19/12/2022 14:27 GMT+7

Thêm 2,6 tỉ đồng cho đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Trung tâm Thiết kế vi mạch (SCDC) thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vừa nhận thêm khoản hỗ trợ từ hai doanh nghiệp với tổng kinh phí 2,6 tỉ đồng để phục vụ công tác đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.

Thêm 2,6 tỉ đồng cho đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam mới bắt đầu đào tạo nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn. Trong ảnh: một góc của Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 19-12, tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn TTC, Tập đoàn SUN Electronics đã bàn giao thiết bị cho Phòng thiết kế vi mạch (Chip Design Lab) thuộc Trung tâm Thiết kế vi mạch (SCDC), thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) với tổng kinh phí 2,6 tỉ đồng. 

Tham dự lễ bàn giao có nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, anh Bùi Quang Huy, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ...

Phòng thiết kế vi mạch (Chip Design Lab) là cơ sở hạ tầng quan trọng đầu tiên của SCDC vừa mới được hoạt động từ tháng 10-2022, dựa trên nguồn ngân sách xã hội hóa. 

Trong đó, đơn vị Synopsys tài trợ 30 bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch (có giá trị nhiều triệu USD) và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ các thiết bị công nghệ thông tin bao gồm 30 máy tính trạm, các thiết bị máy chủ, thiết bị mạng cho phép tổ chức các khóa đào tạo thiết kế vi mạch với quy mô đến 60 học viên. 

Các thiết bị cũng hỗ trợ giảng viên, sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu truy cập và sử dụng phần mềm qua mạng riêng ảo (VPN) để phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu.

Ông Nguyễn Anh Thi - trưởng ban quản lý SHTP - cho rằng sự hỗ trợ này sẽ góp phần tận dụng các cơ hội đang mở ra cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và điện tử Việt Nam. 

"Sự phát triển của SCDC, cùng với sự phát triển của ngành sản xuất điện tử (EMS) trong nước sẽ tạo tiền đề cho nền công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển theo định hướng "Make in Vietnam"", ông Thi nói thêm. 

Trong tháng 12 này, SCDC cũng phối hợp với Synopsys tổ chức khóa đào tạo giảng viên đầu tiên về đào tạo thiết kế vi mạch cho các trường đại học trên địa bàn TP.HCM. 

Ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết SCDC sẽ kết nối với các công ty chế tạo chip để triển khai dịch vụ MPW (Multi Project Wafer) hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hội viên của hội. 

Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đóng gói và thử nghiệm vi mạch, đồng thời triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Vi mạch bán dẫn có tốc độ phát triển từ 7-9% mỗi năm, được xem là nền tảng của tính toán hiện đại. Tại Việt Nam, dù là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn vẫn còn chưa rõ ràng. 

Tự lực tự cường và chip bán dẫn Tự lực tự cường và chip bán dẫn

TTCT - Sau gần 10 năm, cuộc đua trong lĩnh vực phát triển và sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc đã thành bại ra sao

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên