25/01/2013 07:18 GMT+7

Thị trường bất động sản: cứu ai?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Tại phiên giải trình về các giải pháp “giải cứu bất động sản” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 24-1, trong khi đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) ví thị trường bất động sản VN đang “kê trên nền bong bóng” thì có những đại biểu khác chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

2pZER2NT.jpgPhóng to
Nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng giải pháp đưa ra đang hướng về phía cung nhiều hơn, thay vì hướng về phía cầu. Trong ảnh: một khu chung cư cao cấp ở Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Nội dung chất vấn là chính sách đưa ra nhằm giải cứu ai và có nên cứu hay không?

Cứu hay không cứu?

Xuất phát từ tính chất “bong bóng” của thị trường bất động sản trong những năm gần đây, với sự chi phối của các nhóm “đầu tư chụp giật”, “đầu cơ mì ăn liền”, các đại biểu Trần Xuân Hòa (chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN), Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề “có nên cứu hay không?”. Theo ông Hòa, “có ý kiến cho rằng các thế lực đang ghìm giá căn hộ, trông chờ Nhà nước giải cứu, vậy chúng ta có nên cứu hay không, hay cứ để cho thị trường điều tiết và coi đó là quá trình phân phối lại tài sản xã hội?”. Ông Lê Nam thì “đề nghị hãy để cho thị trường tự điều tiết, sẽ có lợi cho dân hơn”. Bởi theo ông Nam, “trong các giải pháp bộ trưởng trình bày, tôi thấy chưa có giải pháp nào đủ giải cứu thị trường bất động sản. Vậy để thị trường điều tiết còn hơn giải cứu mà không đủ lực”.

Không trả lời thẳng câu hỏi “cứu hay không cứu”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng “một ngành không thể giải quyết được, đặc biệt là lĩnh vực tài chính tiền tệ phải tham gia vào đây”. Ông thừa nhận chính mình cũng đau đầu với câu hỏi cứu cho doanh nghiệp, cứu cho người dân thì có cứu cho đầu cơ không? “Chúng tôi xác định giải cứu thị trường bất động sản gắn với giải quyết nhà ở xã hội thì đạt được nhiều mục đích: giúp doanh nghiệp, giúp giải quyết nợ xấu, giúp giải quyết việc làm. Đại biểu hỏi là chính sách này giải cứu ai, có lợi ích nhóm hay không, tôi xin trả lời rằng chính sách này hoàn toàn để giải quyết khó khăn cho nền kinh tế” - ông Dũng quả quyết.

“Băn khoăn về cách tiếp cận vấn đề” của bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng giải pháp đưa ra đang hướng về phía cung nhiều hơn, mà đáng lẽ ra phải nhìn vào phía cầu, đưa ra các giải pháp kích cầu thì mới “phá băng” được. “Nên suy nghĩ là nhắm vào dự án đang có, hay kích thích các dự án mới đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, rồi chính các dự án mới này sẽ kích thích thị trường, giúp điều chỉnh giá cả ở các dự án cũ” - ông Hòa khuyến cáo.

Bí ẩn “cục máu đông”

Dẫn các số liệu khác nhau về tổng dư nợ tín dụng, nợ xấu do các cơ quan khác nhau cung cấp, ông Trần Xuân Hòa bình luận thị trường bất động sản “quá bí ẩn”. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa) lên tiếng: “Tôi xin hỏi số liệu báo cáo đã đủ sức tin cậy chưa? Bằng ấy giải pháp đã đủ làm tan dần “cục máu đông” chưa? Điều hành có gì mới?”. Rồi ông Kiêm bình luận: Tồn kho là cái ngọn, nhưng hướng giải quyết cái gốc là hướng thị trường mới như thế nào. “Cục máu đông” có thể tan khi cấp cứu, nhưng mỡ máu vẫn cao, bệnh cũ vẫn còn thì nó lại sinh ra “cục máu đông” mới.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, số dư nợ ở Hà Nội, TP.HCM theo báo cáo chính thức của ngân hàng là 111.000 tỉ đồng, còn số dư nợ trên cả nước là 207.000 tỉ, đưa số liệu này ra thì nhiều người nghi ngại. “Tuy nhiên, số liệu về dư nợ tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước chưa tính đến các khoản vay tiêu dùng khác nhưng thực chất được đầu tư vào bất động sản” - ông Dũng cho hay. Vì vậy, tính tất cả các khoản vay liên quan tới bất động sản thì có thể lên đến 1 triệu tỉ đồng.

Trong các giải pháp, ông Dũng cho biết: “Cái mới ở đây là chúng tôi gắn tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với chiến lược quốc gia về nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Chúng tôi phân ra hai loại: loại nhà ở thương mại phát triển theo cơ chế thị trường, loại thứ hai lần này đặc biệt đã làm rõ nhóm nhà ở xã hội thì có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng không có đủ khả năng thanh toán”.

“Nhà nước quản lý điều tiết và tham gia điều tiết thôi chứ Nhà nước không thể làm thay được thị trường” - chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn lên tiếng. Ông khuyên Chính phủ không nên đưa ra thông điệp là Nhà nước sẽ giải quyết hết, làm doanh nghiệp và dân trông chờ vào Nhà nước, “lạc quan quá mức”.

Người nghèo sẽ có nhà?

Ông Ngô Văn Minh - ủy viên Ủy ban Pháp luật - chất vấn: “Chính sách nói là hướng đến người thu nhập thấp, nhưng mua nhà giá rẻ 1 tỉ đồng, mỗi năm trả 10% là 100 triệu thì lấy đâu ra tiền mà mua? Ngân hàng tiếp tục cho nhà đầu tư vay lãi suất ưu đãi, nếu thị trường không được giải cứu, nợ xấu chồng lên nợ xấu thì có tính đến không?”. Bộ trưởng Dũng đáp: “Đúng là nhà ở xã hội mà 1 tỉ đồng thì khó thật, chúng tôi đang muốn nhà ở xã hội chỉ 500 triệu đổ lại thôi, 500 triệu một căn nhà 50m2, lãi suất ngân hàng độ 3-6%/năm thì người nghèo sẽ có nhà”.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) hỏi: “Đề nghị trả lời rõ chính sách tín dụng, một là thời hạn cho vay, hai là lãi suất. Có thể ổn định lãi suất ba năm, sau đó mới theo thị trường được không? Có những dự án dân góp vốn 30% rồi nhưng ngân hàng không cho vay để nhà đầu tư hoàn thiện rồi thu nốt 70%, xin hỏi quan điểm của ngân hàng?”. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Đặng Thanh Bình đáp: “Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo các ngân hàng cố gắng bố trí nguồn vốn cho vay bất động sản với lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại và có thời hạn dài hơn”.

Đối với các dự án người dân đã góp vốn rồi nhưng hiện nay đang bị “treo”, ông Bình cho rằng có rất nhiều loại khác nhau: có dự án thì doanh nghiệp không vay ngân hàng mà huy động dân, có dự án có vay ngân hàng nhưng “giữa đường đứt gánh” vì hết vốn, hoặc vì doanh nghiệp đem tiền đi làm việc khác... “Chủ trương chung của chúng tôi là khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay đối với dự án dở dang, nhưng các ngân hàng thương mại phải thẩm định từng dự án cụ thể và tự quyết định”.

Tồn kho thực tế lớn hơn báo cáo

Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương, tình hình tồn kho bất động sản như sau:

- Về nhà ở: 42.230 căn nhà (gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng)

- Văn phòng cho thuê: 92.800m2 sàn

- Trung tâm thương mại: 98.407m2 sàn

- Đất nền nhà ở: 7.922.485m2 (792,2ha)

- Đất thương mại khác: 1.951.033m2 (195,1ha)

Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỉ đồng. Riêng TP.HCM theo báo cáo của 121 dự án đã tồn kho 14.816 căn nhà, 58.748m2 mặt bằng thương mại, 300.071m2 đất nền, giá trị tồn kho ước tính 30.242 tỉ đồng. Hà Nội - theo báo cáo của 13 chủ đầu tư - đã tồn kho 5.875 căn nhà, 5.459m2 mặt bằng thương mại, văn phòng; giá trị tồn kho 14.070 tỉ đồng.

Số liệu tồn kho trên đây chưa phản ánh được tình hình thực tế, còn nhiều dự án có tồn kho nhưng chưa báo cáo và do đặc điểm của tồn kho bất động sản khác với tồn kho của các sản phẩm công nghiệp khác, nhiều nhà chung cư đang xây dựng dở dang, đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng... Vì vậy số vốn tồn đọng trong bất động sản còn lớn hơn nhiều so với số liệu trong báo cáo.(Trích báo cáo của Bộ Xây dựng)

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên