiểu học.

Những vụ việc nói trên cộng với con số thống kê mới đây nhất: từ năm 2011 đến năm 2015 có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em (số liệu của Bộ Lao động - thương binh và xã hội và UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương) đã gióng lên một hồi chuông báo động về vấn nạn này.

Phải chăng môi trường học đường giờ đây đang ngày càng trở nên nguy hiểm?

Học sinh mất niềm tin nơi người lớn

Nhiều người tỏ ra bàng hoàng trước những thông tin trên, không ngờ rằng chính những thầy cô giáo lại có thể làm những chuyện đồi bại đến thế.

ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa cũng bày tỏ nỗi bức xúc: “Không thể chấp nhận được những người thầy vô đạo đức như trên. Đáng lẽ họ phải là tấm gương, là người thay mặt gia đình và xã hội dạy dỗ và bảo vệ các em thì nay họ lại là người hãm hại các em, đẩy các em vào con đường bị hủy hoại về tâm hồn và thể xác”. 

Theo ThS Lê Thị Minh Hoa, bản thân những học sinh bị lạm dụng tình dục, đặc biệt là lại bị chính thầy cô của mình lạm dụng tình dục luôn phải sống trong cảm giác lo sợ, sợ bị bạn bè biết chuyện, bị tẩy chay, bị nói xấu, bị coi thường, sợ gia đình biết và làm lớn chuyện… Ngoài ra, các em còn rất sợ đến lớp.

Điều này để lại rất nhiều sang chấn tâm lý cho các em, sang chấn lớn nhất chính là việc mất đi niềm tin. Người thầy làm cho các em bị mất niềm tin vào người lớn, có trường hợp trở nên không còn tôn trọng người lớn.

Các em luôn sống trong trạng thái đề phòng, từ đó không còn bình tâm để làm bất cứ chuyện gì từ học tập, vui chơi đến xây dựng các mối quan hệ.

Nghiêm trọng hơn nữa, những em gặp phải những chuyện như thế này thường là những em nhút nhát, thiếu khả năng phòng vệ, chỉ cần bị đe dọa là không dám nói, không dám kể.

“Phụ huynh là những người hiểu con mình nhất. Nếu trẻ nhút nhát thì cần phải trò chuyện với con, quan tâm tới con nhiều hơn” - ThS Lê Thị Minh Hoa đưa ra lời khuyên.

Nhà trường phải để cho học sinh được nói!

Theo ThS Lê Hoàng Giang, giảng viên Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), nhà trường phải có cách quản lý để cho những vụ việc như thế này không còn xảy ra trong tương lai.

Cách quản lý hay nhất là dựa trên tinh thần tự do ngôn luận của học sinh. Học sinh có quyền và được tạo điều kiện để nói.

“Trong những vụ việc như thế này thì học sinh thường không dám nói ra, thậm chí với chính cha mẹ của các em. Nhà trường phải là người khơi mào để học sinh nói, phải tạo được niềm tin nơi học trò và phải bảo vệ, ủng hộ học trò thì các em mới dám nói, dám tố cáo” - ThS Lê Hoàng Giang nêu ý kiến.

ThS Lê Hoàng Giang  cho rằng nhà trường phải làm cho học sinh hiểu rằng mình đang đứng về phía học sinh. Nhiều cơ sở giáo dục lại cố tình che lấp những vụ việc như thế này để bảo vệ đồng nghiệp và uy tín của nhà trường. Cách hành xử như thế còn làm tăng nặng hơn tính nghiêm trọng của sự việc.  

Bên cạnh đó, ThS Giang cũng cho rằng ban giám hiệu nhà trường phải đề ra quy định về khoảng cách giữa giáo viên với học sinh và chính bản thân mỗi giáo viên cũng cần ý thức về điều này.

Nhiều trường hợp giáo viên tuy vô tình thân mật nhưng cũng có thể để lại cái nhìn không tốt cho các học sinh. Mối quan hệ ở môi trường sư phạm không thể ở mức quá thân mật như các mối quan hệ ở gia đình.

“Cần đưa ra những quan niệm rõ ràng hơn về khoảng cách giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên và học sinh phải biết dừng lại ở giới hạn nào. Không thể để những vụ việc sai trái xảy ra làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường trong xã hội và đến chất lượng đào tạo của nhà trường” -ThS Giang nhận định.

Cần cả xã hội đồng lòng ngăn chặn

Theo tiến sĩ, luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch, theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, mức cao nhất của khung hình phạt cho “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là 12 năm tù. Đây là một hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội này.

LS Trạch nhận định không nên cho rằng luật chưa nghiêm, khung hình phạt chưa cao nên chưa đủ sức răn đe và tội phạm ngày càng nhiều. Bởi vì thực chất đối tượng phạm tội này đều là những người có trình độ học vấn, có nghề nghiệp ổn định, có nhận thức và hiểu biết pháp luật đầy đủ.

“Do đó, điều chúng ta cần làm là phòng chống hành vi phạm tội này. Đây là công tác không phải chỉ của Nhà nước hay bất kỳ một cơ quan nào mà là sự kết hợp của cả cộng đồng xã hội” - LS Trạch nói.

Toàn xã hội phải cùng bắt tay để ngăn chặn các hành vi đồi bại này bằng nhiều phương thức kết hợp. Ngành giáo dục nên xây dựng lại hệ thống đào tạo, kiểm tra, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên định kỳ để sớm phát hiện những biểu hiện xâm hại học sinh.

Ngoài ra còn cần tổ chức tuyên truyền cho học sinh cách nhận thức như thế nào là hành vi dâm ô để trẻ có thể tự biết cách bảo vệ mình hay tố cáo hành vi của người phạm tội.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, theo ThS Lê Hoàng Giang pháp luật VN vẫn còn chưa nghiêm và còn hay du di.

“Mình hay bệnh vực cho nhau, hay tình cảm với nhau, xét đến công lao này công lao kia để mà không xử phạt nghiêm” - ThS Giang nhận xét.

Thiếu sách dạy phụ huynh giáo dục giới tính cho con

Theo ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa, một trong những điều đáng lưu tâm là chúng ta đã có sách, có chương trình giáo dục giới tính cho các học sinh, tuy nhiên lại không có chương trình dạy cho các bậc cha mẹ làm sao giáo dục giới tính cho con mình.

Nhiều phụ huynh muốn dạy con, nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhiều phụ huynh lại không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, không giáo dục cho con em mình kỹ lưỡng, thậm chí còn lảng tránh không đề cập tới vấn đề này.

“Nhiều phụ huynh tôi tiếp xúc không hiểu những khóa dạy giới tính ở trường, cho rằng nó tốn thời gian. Nhiều người thậm chí còn tịch thu cả sách dạy giáo dục giới tính nhà trường phát cho con vì nghĩ rằng không cần thiết hoặc nghĩ rằng con trai mà cần biết về nữ giới để làm gì. Điều này thực ra rất đáng báo động” - ThS Minh Hoa nói.  

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài: 

>> ThS Lê Thị Minh Hoa: 

>> ThS Lê Hoàng Giang: 

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục