23/11/2022 22:54 GMT+7

Thị trường bất động sản có 'nguội lạnh' trong năm 2023?

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Liệu thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 có nguội lạnh khi dòng tiền từ ngân hàng bị thắt chặt? Cơ hội nào cho nhu cầu nhà ở của thị trường 100 triệu dân?

Thị trường bất động sản có nguội lạnh trong năm 2023? - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư quốc tế đều có góc nhìn lạc quan về vốn M&A trong năm 2023 cho dù còn nhiều thách thức - Ảnh: N.BÌNH

Tại diễn đàn Mua bán & sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 (M&A Vietnam Forum 2022) lần thứ 14 được tổ chức tại TP.HCM chiều 23-11, ông Seck Yee Chung, Công ty Luật Baker & McKenzie, cho rằng nhìn toàn cảnh, bức tranh thị trường M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) không mấy sáng sủa, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Nếu lạc quan, bất động sản nhà ở thương mại có thể gặp khó, nhưng bất động sản nhà kho hay hạ tầng logistics vẫn sẽ có cơ hội phát triển. 

"Sự phát triển tiêu dùng của thị trường 100 triệu dân đang thay đổi, họ muốn được nhận hàng nhanh hơn nên các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư các trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng kho bãi để đáp ứng kỳ vọng đó. Đây là cơ hội của phát triển hạ tầng", ông Seck Yee Chung chia sẻ.

Bà Trang Bùi, tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, thừa nhận thị trường bất động sản đang trầm lắng. Khi nói về bất động sản, người Việt Nam nhìn chung nghĩ ngay đất nền và nhà ở, và thị trường này lại đang tồn tại nhiều bất cập, cần điều chỉnh.

Với diễn biến hiện nay, có quá nhiều quan ngại từ góc độ nhà đầu tư, người mua, chủ đầu tư, cũng như các đơn vị xây dựng. 

"Bất động sản là lĩnh vực đặc thù, có nhiều thâm dụng vốn. Chủ đầu tư thường nhìn vào hai nguồn vốn chính là ngân hàng và phát hành trái phiếu, nhưng hiện nay dùng đòn bẩy tài chính mà không bán được hàng thì rất áp lực", bà Trang nhìn nhận.

Vì vậy, theo bà Trang, năm 2023 thị trường sẽ phải có điều chỉnh thích hợp, không chỉ trong lĩnh vực nhà ở, mà cả giá thuê văn phòng. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang thuê văn phòng giá 70 USD/m2/tháng, giá vậy là quá sức. 

Theo ông Lê Khánh Lâm, chủ tịch Công ty RSM Việt Nam, năm 2023 rất khó để dự báo. Giai đoạn này bất động sản có thể chậm lại, nhưng các ngành tiêu dùng bán lẻ nông nghiệp sẽ sôi động hơn và gần đây có sự dịch chuyển sang viễn thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và năng lượng... 

Tuy vậy, các chuyên gia, nhà tư vấn cho rằng ngành xây dựng, bất động sản vẫn có sức hút trong khẩu vị của các nhà đầu tư quốc tế. Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho rằng thực sự vẫn có khoản vốn rẻ từ các nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng chảy vào bất động sản, nhưng họ phải tìm được các dự án tốt để đầu tư. 

Quan trọng là các công ty muốn thu hút vốn phải lưu ý đến việc chia sẻ thông tin minh bạch, rõ ràng, có kế hoạch hay cách thức ưu tiên trong tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng. 

Theo tổ chức KPMG, 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị giao dịch M&A của thị trường Việt Nam đạt mức 5,7 tỉ USD, giảm khoảng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số lượng giao dịch giảm xuống mức dưới 350 giao dịch, tương đương mức giảm 50% so với mốc gần 700 giao dịch của năm 2021.

Doanh nghiệp Việt bắt đầu làm chủ trong các thương vụ M&A Doanh nghiệp Việt bắt đầu làm chủ trong các thương vụ M&A

TTO - Hoạt động M&A ở Việt Nam được dự báo sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ từ đầu năm sau, khi đại dịch được kiểm soát. Sẽ có những doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để lớn mạnh.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên