27/02/2023 11:56 GMT+7

Thị trường tệ 'chưa từng có', đe dọa nội địa hóa ô tô Việt?

Nhiều hãng ô tô đang mở rộng sản xuất các dòng xe để tăng tỉ lệ nội địa hóa, kỳ vọng cho ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ đang 'đe dọa' trực tiếp đến chiến lược mở rộng sản xuất của nhiều hãng xe ở Việt Nam.

Thị trường tệ chưa từng có, đe dọa nội địa hóa ô tô Việt? - Ảnh 1.

Một nhà máy sản xuất linh kiện xe ô tô góp phần gia tăng tỉ lệ nội địa hóa - Ảnh: H.HẠNH

Trước sản lượng tiêu thụ ô tô “lao dốc” nhiều tháng qua, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất xe hơi bày tỏ nỗi sốt ruột khi tính toán doanh số toàn thị trường ô tô cả năm 2023 (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có thể bị sụt giảm gần 17,5% so với năm 2022, tương đương với hơn 85.500 xe.

Thị trường có thể mất tới 1,8 triệu xe ô tô trong 5 năm tới

Thị trường xe ô tô (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới, tương đương khoảng 1,8 triệu xe” - vị này nhận định. Điều đáng chú ý là trong dài hạn, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, kéo theo tốc độ "ô tô hóa" tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến.

Theo đó, mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe và thu được 10 tỉ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 mà Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến 2035 của Thủ tướng đưa ra, có thể sẽ không thể đạt được.

Một doanh nghiệp kinh doanh xe hơi cho rằng đây là điều đáng tiếc khi thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 đã có sự tăng trưởng tốt và đạt qua mốc 500.000 xe để thoát khỏi mác “thị trường nhỏ”.

Trên thực tế, dù chịu tác động của dịch bệnh và các khủng hoảng chính trị khiến sản lượng thị trường lao dốc, nhưng nhờ lực đẩy từ chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ, đã kịp thời giúp chặn đà suy giảm doanh số bán hàng.

“Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã mang lại tác dụng đáng kể cho thị trường. Đặc biệt là việc áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, giúp doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam vượt qua khó khăn mà nguồn thu ngân sách của mặt hàng này giữ được đà tăng trưởng” - giám đốc doanh nghiệp này phân tích.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng sản xuất trong nước kể từ cuối tháng 6-2020 đều tăng qua các tháng nhờ cú hích của chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước.

Các hãng đầu tư thêm, cần chính sách hỗ trợ dài hơi

Bằng chứng là từ tháng 6-2020 khi áp dụng chính sách này, sản lượng sản xuất đều tăng qua các tháng. Thậm chí có thời điểm cuối năm này tăng tới 20%. Đến nửa đầu năm 2022 khi chính sách này tiếp tục áp dụng, doanh số xe du lịch tăng tới 49% so với cùng kỳ năm.

Theo ông Đào Phan Long - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giãn, hoãn nộp các loại thuế, phí, tiền thuê đất có vai trò lớn. Trong đó giúp các doanh nghiệp ô tô cân đối được dòng tiền, tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, ông cho rằng để thị trường "hấp thụ" được chính sách hiệu quả hơn, phát huy tính lan tỏa cao hơn thì chính sách cần mang tính đồng bộ và dài hơi. Trên thực tế, những hỗ trợ vừa qua dù đã giúp "hà hơi, thổi ngạt", nhưng để doanh nghiệp và thị trường khôi phục được những tổn thương sau khủng hoảng thì cần thêm các hỗ trợ. Đặc biệt khi nhiều hãng sản xuất xe tại Việt Nam đang đưa ra nhiều chiến lược mở rộng đầu tư.

Ông dẫn chứng, vừa qua Toyota Việt Nam đưa thêm 2 mẫu xe vào sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam thay vì nhập khẩu, nâng lên tổng số 5 mẫu xe. Cuối năm 2022, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn ô tô Hyundai cũng đã khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 với công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, nâng tổng công suất lên 180.000 xe/năm.

Hay với phân khúc cao hơn, Tập đoàn BMW cũng tuyên bố hợp tác với Thaco Auto để lắp ráp các mẫu xe BMW. Nhờ việc mở rộng sản xuất, Toyota đã triển khai các hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp, với 1.000 sản phẩm nội địa hóa. Còn với Thaco, hãng này đã công bố chiến lược đầu tư công nghiệp phụ trợ với 20 nhà máy sản xuất linh kiện quy mô lớn.

“Sự phát triển của ngành ô tô kéo theo phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt khi thị trường có biến động thì các chính sách phản ứng kịp thời là cần thiết để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng. Do vậy, cần có các chính sách hỗ trợ như các chính sách vừa qua, nhưng thực hiện xuyên suốt, liên tục để thị trường thực sự phục hồi, duy trì sản lượng ổn định và tạo việc làm cho các ngành khác, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách” - ông Long nhấn mạnh.

Thị trường tệ chưa từng có, đe dọa nội địa hóa ô tô Việt? - Ảnh 3.
Thời buổi khó khăn, chờ có tiền mặt hay vay vốn lãi cao để mua ô tô?Thời buổi khó khăn, chờ có tiền mặt hay vay vốn lãi cao để mua ô tô?

Thị trường ô tô trầm lắng trong nhiều tháng qua không chỉ do chi phí vay vốn quá cao, mà còn do tâm lý lo xa của người Việt trước viễn cảnh kinh tế u ám.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên