17/11/2023 08:59 GMT+7

Thế giới có đủ lớn cho 2 siêu cường Mỹ - Trung?

Điểm đồng thuận trong các thảo luận là hai nhà lãnh đạo đều mong muốn ngăn không cho căng thẳng Mỹ - Trung leo thang thành xung đột. Song các kết quả tại cuộc gặp thượng đỉnh không mang lại nhiều chỉ dấu có tính hứa hẹn cho quan hệ song phương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang California, Mỹ,  ngày 15-11 trong cuộc gặp bên lề hội nghị APEC - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang California, Mỹ, ngày 15-11 trong cuộc gặp bên lề hội nghị APEC - Ảnh: Reuters

Cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại San Francisco (Mỹ) giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thu hút nhiều quan tâm của giới quan sát, nhất là khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang cạnh tranh gay gắt và chưa đạt được đồng thuận trong các vấn đề quan trọng.

Đối thoại chưa đủ "sức nặng"

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã không gặp nhau kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 năm ngoái. Do đó hội nghị APEC lần này mang lại cơ hội cho các cuộc trao đổi trực tiếp và thẳng thắn. 

Tại cuộc gặp, hai bên đã thống nhất cùng hợp tác chống ma túy, thảo luận về rủi ro và biện pháp quản lý tính an toàn của trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy vậy đã không có cuộc thảo luận chính thức nào liên quan đến việc cấm sử dụng AI trong hệ thống chỉ huy và kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của hai nước.

Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý nối lại liên lạc trực tiếp giữa quân đội hai nước và phía Mỹ nhấn mạnh các kênh quân sự phải luôn mở để ngăn khả năng xảy ra đụng độ. 

Tổng thống Biden coi việc tái thiết lập các kênh liên lạc quân sự là bước đột phá trong cuộc gặp nhưng thực tế các đàm phán như thế đã có từ thời Tổng thống George W. Bush. Liên lạc chỉ bị gián đoạn sau chuyến thăm của cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái.

Ông Tập cũng phàn nàn về việc Mỹ gia tăng hạn chế xuất khẩu đối với chip máy tính tiên tiến, vốn là nền tảng cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Ông Biden phủ nhận và đáp trả rằng ông sẽ không cung cấp bất cứ công nghệ nào mà Trung Quốc có thể dùng cho mục đích quân sự.

Dù tích cực nhưng các cuộc đối thoại và kết quả của nó chưa đủ "sức nặng" để đảm bảo sự ổn định cho quan hệ hai nước. Hàng loạt các vấn đề quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ, nhất là hai bên không thảo luận về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn là nội dung quan trọng từng được nêu trong cuộc gặp giữa hai ông vào tháng 11 năm ngoái. 

Trong khi cam kết quản lý có trách nhiệm quan hệ Mỹ - Trung không được nêu cụ thể trong lần gặp này thì căng thẳng lại tiếp tục khi ông Biden tuyên bố Mỹ không đồng ý với các hoạt động kinh tế "phi thị trường" của Trung Quốc, và rằng chính quyền của ông sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề đó.

Không có tuyên bố chung

Các lĩnh vực hợp tác mà hai nước đồng thuận là quá ít ỏi. Không có cuộc thảo luận nào về Triều Tiên và nỗ lực của ông Biden nhằm thuyết phục ông Tập giúp hạn chế ảnh hưởng của Iran đã không được đáp lại. 

Triều Tiên đang đe dọa đáp trả quân sự với Mỹ sau chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Hàn Quốc. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng sau khi Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt hai cơ sở quân sự của Lực lượng vệ binh Hồi giáo Iran tại Syria.

Trái lại, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang xích lại gần nhau và khẳng định quan hệ hai nước đang tiến triển theo hướng ngày càng chặt chẽ. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Iran và nỗ lực lấp đầy khoảng trống kinh tế và thương mại tại quốc gia Trung Đông này sau hàng loạt biện pháp cấm vận của Washington với Tehran.

Hai nhà lãnh đạo cũng không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Đài Loan. Khi đề cập đến hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, ông Biden đã vấp phải chỉ trích của ông Tập khi ông này cho rằng Mỹ phải chấm dứt việc bán vũ khí cho hòn đảo này.

Cuộc bầu cử tại Đài Loan vào tháng 1 năm sau có thể sẽ là "chất xúc tác" khiến quan hệ Mỹ - Trung lao dốc. Trong khi Mỹ vẫn dè chừng khả năng Trung Quốc nhân sự kiện bầu cử ở Đài Loan để can thiệp vũ lực vào hòn đảo, thì Trung Quốc muốn ngăn người dân Đài Loan bỏ phiếu cho một đảng không có lợi cho Bắc Kinh.

Thử thách cho quan hệ Mỹ - Trung vẫn còn tồn tại. Các thảo luận ngắn về những vấn đề an ninh trong khu vực không thể khỏa lấp thực tế là hai nhà lãnh đạo đã không đưa ra tuyên bố chung. 

Khi nghi kỵ còn tồn tại dai dẳng và lòng tin chiến lược còn quá ít ỏi, không khó hiểu khi cuộc gặp và những nội dung thảo luận của hai ông chỉ mang tính hình thức thay vì chạm vào lõi của quan hệ. Thế giới vẫn đủ lớn cho hai siêu cường nhưng lại là nơi mà chỉ trích và nghi ngại vẫn nhiều hơn sẻ chia và hợp tác.

Cùng muốn tránh xung đột

Tổng thống Biden tuyên bố ông đã có cuộc nói chuyện "xây dựng và tích cực" với ông Tập và cho rằng hai nước nên quản lý tốt quan hệ để cạnh tranh không leo thang thành xung đột.

Đổi lại, ông Tập khẳng định "Trái đất đủ lớn" cho cả hai siêu cường và dù nhiều khác biệt vẫn tồn tại nhưng hai nước "hoàn toàn có khả năng vượt lên những khác biệt".

Liệu những gì hai nguyên thủ tuyên bố có đủ đảm bảo cho triển vọng hòa bình và hợp tác trong quan hệ song phương?

Ông Tập nói với doanh nghiệp Mỹ: Thật sai lầm khi coi Trung Quốc là mối đe dọaÔng Tập nói với doanh nghiệp Mỹ: Thật sai lầm khi coi Trung Quốc là mối đe dọa

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định với lãnh đạo các tập đoàn Mỹ ở San Francisco rằng Bắc Kinh sẵn sàng trở thành đối tác, bạn bè của Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên